Đồng hồ demi là gì, và 5 điều bí mật của dáng vẻ hoài cổ này

Đồng hồ demi (đờ mi) chỉ những mẫu đồng hồ mà dây hay vỏ có 2 màu sắc (thường là tông vàng và tông bạc). Ngược về quá khứ, phong cách demi trên đồng hồ đeo tay có xuất xứ từ Rolex, ra đời khoảng đầu những năm ba mươi. Đến nay, nó đã tồn tại gần một thế kỷ.

Đồng hồ demi là gì, và 5 điều bí mật của dáng vẻ hoài cổ này

Đồng hồ demi là gì? Đồng hồ demi hay còn gọi là đồng hồ two-tone, đồng hồ bicolor. Trong đó, “demi” (người Việt hay đọc là đờ mi) là một thuật ngữ dùng để nói về những chiếc đồng hồ có dây hoặc vỏ (hoặc cả hai) mang hai tông màu xen kẽ vào nhau. Thường gặp nhất là màu vàng và màu bạc.

Trên tay chiếc đồng hồ limited có phần vỏ demi vàng hồng 18k nguyên khối kết hợp thép không gỉ từ Doxa (Doxa D139RWH)

Nghe đến đây, hẳn rất nhiều người trong số chúng ta đã thấy được sự quen thuộc của phong cách có tên gọi demi này rồi đúng không? Kể từ khi Rolex phát minh vào 1933, demi đã trở thành chuẩn mực cho thiết kế dành cho cả hai thế giới sang trọng & thể thao ở hầu như mọi hãng đồng hồ.

Và những bí mật và câu chuyện về chúng thì không dừng lại ở đó. Xoay quanh phong cách cổ điển đã trở thành huyền thoại này vẫn còn rất nhiều điều thú vị đang chờ bạn khám phá trong các phần bên dưới.

Có thể bạn chưa biết: “Demi” là từ có nguồn gốc tiếng Pháp (viết tương tự trong tiếng Anh), có nghĩa là một nửa. Do sự phổ biến trong tiếng Pháp ở Việt Nam vào thế kỷ 20, người Việt đã dùng từ này để chỉ các loại đồng hồ mà dây, vỏ xen kẽ hai tông màu. Tuy nhiên, nếu bạn muốn tìm loại đồng hồ này bằng tiếng Anh, bạn phải dùng “two-tone” hoặc “bicolor”.

Mục Lục

›   Câu chuyện của đồng hồ demi trong thế kỷ trước

›   Nhận dạng đồng hồ demi một cách cụ thể và chính xác

    ›   3 vị trí “demi” phổ biến và được ưa chuộng

    ›   5 “màu” demi nổi tiếng và được ưa chuộng

    ›   Những trường hợp là đồng hồ demi dù có hơn 2 tông màu

    ›   Những trường hợp không phải đồng hồ demi dù có 2 tông màu

›   Ý nghĩa ẩn sau sự tổn tại của đồng hồ demi

›   5 điều cốt lõi đã tạo nên sức hút của đồng hồ demi

    ›   Giá trị của đồng hồ demi trong thời đại này

›   5 thương hiệu đồng hồ demi nổi tiếng ở Việt Nam

›   Lời kết, demi, một phong cách huyền thoại

Giới thiệu các bộ sưu tập bán chạy

Câu chuyện của đồng hồ demi trong thế kỷ trước

Truy tìm lịch sử và nguồn gốc, phong cách demi thực sự được phát minh bởi Rolex, trên những chiếc Oyster sản xuất vào những năm 30 và được đăng ký bản quyền vào năm 1933 với cái tên là Rolesor.

Rồi đến khi Oyster Perpetual Datejust ra đời năm 1948, đây chính là tượng đài vĩ đại nhất của mọi đồng hồ demi, không có bất cứ thiết kế nào khác có thể sánh bằng. Cho dù là nói về Rolex hay demi, bạn đều phải nhắc đến nó.

Định nghĩa cho Rolesor rất đơn giản: bezel, núm và dải mắt dây ở trung tâm được làm bằng vàng 18 ct (vàng kim, vàng hồng, vàng trắng) trong khi phần còn lại của các bộ phận dây, vỏ sẽ được làm bằng thép không gỉ. Ngoài ra, đối với sự kết hợp của thép không gỉ và bạch kim (platinum), Rolex lại gọi chúng với các tên là Rolesium.

Một Sky-Dweller Rolesor (Ref. 326933) với vành băm và dây demi huyền thoại

Chữ “Rolesor” bắt nguồn từ sự kết hợp của từ “Rolex” và từ tiếng Pháp “Or”, có nghĩa là “vàng”. Do luật đặc trưng ở nhiều quốc gia khác nhau, sự kết hợp giữa vàng và thép không thể được mô tả là vàng, vì vậy thuật ngữ ‘Rolesor’ được sử dụng thay cho từ “two-tone” để mô tả đồng hồ tại Rolex.

Thập niên 90 có thể xem là thời đại hoàng kim của đồng hồ demi/two-tone, ngoài Rolex, rất nhiều tên tuổi lớn nhỏ cũng không ngừng sáng tạo thêm những phong cách demi mới lạ hơn cho đến khi suy thoái dần vào những năm 2000. Ngày nay, thuật ngữ “Rolesor” được hiểu như là sự kết hợp của thép không gỉ và các loại vàng nguyên khối 18ct nói chung lại trên cùng một mẫu đồng hồ Rolex. 

Trong khi đó, ở các thương hiệu khác, nó được gọi là “two-tone” hoặc “bicolor”, có thể đúng với cả đồng hồ có vàng nguyên khối hoặc các loại mạ vàng/PVD vàng. Hiển nhiên, Việt Nam chúng ta sẽ gọi là đồng hồ demi (đờ mi), nhiều người “kỹ” còn gọi là đồng hồ dây demi cho sát với phong cách chuẩn của Rolex.

Tính đến thời điểm hiện tại, demi đã là một phong cách cực kỳ phổ biến trên đồng hồ, ngoài những tên tuổi lớn phải học hỏi theo như Omega, Longines, Doxa, Cartier,… nhưng mang đến nhiều tùy biến của riêng mình thì những thương hiệu lớn của châu Á cũng “homage” Datejust, Submariner như Seiko, Orient, Citizen, OP,…

Ngay cả “big three” vĩ đại như Patek Philippe, Vacheron Constantin, Audemars Piguet cũng không thể chối từ sự hấp dẫn mà “demi” mang lại cho đồng hồ: tính bền bỉ của thép & vẻ ngoài sang trọng của vàng kể từ khi cuộc khủng hoảng thạch anh xảy ra vào thập niên 70-80.

Phân biệt demi, Two-Tone và Rolesor:

Demi: tổng hợp tất cả định nghĩa về Two-Tone lẫn Rolesor (có vẻ như người Việt mình thích sự tổng hợp)
Two-Tone/Bicolor: đề cập đến đồng hồ có hai tông màu vỏ hoặc dây hoặc cả hai khác nhau.
Rolesor: chỉ dành riêng cho Rolex, đề cập đến đồng hồ có vỏ, dây là từ hai vật liệu khác nhau mà một trong số đó là hợp kim vàng 18k.

Nhận dạng đồng hồ demi một cách cụ thể và chính xác

Demi đến từ đâu? Đâu là điều cốt lõi quyết định một chiếc đồng hồ là demi? Dây đeo và thứ quan trọng nhất để xét xem một mẫu đồng hồ có được gọi là demi hay không, sau đó mới tính đến vỏ. Nếu dây là demi, đồng hồ chắc chắn là demi. Ngay sau nó chính là vỏ demi (khung vỏ và bezel có 2 màu khác nhau).

3 vị trí “demi” phổ biến và được ưa chuộng

 1. Dây đờ mi

Thường gặp là loại dây hai dải màu xen kẽ vào nhau chạy dọc theo chiều dài dây (ví dụ như: Rolex 126333 Datejust 41, Doxa D149RWH). Loại demi này mới thực sự là đúng chuẩn truyền thống.

Ít gặp hơn là hai dải màu nằm xen kẽ theo chiều ngang các mắt dây (ví dụ như Doxa D126RWH hay biến thể dây integral demi là Patek Philippe 3800/001).

2. Vỏ đờ mi

Có hai dạng thường gặp nhất là toàn bộ bezel (ví dụ như Rolex 126333 Datejust 41) hoặc chỉ một phần bezel (ví dụ như Doxa D154RWH) sẽ có màu khác với khung vỏ. Loại demi này sẽ mang lại vẻ trẻ trung hơn “dây demi”.

Lưu ý là một số thiết kế bezel nhiều màu (nhiều thành phần) như Rolex 116613N cũng là kinh điển trong các loại demi (ta sẽ không tính phần bezel inserts, như ví dụ Rolex 116613N là màu đen).

3. Mặt đờ mi

Cọc số và kim (một phần hoặc toàn bộ) có tông vàng trong khi vỏ và dây hoàn toàn là tông bạc/đen hoặc ngược lại (ví dụ như Doxa D220SGY hay Doxa D183RSD).

Dạng này có thể xem là “demi” nhưng không quá chính thống do sự khác biệt với các nguyên mẫu ban đầu. Bởi thế, nếu không phải tông vàng đi với tông bạc/đen, đồng hồ sẽ không gọi là demi.

7 “màu” demi nổi tiếng và được ưa chuộng

1. Màu vàng

Đây là màu “demi” đúng chuẩn cổ điển, rất dễ bắt gặp, kinh điển như Rolex 126333 hay chất chơi như Doxa D154TWH (ảnh).

Trong đó, tông vàng có thể là vàng kim/vàng hồng, tông bạc là màu của thép không gỉ. Ngoài ra, về chất liệu, tông vàng sẽ đến từ vàng nguyên khối hoặc mạ vàng, PVD vàng.

2. Màu vàng hồng

Đây là màu “demi” hiện đại, tông vàng có thể là vàng kim/vàng hồng, (điển hình như Rado Centrix XS Jubile Ladies).

Tông vàng có thể đến từ vàng nguyên khối hoặc mạ vàng, PVD vàng. Còn lại, tông đen có thể đến từ gốm đen hoặc PVD đen.

3. Màu vàng kim

Đây là màu “demi” hiện đại, tông vàng có thể là vàng kim/vàng hồng, tông trắng là màu của nhựa/ceramic trắng (điển hình như Chanel J12-365 trong ảnh dưới).

Tông vàng có thể đến từ vàng nguyên khối hoặc mạ vàng, PVD vàng.

4. Màu Bạc x Cerramic

Đây là màu “demi” hiện đại, tông bạc có thể là thép không gỉ, tông trắng là màu của nhựa/ceramic trắng (điển hình như Doxa D151SMW trong ảnh dưới).

Trường hợp hiếm gặp có thể sử dụng kim loại có màu bạc tương tự thép không gỉ như platium, vàng trắng hoặc bằng titanium làm cứng và tạo màu bạc.

5. Màu bạc x đen

Đây là màu “demi” hiện đại, tông bạc là màu sắc của thép không gỉ, tông đen là màu của thép không gỉ mạ đen/ceramic đen (điển hình như mẫu Calvin Klein K2G2G1B1 dưới đây).

Lưu ý là một số mẫu có thể sử dụng kim loại có màu bạc tương tự thép không gỉ như platium, vàng trắng hoặc bằng titanium làm cứng và tạo màu bạc.

6. Màu trắng đen

Đây là màu “demi” hiện đại, tông trắng là màu của nhựa/ceramic trắng trong khi tông đen là màu của thép không gỉ mạ đen/ceramic đen (điển hình như Katelynn Elite Black & White Ceramic).

Tông vàng có thể đến từ vàng nguyên khối hoặc mạ vàng, PVD vàng.

7. Màu bạc - xám

Điều này chỉ xảy ra khi 1 tông màu bạc đến từ bạch kim/vàng trắng nguyên khối còn tông màu còn lại là thép không gỉ. Điển hình như Rolex Sky-Dweller 326934, một tác phẩm thể hiện rõ nét thế nào là Rolesor mà không phải là Two-Tone.

Mỗi kim loại, hợp kim đều sẽ tạo ra màu sắc khác nhau, đó chính là lý do mà đồng hồ demi Bạc-Bạc vô cùng lạ kỳ so với bất cứ gì khác

“Dù vậy, ở đồng hồ demi, có một thứ rất lạ lùng đó là đôi khi những trường hợp trông có vẻ đúng với định nghĩa demi mà lại không phải demi, những trường hợp sai với định nghĩa mà lại là demi. Đó là những gì mà 2 phần ngay bên dưới sẽ đề cập.”

Những trường hợp là đồng hồ demi dù có hơn 2 tông màu

Ví dụ điển hình nhất trong số này chính là phần bezel có đến 2 màu như TAG Heuer Formula 1 Two-Tone, Rolex Submariner 116613LN, then chốt của vấn đề đó là phần dây của chúng có dạng demi. Như bạn thấy, bất kể mặt số có bao nhiêu màu, phần dây demi thì đồng hồ sẽ là đồng hồ demi.

Lấy Rolex Submariner 116613LN trong ảnh để phân tích, bản thân chiếc đồng hồ này có chừng 4 màu: vàng, đen, trắng, bạc. Nhưng thông thường, chúng ta sẽ không tính phần mặt số hoặc các bezel insert (chèn gốm màu đen trên bezel), cũng thường bỏ qua cọc số. Lúc này, chỉ còn lại phần mép bezel và dây đeo, rõ ràng, cả hai đều sẽ tương phản rõ nét với phần thép để tạo nên chất của demi.

Những trường hợp không phải đồng hồ demi dù có 2 tông màu

Để hiểu rõ trường hợp này, hãy xem ví dụ là Rolex 116618 hay, Doxa D162SBUOrient RA-AA0001B19B, dù bezel có 2 màu nhưng nó không phải là demi. Lúc này, nếu để ý kỹ hơn các mẫu đồng hồ có “bezel two-tone” thì khi nào dây/vỏ cũng là demi, thì chúng mới được gọi là đồng hồ demi.

Hoặc giả, chỉ có mặt demi nhưng 2 tông màu không phải “vàng-bạc” kinh điển (kim và cọc số màu khác với vỏ, chẳng như số trắng – vỏ đen), chúng cũng không được gọi là demi. Bao giờ cũng vậy, dây luôn là yếu tố chắc chắc để quyết định demi hay không demi.

Orient RA-AA0001B19B, cũng có 2 tông màu nhưng nó không liên quan gì đến demi cả

Ý nghĩa ẩn sau sự tổn tại của đồng hồ demi

“Sau tất cả, sự xuất hiện của đồng hồ demi ban đầu chỉ có 1 mục đích, đó là tính đa dụng. Nhưng theo thời gian, một thứ khác đã sinh ra, đó là giảm giá thành so với vàng nguyên khối.”

Bạn biết đấy, vàng thì mềm và dễ bị trầy xước, cấn móp hơn thép không gỉ. Một chiếc đồng hồ đeo tay được làm hoàn toàn từ vàng nguyên khối chỉ phù hợp với những bữa tiệc hoặc văn phòng, nơi mà bạn chỉ dùng bút để ký giấy tờ hay gõ phím. Trong khi đó, đồng hồ thép thì chưa đủ giá trị.

Vì thế, sự kết hợp của vàng và thép sẽ là giải pháp tuyệt vời cho một cuộc sống đa dạng. Bạn có thể là doanh nhân vào buổi sáng và ngay buổi chiều hôm đó, bạn có thể thỏa mình trong một trận đấu tennis hay môn thể thao thú vị mà không cần thay đồng hồ, một ý kiến không tồi phải không.

Mặt khác, nhiều người nhận ra rằng một chiếc đồng hồ demi vàng khối đương nhiên sẽ có giá thấp hơn hoàn toàn bằng vàng khối. Cộng thêm sự đa dụng, cả hai sẽ là lý do mà nhiều người họ “không thích sự thỏa hiệp” và bảo thủ sẽ chống lại “demi vàng khối” trong khi người có tính năng động lại không.

Dù vẫn sẽ có tranh cãi về giá trị tính ra tiền mặt nhưng trên thực tế, không ai có thể phủ nhận được đồng hồ demi rất linh hoạt, vẻ ngoài cực kỳ bắt mắt do sự tương phản của màu sắc của nó, bởi sự nổi tiếng của ông hoàng của thế giới đồng hồ – Rolex.

Tuy nhiên, mối thù giữa hai phe ủng hộ và chống lại “demi vàng khối” hoàn toàn không ảnh hưởng đến đồng hồ demi mạ vàng hoặc PVD vàng, bởi lẽ, bản chất của loại đồng hồ mạ đều là thép không gỉ, không có sự thỏa hiệp, không có sự khác biệt, ở đây, ta chỉ có, “đẹp kiểu vàng hay đẹp kiểu thép” mà thôi.

Doxa là một trong những thương hiệu cao cấp đang theo đuổi demi. Ta có thể thấy rõ nét qua tỷ lệ về sự xuất hiện của demi qua bộ sưu tập bên dưới.

5 điều cốt lõi đã tạo nên sức hút của đồng hồ demi

   Có lịch sử bắt đầu từ đầu thập niên 30 (trên Rolex Datejust)

   Tạo nên cảm giác ấn tượng về sự tương phản của 2 màu sắc

  Mang tông màu vàng sang trọng nhưng vẫn có độ bền của thép

  Có tính đa dụng, tương thích với cả trang phục thanh lịch lẫn thể thao

   Mang lại vẻ ngoài trầm tĩnh và lịch duyệt nhờ phong vị đậm đà cổ điển

Vẻ đẹp lạ kỳ khi có cùng lúc open heart, demi và dáng vẻ thể thao trên Doxa D109RSV

Giá trị của đồng hồ demi trong thời đại này

Ngày nay, huy hoàng của đồng hồ demi đã không còn như ngày xưa, cái thời mà nhà nhà làm, hiệu hiệu làm đã là dĩ vãng. Bây giờ, đồng hồ demi thường chỉ gặp trên các thương hiệu chú trọng lịch sử, tính truyền thống.

Trừ Rolex, Doxa, Longines và một số thương hiệu khác của Thụy Sĩ “hai tông màu – demi” đã lui về hậu trường để trở thành một tượng đài cổ kính, để thỉnh thoảng các thương hiệu tung ra sản phẩm dưới dạng “hoài cổ” hoặc dành cho doanh nhân, người trên 30 tuổi, vật phẩm sưu tập.

5 thương hiệu đồng hồ demi nổi tiếng ở Việt Nam

Rolex hiện đang là thương hiệu đứng đầu về đồng hồ demi ở Việt Nam, hầu như các bộ sưu tập đều có kiểu dáng này. Nổi tiếng nhất như Datejust, Submariner, Yacht-Master II, Sky-Dweller, GMT-Master II,…

Một demi hấp dẫn từ Rolex, Rolex GMT Master II Rolesor Everose Root Beer 126711

Là một tên tuổi lâu đời, Doxa cũng rất chú trọng và tôn vinh những thành tưu trong quá khứ của thế giới đồng hồ như “demi”. Họ đưa cái gu này vào trong những bộ sưu tập lớn như GrandeMetre, Executive, Noble, Precious, Trofeo, Calex, …

Doxa D187TIY với bezel vàng khối 18k, khi demi gặp gỡ chức năng Big Date tuyệt đẹp

Được biết đến như một trong những tên tuổi thấm nhuần vẻ cổ kính, hiển nhiên, demi là một thế mạnh của Longines tại Việt Nam. Từ Flagship đến La Grande Classique de Longines hay Elegant đều không thể vắng mặt “demi”.

Longines L4.809.5.57.5, thiết kế demi automatic siêu mỏng lừng danh thế giới

Tại Seiko, demi rất thường gặp, đặc biệt là những dòng cao cấp. Presage, Premier, sẽ là hai bộ sưu tập cung cấp cho bạn nhiều lựa chọn demi với cảm giác cổ điển. Trong khi đó, Sportura, Astron sẽ mang lại khả năng thể thao hơn, bền bỉ hơn.

Seiko SSA354J1 thuộc dòng Seiko Presage xuất hiện trong vẻ ngoài “đờ mi” sang trọng

Với lịch sử lâu đời, thương hiệu Mỹ-Thụy Sĩ danh tiếng Bulova cũng bỏ túi cho mình một danh sách dài dằng dặc đồng hồ theo phong cách demi với phẩm vị riêng. Marine Star, Precisionist hay siêu phẩm mặt cong mới đây là CURV đều có thiết kế “demi”.

Bulova 98L247, khi các hạt pha lê đã thay cho thép không gỉ để trở thành cặp đôi demi vàng-bạc lấp lánh ánh sáng

Lời kết, demi, một phong cách huyền thoại

“Demi dây thường sẽ hợp với nam nữ trên 30 bởi vẻ ngoài truyền thống của chúng. Trong khi đó, vỏ demi (chỉ có bezel khác màu) hoặc kim&cọc số demi sẽ trẻ trung hơn, hợp với người từ 25 trở lên.”

Đồng hồ demi bây giờ vẫn còn phổ biến trong tâm trí chúng ta, trong thế giới đồng hồ. Tuy nhiên, phạm vi phủ sóng của nó đã thu hẹp hơn, để chỉ còn lại những điều tinh túy từ những thương hiệu thực sự tạo ra giá trị cho thế giới thời gian mà không phải đại trà như vài chục năm trước.

Dù vậy, chúng vẫn là một biểu tượng tuyệt vời cho những điều tốt đẹp nhất của thế kỷ 20, hữu dụng trong những lúc bạn cần đến vẻ ngoài sang trọng, mặc suit hay đầm lịch lãm nhưng vẫn có thể hòa mình vào mọi sự kiện khác mà không cần thay đồng hồ.

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *