Khám phá Incabloc – Cơ chế chống sốc phổ biến nhất trong đồng hồ Thụy Sỹ

Incabloc là tên gọi của một cơ chế hay hệ thống chống sốc phổ biến trong đồng hồ cơ, đặc biệt là đồng hồ cơ của Thụy Sỹ. Hệ thống Incabloc này có tác dụng bảo vệ ngăn không cho bộ phận trục bánh lắc và các chân kính vốn dễ bị hủy hoại an toàn hơn khi đồng hồ đeo tay gặp các cú sốc.

MỤC LỤC

› Cơ chế chống sốc Incabloc là gì?

› Lịch sử ra đời hệ thống chống sốc Incabloc

› Hiểu rõ hơn hệ thống chống sốc Incabloc

1. Incabloc là gì?

2. Nhận dạng hệ thống chống sốc Incabloc

› Cơ chế hoạt động của Incabloc

1. Cung tròn đàn hồi

2. Đai giữ Double-Cone

› Hoạt động của hệ thống Incabloc

› Nguyên vật liệu để làm linh kiện trong hệ thống Incabloc

› Lời kết

Cơ chế chống sốc Incabloc là gì?

Ngoại trừ từ trường thì các cú sốc là kẻ thù nguy hiểm thường gặp nhất của đồng hồ đeo tay máy cơ do các linh kiện có trong bộ máy vốn rất mỏng và nhỏ mà khi đeo trên tay lại rất hay bị va này chạm nọ.

Khám Phá Incabloc, Cơ Chế Chống Sốc Phổ Biến Nhất Trong Đồng Hồ Thụy Sĩ

Cận cảnh một hệ thống chống sốc Incabloc trên đầu trục bánh lắc (phần có đai màu vàng nằm trên viên đá hồng)

Khi đồng hồ sử dụng máy cơ gặp sốc, đầu trục bánh lắc là phần mỏng nhất mà phải chịu tải nặng nhất trong đồng hồ rất dễ bị hỏng hoặc đẩy bung các chân kính chịu trách nhiệm giảm ma sát cho nó ra bên ngoài dẫn đến hỏng máy.

Đối với đồng hồ bỏ túi thì đây không phải là điều đáng lo ngại vì chúng được bảo vệ trong túi còn đồng hồ đeo tay thì không. Và đó cũng là lý do mà Incabloc, một cơ chế được thiết kế để bảo vệ máy đồng hồ khỏi các cú sốc khi dùng hằng ngày ra đời khi đồng hồ đeo tay bắt đầu phổ biến vào những năm 1930.

Cơ chế chống sốc Incabloc được phát minh bởi kỹ sư người Thụy Sỹ Fritz Marti vào năm 1928, được nhiều lần hoàn thiện bởi Fritz Marti và cấp bằng sáng chế năm 1934. Ngày nay, thương hiệu Incabloc® cũng như Incabloc SA vẫn độc lập và thuộc sở hữu của gia đình Zutter.

Khám Phá Incabloc, Cơ Chế Chống Sốc Phổ Biến Nhất Trong Đồng Hồ Thụy Sĩ 2

Nhờ sự hậu thuẫn từ ETA (Swatch), Incabloc đã trở thành cơ chế chống sốc phổ biến nhất thế giới

Theo sự phát triển của đồng hồ đeo tay cùng sự phổ biến của máy do ETA sản xuất và khả năng chống sốc hiệu quả, Incabloc không chỉ là hệ thống chống sốc phổ biến nhất trong đồng hồ Thụy Sỹ mà còn rất thông dụng trên toàn thế giới, nổi tiếng hơn nhiều so với các đối thủ KIF, Seiko Diashock, Citizen Parashock, Rolex Paraflex, Omega Nivachoc, ETA Etachoc,… cũng như chị em cùng công ty là Novodiac.

Lịch sử ra đời hệ thống chống sốc Incabloc

Hệ thống chống sốc Incabloc được xem là phát triển từ phát minh cơ chế chống sốc pare-chute của bậc thầy đồng hồ Abraham-Louis Breguet vào năm 1790. Pare-chute là một trong những cơ chế chống sốc lâu đời nhất trong các loại hệ thống chống sốc gồm một đai kim loại đàn hồi nhỏ vừa giữ chân kính mũ và trục bánh lắc tại chỗ vừa cho phép chúng bị đẩy lên ở mức độ vừa đủ khi gặp sốc mà không hư hỏng.

Kỹ sư Thụy Sỹ Fritz Marti phát minh hệ thống chống sốc Incabloc vào những năm 1928 khi ông làm việc tại Fabrique Election of La Chaux-de-Fonds thuộc sở hữu của Georges Braunschweig và nhận thức được sự yếu ở của trục bánh lắc. Thiết kế Incabloc ban đầu này được cấp bằng sáng chế Thụy Sỹ năm 1930.

Năm 1931, Georges Braunschweig và Fritz Marti thành lập Porte-Echappement Universel SA, bây giờ là Portescap SA (đổi năm 1963). Tại Porte-Echappement, Marti tiếp tục công việc của mình và năm 1933 ông lần nữa đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế mới cho cơ chế chống sốc đã được đơn giản hóa để được cấp bằng sáng chế Thụy Sỹ năm 1934.

Khám Phá Incabloc, Cơ Chế Chống Sốc Phổ Biến Nhất Trong Đồng Hồ Thụy Sĩ Cấu Tạo

Phân tích cấu tạo hệ thống chống sốc Incabloc hiện đại

Hệ thống chống sốc Incabloc gồm bệ giữ (Bloc), đại giữ (Chaton), chân kính bảo vệ sốc (Shock Protection Jewel), chân kính mũ (Cap Jewel), đai đàn hồi (Ressort-lyre) có hình dạng tương tự cây đàn lia cho phép trục bánh lắc di chuyển nhẹ ở cả hai bên và theo chiều thẳng đứng.

So với phiên bản hiện đại, phiên bản Incabloc 1934 sử dụng đến hai đai đàn hồi thay vì chỉ một đai ở phía trên chân kính mũ như ngày nay, các đai đàn hồi cũng có hình nón tam giác. Marti tiếp tục cải thiện phát minh của mình và cuối cùng nó phát triển thành hình đàn lia như bây giờ.

Trong thời hoàng kim, hệ thống chống sốc Incabloc có ảnh hưởng đến mức các nhãn hiệu đồng hồ buộc phải ghi trên mặt số. Incabloc nhanh chóng trở thành cơ chế chống phổ biến nhất thế giới với hơn 500 triệu bộ được sản xuất vào giữa những năm bảy mươi.

Hệ thống Incabloc đang hoạt động khi đầu trục gặp sốc bị di dời khỏi vị trí ban đầu

Đến cuộc khủng hoảng thạch anh, Portescap SA sụp đổ và đến năm 1988, Eric Zutter đã mua lại và thành lập công ty mới với tên gọi Incabloc SA. Năm 1992, Wilfred Zutter thay cha trở thành người đứng đầu công ty, cùng năm đó Incabloc SA chứng kiến ​​sự phục hồi của đồng hồ cơ và nhu cầu hệ thống chống sốc Incabloc dần tăng lên.

Năm 2003, Wilfred Zutter mua toàn bộ Incabloc SA và mở ra với triển vọng tốt cho đồng hồ cơ với nhiều sáng tạo cơ chế chống sốc ngoài Incabloc SA như hệ thống chống sốc Novodiac và nhiều cải tiến như Incabloc + (2004). Cho đến hiện tại thì Incabloc SA vẫn là một nhà sản xuất linh kiện độc lập ở La Chaux-de-Fonds và thuộc sở hữu của gia đình Zutter.

Hiểu rõ hơn hệ thống chống sốc Incabloc

1. Incabloc là gì?

Hệ thống chống sốc Incabloc là cơ chế bảo vệ các bộ phận mỏng manh (đầu trục) của máy đồng hồ khỏi chấn động, chúng thường hiện diện trên trục bánh lắc của đồng hồ Thụy Sỹ cao cấp.

Hầu hết đồng hồ chỉ có 2 hệ thống chống sốc Incabloc nằm ở 2 đầu trục bánh lắc, với các sản phẩm chống sốc đặc biệt, hệ thống chống sốc Incabloc có thể trang bị cho cả các đầu trục bánh răng lớn.

2. Nhận dạng hệ thống chống sốc Incabloc

So với các hệ thống chống sốc khác bằng cách nhìn vào phần bánh lắc, nếu trung tâm có một bộ phận (thường là màu vàng) nằm trên viên đá màu hổng có hình dạng như bên thì mẫu đồng hồ này sử dụng hệ thống chống sốc Incabloc (không giới hạn kích cỡ).

Cơ chế hoạt động của Incabloc

Khám Phá Incabloc, Cơ Chế Chống Sốc Phổ Biến Nhất Trong Đồng Hồ Thụy Sĩ Phân Tích

Mặt cắt một hệ thống chống sốc Incabloc

1. Cung tròn đàn hồi

Cung tròn đàn hồi nằm ở vị trí được đánh dấu số 1 trên hình. Đai đàn hồi hình đàn lia với hai cung tròn có thể đàn hồi vừa phải mang đến tác dụng cố định (khi không gặp sốc) và đẩy trục bánh lắc về vị trí cũ (ngay khi gặp sốc). Đai đàn hồi có bản lề và chốt tháo mở.

2. Đai giữ Double-Cone

Đai giữ Double-Cone nằm ở vị trí được đánh số 2 trong ảnh trên. Với cấu trúc đai giữ hình dạng Double-Cone độc quyền đảm bảo các hướng di chuyển của trục bánh lắc luôn luôn vuông góc với bánh lắc.

Khi một chiếc đồng hồ rơi xuống sàn từ độ cao trên một mét, nó sẽ chịu cú sốc khoảng 5G – Nói cách khác thì trục bánh lắc phải chịu sức mạnh gấp 5 lần trọng lượng của nó. Ngưỡng chịu được sốc của hệ thống chống sốc Incabloc® khoảng 35 gram.

Hoạt động của hệ thống Incabloc

Khám Phá Incabloc, Cơ Chế Chống Sốc Phổ Biến Nhất Trong Đồng Hồ Thụy Sĩ Hoạt Động

Đai đàn hồi có bản lề tháo mở, giọt dầu bôi trơn không bị lan nhờ lớp phủ epilame trên bề mặt chân kính

Giai đoạn 1: Năng lượng của cú sốc truyền qua phần chịu sức cản lớn nhất là trục bánh lắc được hấp thụ hoàn toàn bởi khối đệm.

Giai đoạn 2: Hệ thống Incabloc ngay lập tức hoạt động để trục bánh lắc không bị chèn khi va đập với chân kính mũ và cũng không làm chân kính mũ bung ra.

Khi khoảng cách giữa hai chân kính bị thu hẹp bởi vì trục bánh lắc đẩy lên chúng sẽ tạo thành một “bể chứa dầu” có hình dạng và kích thước cụ thể để giữ cho dầu bôi trơn có trong hệ thống Incabloc tập trung ở trung tâm và bôi trơn bảo vệ chân kính lẫn đầu trục.

Chân kính còn có một lớp phủ epilame độc ​​quyền trên bề mặt để làm thay đổi cấu tạo vật lý và hóa học của bề mặt giúp giữ lại dầu, ngăn không cho nó lan rộng khỏi hệ thống.

Nguyên vật liệu để làm linh kiện trong hệ thống Incabloc

  • Đai đàn hồi được làm bằng hợp kim Durnico có độ bền mỏi rất cao và độ cứng đạt chỉ số 600 HV, bề mặt được mạ nickel hoặc mạ vàng.
  • Chân kính bảo vệ sốc và chân kính mũ đều được làm bằng ruby tổng hợp, cứng và đồng nhất hơn ruby thiên nhiên cho khả năng chịu ma sát tuyệt vời, bề mặt các chân kính cũng được phủ vật liệu epilame.
  • Bệ giữ và đai giữ được làm bằng hợp kim đồng thau có độ linh hoạt cao, được mạ vàng hoặc mạ nickel.

Tuy vậy, chỉ có hệ thống chống sốc Incabloc chính hãng mới có tất cả những nguyên vật liệu này, một số sản phẩm nhái (của Trung Quốc) sẽ thay rubi với lớp phủ epilame bằng thủy tinh pha màu.

Lời kết

Đến đây là kết thúc bài viết về hệ thống chống sốc phổ biến nhất trong đồng hồ Thụy Sỹ Incabloc rồi, dĩ nhiên, hiện tại thì ETA đã hạn chế việc bán bộ máy do họ sản xuất cho các thương hiệu ngoài Swatch cũng như các hãng đồng hồ dần tự thiết kế ra các bộ máy với cơ chế chế chống sốc của riêng mình nên mức độ thông dụng của Incabloc có thể sẽ biến động theo thời gian. Rất có thể sau vài năm nữa, chúng ta sẽ chứng kiến một thiết kế cải tiến của Incabloc cùng sự xuất hiện của rất nhiều cơ chế chống sốc khác.

Còn bây giờ, nếu bạn cần được tư vấn thêm hoặc có ý kiến đóng góp để cải thiện nội dung, xin hãy để lại lời nhắn bên dưới nhé!

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *