5 huyền thoại đồng hồ lặn biển là biểu tượng lưu danh muôn thuở

Đồng hồ lặn biển có lẽ luôn là chủ đề khiến bất cứ quý ông nào cũng phải say mê bởi vẻ ngoài nam tính không lẫn vào đâu được cùng các tính năng thú vị và hữu ích. Và bạn có biết thao túng đằng sau thành công của đồng hồ lặn biển ngày nay chính là 5 biểu tượng bất tử bất diệt tử từ Rolex, Panerai, Doxa, Blancpain và Omega?

MỤC LỤC

› 5 biểu tượng đồng hồ lặn biển – 5 cột mốc huy hoàng của lịch sử đồng hồ lặn

1. Panerai Radiomir (1936) – Đồng hồ lặn của người nhái hải quân Ý

2. Blancpain Fifty Fathoms (1953) – Đồng hồ lặn của người nhái hải quân Pháp

3. Rolex Submariner (1954) – Huyền thoại đồng hồ lặn đa dụng

4. Doxa SUB 300T (1967) – Đồng hồ lặn biển chuyên nghiệp cho người thợ lặn thực sự

5. Omega Seamaster Ploprof (1970) – Đồng hồ lặn biển chống nước và chống cả khí Helium

› Có còn những biểu tượng đồng hồ lặn biển nào khác?

5 huyền thoại đồng hồ lặn biển là biểu tượng lưu danh muôn thuở

Vốn được thiết kế cho thợ lặn dùng nhưng vô khối đàn ông không phải thợ lặn mới là khách hàng chính của đồng hồ đeo tay lặn biển, bạn có biết nguyên do vì sao không? Đó là bởi đồng hồ lặn đẹp một cách nam tính, bền bỉ, đa năng và thú vị, tất cả đều là thứ mà phái mạnh luôn hướng tới từ sâu trong tiềm thức.

5 Huyền Thoại Đồng Hồ Lặn Biển Đã Là Biểu Tượng Lưu Danh Muôn Thuở 1

Doxa Sub 300T, một trong 5 đồng hồ lặn biển huyền thoại và đi tiên phong trong lĩnh vực lặn giải trí (Ảnh là mẫu Sub 300, phiên bản dạ quang Super-LumiNova của Sub 300T)

Nói một cách ngắn gọn nhất thì đồng hồ lặn hay lặn biển là loại được thiết kế để chống vào nước khi người đeo lặn sâu xuống dưới mực nước. Ngoài khả năng chịu nước, chúng còn có nhiều tính năng tiện lợi khác, có độ bền cao hơn nhiều so với đồng hồ thường.

Dĩ nhiên, bất cứ điều gì cũng có kẻ đi tiên phong và được lưu danh muôn thuở, trở thành biểu tượng và khuôn mẫu để lớp lớp đàn em noi theo và học hỏi, đặc biệt là trong kiểu dáng và tính năng.

Đây chính là lý do mà Hải Triều xin được tổng hợp ra top 5 huyền thoại đồng hồ lặn biển bất tử bất diệt nhất trong lòng người hâm mộ gồm: Panerai Radiomir, Blancpain Fifty Fathoms, Rolex Submariner, Doxa SUB, Omega Seamaster Ploprof và giới thiệu bên dưới.

YouTube video

TOP 7 đồng hồ lặn từ 5 – 10 triệu không nên bỏ lỡ năm 2022

5 biểu tượng đồng hồ lặn biển – 5 cột mốc huy hoàng của lịch sử đồng hồ lặn

1. Panerai Radiomir (1936) – Đồng hồ lặn của người nhái hải quân Ý

5 Huyền Thoại Đồng Hồ Lặn Biển Đã Là Biểu Tượng Lưu Danh Muôn Thuở Panerai Radiomir

Panerai Radiomir chỉ được cung cấp cho các biệt kích người nhái của tàu ngầm đầu tiên Group Command của Hải quân Ý

Trước khi Panerai Radiomir ra đời có rất nhiều mẫu đồng hồ có khả năng chống nước nhưng chỉ có Panerai Radiomir mới được xem thiết kế đồng hồ dành cho việc lặn biển đầu tiên trên thế giới đáp ứng được yêu cầu chịu được áp suất cao, giữ thời gian chính xác, cung cấp khả năng đọc tuyệt vời ngay cả dưới nước và được làm từ hợp kim thép Staybrite chống ăn mòn tốt nhất lúc bấy giờ, dây đeo da chịu nước, đủ dài để đeo được trên một bộ đồ lặn.

Và càng không giống như phần lớn đồng hồ chịu nước khác ở thời đại của mình vốn chỉ được sử dụng trong môi trường dân sự “tương đối an toàn”, Panerai Radiomir chỉ được cung cấp cho các biệt kích người nhái của tàu ngầm đầu tiên Group Command của Hải quân Ý để song hành cùng các nhiệm vụ khắc nghiệt của lính.

Sự ra đời của đồng hồ lặn biển Panerai Radiomir gắn liền với sự phát triển của động cơ tàu và chiến tranh thế giới thứ hai. Các đơn vị đặc nhiệm dưới nước của hải quân Ý đã thực hiện nhiều loại nhiệm vụ bí mật trong đó có thử nghiệm ngư lôi có người lái và mỏ trồng loài ốc đá trên tàu của đối phương.

Họ yêu cầu một mẫu đồng hồ đeo tay có thể không chỉ chịu được nước mà còn nhìn thấy được thời gian trong bóng tối để phối hợp tấn công. Mặc dù thời điểm đó Panerai không phải là một hãng đồng hồ nhưng họ đã có nhiều thiết bị đo đạc có vỏ không thấm nước, thông qua liên kết với Rolex để chế tạo vỏ và sử dụng máy đồng hồ Rolex cùng chất liệu dạ quang của riêng mình (Nền tảng là radium).

Cái tên Radiomir thể hiện việc sử dụng chất phóng xạ để làm dạ quang của mẫu đồng hồ này. Loại dạ quang phóng xạ Radium hiện nay đã bị cấm vì lý do độc hại nhưng không thể phủ nhận rằng nó chính là một trong những khám phá lịch sử và đỉnh cao của nền văn minh thời đại.

Tuy không được phổ biến cho dân thường đến tận năm 1993 nhưng Panerai Radiomir cũng như anh em họ hàng của nó là Panerai Luminor là hai thiết kế đồng hồ lặn biển đầu tiên được xây dựng hoàn toàn cho việc xem thời gian dưới nước và đã trở thành một biểu tượng không thể thay thế trong lòng người mê đồng hồ dù nó không có nhiều chuẩn mực cho đàn em “bắt chước”.

Có điều, vì không được sử dụng bởi dân thường nên cả Panerai Radiomir và Luminor đều không phải là tổ tiên trực tiếp của đồng hồ lặn hiện đại (chuẩn ISO 6425) mà được xem là đồng hồ phục vụ cho mục đích quân sự nhiều hơn tuy rằng sự nổi tiếng của nó hiện nay thì không giới hạn quân sự hay dân sự.

Hơn nữa, cũng bởi vì không có nhiều chuẩn mực dựa vào nên Panerai Radiomir và Luminor là kiểu dáng cực kỳ đặc trưng và không thể nhầm lẫn vào đâu được. Còn đối với đồng hồ nói chung, không phải ai khác mà chính Panerai Radiomir và Luminor mới là kẻ đã tạo ra trào lưu đồng hồ mặt to và định nghĩa lại size vừa cho mặt đồng hồ ngày nay (Trong thế kỷ 20, size vừa của nam giới là 33-36 mm mà thôi).

2. Blancpain Fifty Fathoms (1953) – Đồng hồ lặn của người nhái hải quân Pháp

5 Huyền Thoại Đồng Hồ Lặn Biển Đã Là Biểu Tượng Lưu Danh Muôn Thuở Blancpain Fifty Fathoms

Vào đầu những năm 1950, quân đội Pháp đã tái cấu trúc khả năng chiến đấu của mình sau chiến tranh và một trong những hành động đó chính là chọn một chiếc đồng hồ mới cho các đặc nhiệm người nhái trong Hải quân. Đội trưởng điệp viên người Pháp Robert Maloubier và đồng sự của mình là Claude Riffaud đã phác thảo ra một chiếc đồng hồ có thể đáp ứng các yêu cầu chính xác trong các nhiệm vụ lặn có bình khí (Scuba Diving).

Bởi vì lặn có bình khí đòi hỏi phải theo dõi sát sao thời gian ngừng để giảm áp (cho khí Nitơ thoát từ từ) giữa các lần nổi dần lên mặt nước của thợ lặn nên yêu cầu cơ bản của đồng hồ mới được thiết kế cho Hải quân Pháp này là ngoài khả năng chịu nước thì còn có thể theo dõi thời gian trôi qua riêng biệt với thời gian hiển thị vốn có.

Một mẫu đồng hồ chronograph có thể làm điều đó nhưng việc bấm nút sẽ làm chúng bị vào nước, để giải quyết điều này, viền xoay (rotating bezel) có các chỉ số đã được bổ sung vào mặt đồng hồ. Và khi kết hợp với kim phút của chiếc đồng hồ, viền xoay có thể cho biết thời gian đã trôi qua trong nháy mắt.

Sau nhiều lần tìm kiếm nhà sản xuất cho ý tưởng và yêu cầu của mình không thành công, Maloubier đã liên hệ với hãng Blancpain của Thụy Sĩ với bản phác thảo của mình để Blancpain Fifty Fathoms được sinh ra vào năm 1953, đây chính là chiếc đồng hồ lặn biển đầu tiên được xây dựng đúng với mục đích lặn biển cho thợ lặn (và quân đội).

5 Huyền Thoại Đồng Hồ Lặn Biển Đã Là Biểu Tượng Lưu Danh Muôn Thuở 50 Sải
Thiết kế của Blancpain cho lính người nhái Pháp đã trở thành mẫu mực cho đồng hồ lặn hiện đại

Cái tên Fifty Fathoms có nghĩa là 50 sải (91.45 m/300 feet) tương đương với khả năng chịu nước của Blancpain Fifty Fathoms, độ này cũng chính là phạm vi độ sâu an toàn tối đa cho một thợ lặn với một bình khí hỗn hợp oxy sử dụng một lần.

Nhờ vào khả năng đáng tin cậy và mạnh mẽ cũng như không cấm bán ngoài quân sự, đồng hồ lặn biển Blancpain Fifty Fathoms nhanh chóng phổ biến trong lực lượng hải quân các nước khác như Israel, Tây Ban Nha, Đức, Mỹ và càng được các thợ lặn dân sự xem như một phần của bộ đồ lặn.

Ngoài viền xoay một chiều (Uni-directional bezel) để đảm bảo an toàn thời gian đã tạo ra thương hiệu và kiểu mẫu cho các đàn em sau này, đồng hồ lặn biển Blancpain Fifty Fathoms cũng có một mặt số có dạ quang để xem thời gian trong bóng tối và núm chống nước hai ron cao su. Nói chính xác hơn, hầu hết những gì có trên mẫu đồng hồ này đều được thấy trên đồng hồ lặn theo chuẩn ISO 6425 hiện đại.

3. Rolex Submariner (1954) – Huyền thoại đồng hồ lặn đa dụng

5 Huyền Thoại Đồng Hồ Lặn Biển Đã Là Biểu Tượng Lưu Danh Muôn Thuở Rolex Submariner

Khác với Panerai Radiomir và Blancpain Fifty Fathoms nguyên bản phục vụ cho quân đội trước rồi sau đó mới là thợ lặn chuyên nghiệp, Rolex Submariner ra đời với mục đích phục vụ cho dân sự một cách đa nhiệm bởi ý tưởng của René-Paul Jeanneret, một thành viên của ban giám đốc Rolex vô cùng đam mê môn thể thao lặn.

Theo mong muốn của René-Paul Jeanneret, Rolex Submariner phải là một chiếc đồng hồ không chỉ thích hợp để sử dụng lặn trong nước mà còn là một chiếc đồng hồ thanh lịch cho sử dụng hàng ngày.

Các cuộc thảo luận về việc thêm một chiếc đồng hồ như vậy trong bộ sưu tập Rolex lúc bấy giờ đã có rất nhiều lần do mẫu mã Rolex hiện tại thời điểm đó đều là chịu nước và thanh lịch. Dĩ nhiên, tất cả chúng vẫn không phải là những chiếc đồng hồ lặn thực sự tức thứ mà René-Paul Jeanneret nghĩ đến.

Vào tháng 9 năm 1953, Rolex đã cho thế giới biết – theo một cách ngoạn mục – đó là họ đã có thể sản xuất đồng hồ cho thợ lặn bằng việc gắn chiếc đồng hồ mẫu của mình vào tàu ngầm Bathyscaphe của Auguste Piccard và con trai ông lặn sâu 3131.8 mét trong đại dương.

Tiếp nối cho thành tựu này đó là sự ra đời của Rolex Submariner tại triển lãm Basel (ngày nay là BaselWorld) vào năm 1954, máy tự động, chịu nước đến độ sâu 100 m nhờ núm vặn gọi là Twinlock.

Vào thời điểm tung ra thị trường, đồng hồ lặn biển sang trọng Rolex Submariner đã qua kiểm tra sử dụng thực tế nghiêm ngặt bởi The Institute for Deep Sea Research (Viện nghiên cứu biển sâu) ở Cannes ngày 26 tháng 10 năm 1953.

Kiểm nghiệm này đưa chiếc đồng hồ lặn 132 lần trong độ sâu từ 12 đến 60 mét và lần cuối ở độ sâu 120 m đưa ra báo cáo không có sự ăn mòn ở toàn bộ đồng hồ, không có hơi nước lọt vào trong đồng hồ kể cả khi ở độ sâu 120 mét trong thời gian 1 tiếng.

Rolex sử dụng các ý kiến đề xuất và thông tin phản hồi của nhiều chuyên gia về mẫu thử trong khi phát triển Submariner, Jeanneret cung cấp nhiều ý tưởng cho việc thiết kế vỏ ngoài, mặt số, viền xoay (tại thời điểm đó vẫn xoay theo cả hai hướng). Rolex Submariner cũng chính là sản phẩm đầu tiên sử dụng các biện pháp bảo vệ nước ở vị trí núm chỉnh.

Việc cải tiến nguyên mẫu Rolex Submariner được tiến hành liên tục theo thời gian rất nhiều lần trước khi đi đến thiết kế ngày hôm nay. Có thể nói, Rolex Submariner chính là sản phẩm nổi tiếng nhất trong số cả năm mẫu đồng hồ lặn biển biểu tượng mọi thời đại trong bài.

Song song đó, một thiết kế rất rất tương tự Rolex Submariner là Rolex Sea-Dweller (ra đời những năm 67 và xây dựng dựa trên Rolex Submariner) cũng được xem là có độ “huyền thoại” một chín một mười (nhưng đắt hơn, chịu nước cao hơn và hoàn thiện hơn về nhiều mặt).

Đồng thời với việc là sản phẩm làm theo yêu cầu của công ty công nghiệp lặn biển sâu Comex SA (Comex SA industrial deep-sea diving company), Rolex Sea-Dweller còn là sản phẩm đánh dấu sáng kiến của Rolex và Doxa trong việc phát minh ra Van Helium vĩ đại cho những mẫu đồng hồ lặn biển sâu hàng ngàn mét.

4. Doxa SUB 300T (1967) – Đồng hồ lặn biển chống nước và chống cả khí Helium

Nếu như ba mẫu đồng hồ lặn huyền thoại kể trên ít nhiều phục vụ cho những mục đích không thuần “thợ lặn” hoặc “dân dụng” như Blancpain Fifty Fathoms, Panerai Radiomir dành cho quân sự, còn Rolex Submariner chăm lo cả vấn đề sang trọng thì Doxa SUB mới là sản phẩm đồng hồ thợ lặn chuẩn không cần chỉnh.

Ra đời bởi sự bùng nổ của nhu cầu lặn giải trí cho những kẻ thích mạo hiểm nơi biển sâu, Doxa SUB được thiết kế chỉ dành cho lặn chứ không lan man ôm đồm những mục đích khác (dĩ nhiên, vẻ đẹp cổ điển của chúng hoàn toàn không là vấn đề cho các trang phục hiện đại ngày nay nếu bạn không thích lặn).

Sự ra đời của Doxa Sub đến từ việc hầu như đồng hồ lặn biển thời điểm 1960 hoàn toàn dựa trên những thiết kế quân sự, ít nhiều không phù hợp với dân sự. Nhận thấy điều này, Doxa, một thương hiệu nhỏ có trụ sở tại Le Locle bắt đầu xây dựng chiếc đồng hồ lặn “thuần túy” từ một tờ giấy trắng để nó thật hoàn hảo cho các thợ lặn giải trí, dân sự.

Ngoài việc hợp tác với các thợ lặn chuyên nghiệp như Claude Wesly, hãng còn hợp tác với người đứng đầu tổng công ty thợ lặn Mỹ (US Divers Company) để tạo ra bảng theo dõi giới hạn lặn không giảm áp trên bezel (dựa trên bảng theo dõi chuẩn của Hải Quân Mỹ) phục vụ nhu cầu xem có bao nhiêu thời gian trôi qua lẫn hỗ trợ giảm áp an toàn khi lặn sâu.

Kết quả là Doxa SUB 300T, chiếc đồng hồ xây dựng hoàn toàn cho mục đích lặn dân dụng nhất thời điểm này được phát minh. Chữ T trong tên có nghĩa là sử dụng dạ quang Tritium an toàn hơn Radium và 300 là chỉ số chịu nước. Và đó cũng là điểm bắt nguồn của các đặc sản gắn liền với thương hiệu Doxa SUB, được tin dùng bởi ông tổ thợ lặn Jacques Cousteau:

  • Mặt cam dễ đọc nhất trong điều kiện u ám sâu trong lòng biển.
  • Củng cố tầm quan trọng của kim phút bằng cách làm kim giờ nhỏ.
  • Bảng theo dõi giới hạn lặn không giảm áp trên Bezel tránh bệnh giảm áp.
  • Vỏ hình thùng tonneau bảo vệ bộ máy và núm chỉnh trước áp suất tốt hơn.
  • Dây đeo sử dụng khóa có thể mở rộng để phù hợp khi dùng thường hoặc đeo với bộ đồ lặn.

(Riêng yếu tố Dạ quang Tritium cho độ sáng liên tục ngày nay đã được thay đổi thành dạ quang Super-LumiNova và loại Tritium có hoạt độ phóng xạ thấp hơn nguyên bản).

Khi ra mắt, đồng hồ lặn biển Doxa SUB 300T là dạng tinh khiết nhất dành cho các thợ lặn thường, thợ lặn giải trí với khả năng làm việc đáng tin cậy, thoải mái, dễ đọc và dễ sử dụng thiết bị. Đồng thời, sản phẩm này còn được chọn là đồng hồ lặn biển độc quyền cho tổng công ty thợ lặn Mỹ trong suốt thời gian Jacques Cousteau lãnh đạo và trang bị cho người nhái quân đội Thụy Sĩ suốt những năm 70.

Và mọi thứ về một huyền thoại có tên gọi Doxa SUB 300T hoàn toàn không dừng lại ở đó với phát minh đột phá trên đồng hồ lặn biển sâu Van Helium có ở một phiên bản khác của DOXA SUB 300T: Conquistador.

Cũng giống như việc lặn xuống sâu có thể gây hại cho thợ lặn nếu không giảm áp (cho khí Nitơ trong nước biển sâu thoát ra khỏi cơ thể), một chiếc đồng hồ lặn có thể bị hư hỏng do khí hêli cũng có nhiều dưới đáy biển.

Các phân tử heli nhỏ hơn nhiều so với oxy hoặc nitơ và có thể xuyên qua các ron cao su chống nước của vỏ đồng hồ. Khi nhhững phân tử này xâm nhập đến mức chật ních trong vỏ, chúng sẽ thổi bay mặt kính cũng như làm lỗi máy.

HRV (helium release valve, van thoát khí Helium) trang bị ở vỏ đồng hồ Doxa SUB 300T Conquistador ra đời năm 1969 sẽ giải quyết vấn đề này bằng cách cho phép helium được giải phóng trong khi vẫn ngăn không cho nước chảy vào vỏ đồng hồ.

Nói thêm về HRV, phát minh này đến từ sự hợp tác giữa Doxa và Rolex nên đây cũng là lý do vì sao mà năm 1969 đã xuất hiện DOXA SUB 300T Conquistador và Rolex Sea-Dweller (phiên bản van helium).

5. Omega Seamaster Ploprof (1970) – Đồng hồ lặn biển chống nước và chống cả khí Helium

Omega Seamaster Ploprof là một cách gọi vắn tắt, trên thực tế, nguyên bản đồng hồ này có tên là Omega Seamaster Diver 600 Professional ra đời khi công ty Comex vừa hợp tác với Rolex trong sự phát triển của Sea-Dweller vừa đàm phán với Omega để tạo ra siêu đồng hồ lặn biển thương mại riêng của mình.

Khác với Rolex và Doxa đã chọn Van Helium để giải phóng khí Helium ra khỏi đồng hồ, hãng Omega lại đi theo hướng khiến cho đồng hồ trở nên bất khả xâm phạm bởi các khí có phân tử nhỏ như Heli hay cả Hydro.

Điều này dẫn đến việc tạo ra một thủy quái khổng lồ monobloc-cased (bộ vỏ một khối tức nắp lưng và khung vỏ liền khối không thể tháo rời) khổng lồ Seamaster 600 Plongeur Professional đã ra đời. Và tên gọi được biết đến phổ biến hiện nay “Ploprof” chính là viết tắt của “Plongeur Professionel” (plongeur professionnel là từ tiếng Pháp tương đương “professional diver”).

Chiếc đồng hồ lặn biển Omega Seamaster Ploprof gần như bị loại khỏi việc đeo hằng ngày vì nó rất lớn và nặng nề, khá là gây vướng bận với hình vuông cùng núm chỉnh được bảo vệ kỹ trong khối thép, thêm vào đó, viền xoay chỉ có thể xoay được khi nhấn nút màu phản quang ở bên phải.

Đồng hồ được phát triển trong bốn năm trước khi được công bố chính thức vào năm 1970 và không quá thành công về mặt thương mại do vẻ ngoài độc đáo và kích thước khổng lồ. Dù chỉ có thể đeo khi lặn nhưng bù lại đồng hồ lặn biển Omega Seamaster Ploprof có thể chịu nước gấp đôi chỉ số chống nước đến độ sâu 600 m của mình.

Hiện nay, cũng như 4 huyền thoại khác, đồng hồ lặn biển Omega Seamaster Ploprof đã có rất nhiều phiên bản cải tiến và nâng cấp khả năng chịu nước khác nhau nhưng những thiết kế nguyên mẫu ban đầu vẫn luôn là thứ tuyệt vời cho các nhà sưu tập.

Cùng với Panerai Radiomir, Doxa Sub, sự gồ ghề to lớn độc đáo của Omega Seamaster Ploprof cũng là một điểm cộng so với kiểu dáng đã quá phổ biến do sự ảnh hưởng từ việc trở thành “chuẩn mực đồng hồ lặn hiện đại” của Rolex Submariner hay Blancpain Fifty Fathoms.

Có còn những biểu tượng đồng hồ lặn biển nào khác?

Thật là bất công nếu chỉ kể đến 5 mẫu đồng hồ lặn biển ở trên mà bỏ qua loạt các huyền thoại nổi tiếng của hãng Seiko như Seiko Tuna (1975), Seiko Turtle (1976), Seiko Monster (2000) với ưu điểm nổi trội nhất cho với cả 5 mẫu kia đó chính là rẻ mà vẫn chất lừ từ thiết kế cho đến tính năng.

Nhưng vì thời đại của đồng hồ lặn biển huyền thoại từ Seiko lại bắt đầu khoảng cuối những năm 70 sau khi đã “rút ra được nhiều kinh nghiệm từ tiền bối” đã kể trên cho nên Hải Triều xin phép được đề cập đến chúng trong các bài viết khác, bạn nhớ đón đọc đừng bỏ lỡ.

Cuối cùng, những gì gọi là huyền thoại đều là lựa chọn được xây dựng dựa trên cảm nhận, rất có thể cả 5 mẫu đồng hồ lặn trên đây đều không phải là lý tưởng của bạn, nếu có thể, bạn hãy chia sẻ những huyền thoại đồng hồ lặn biển trong lòng mình ngay bên dưới bài viết nhé.

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

3 thảo luận
  1. Đồng Hồ Hải Triều

    Chào anh ,

    Rất cám ơn anh đã dành lời khen tặng cho bài viết của Hải Triều . Hải Triều sẽ cố gắng tìm kiếm và nghiên cứu thật nhiều bài viết hay hơn nữa để cung cấp thêm thông tin cho những tín đồ yêu mến đồng hồ .
    Mong rằng anh sẽ luôn quan tâm ủng hộ và dõi theo Hải Triều trên những chặng đường sắp tới .

    Cám ơn anh và chúc anh buổi tối ấm áp .
    -nh-

    6 năm trước
  2. N
    Nghĩa

    Rất hay và chi tiết.

    6 năm trước
    • Đồng Hồ Hải Triều

      Chào anh ,

      Rất cám ơn anh đã dành lời khen tặng cho bài viết của Hải Triều . Hải Triều sẽ cố gắng tìm kiếm và nghiên cứu thật nhiều bài viết hay hơn nữa để cung cấp thêm thông tin cho những tín đồ yêu mến đồng hồ .
      Mong rằng anh sẽ luôn quan tâm ủng hộ và dõi theo Hải Triều trên những chặng đường sắp tới .

      Cám ơn anh và chúc anh buổi tối ấm áp .
      -nh-

      6 năm trước
Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *