Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản

Nếu nhắc đến những huyền thoại lặn biển sâu đi vào lịch sử của Nhật Bản, chắc chắn dòng đồng hồ Seiko Tuna phải đứng trước nhất. Không cần đến van thoát khí Helium như những bậc tiền bối khác trên thế giới, đồng hồ Seiko Tuna có thể lặn sâu hàng trăm hàng ngàn mét dưới đáy biển bởi khả năng chống thấm bậc thầy.

 

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản

Lịch sử đồng hồ Seiko Tuna bắt đầu sau khi một thợ lặn Nhật Bản gửi thư khiếu nại về việc các mẫu đồng hồ lặn sâu của Seiko thất bại khi đi cùng anh ta lặn bão hòa (lặn có giảm áp). Sự thất bại đó là khi lặn xuống sâu, “nước không vào nhưng khí thì vào” khiến mặt kính bị bật tung ra.

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật BảnNếu nói về đồng hồ lặn của Nhật Bản, ắt phải nhắc về Seiko Tuna đầu tiên

 

   Điều này đã thôi thúc Seiko bắt tay vào nghiên cứu chế tạo một sản phẩm chẳng những chịu được áp suất nước biển sâu mà còn phải chống sự xâm nhập của khí Hêli (Helium) ở môi trường bão hòa khí này (ở tầng nước sâu).

   Bởi vì trước Seiko đã có rất nhiều bậc tiền bối trong lĩnh vực chống khí Helium xâm nhập vào đồng hồ khi lặn bão hòa như Rolex, Doxa, Omega với các bằng phát minh sáng chế dày đặc khiến cho họ cần phải thiết kế lại từ đầu sản phẩm cho mình, dĩ nhiên, tất yếu phải có kinh nghiệm đã rút ra được từ các đối thủ.

   Cho đến hiện tại, rất ít đồng hồ lặn nào có được hào quang và đặc tính tương tự như Seiko Tuna. Thiết kế 2 vỏ độc đáo khác biệt để kín tới mức phân tử khí nhỏ như Helium cũng không lọt vào được đồng thời chịu được áp suất nước cực kỳ cao, chống sốc, chống nước biển ăn mòn.

 

Bối Cảnh Sự Ra Đời Của Đồng Hồ Seiko Tuna (Seiko 6159-7010) Năm 1975

   Đồng hồ Seiko Tuna hay còn gọi là Seiko Tuna Can, biệt danh sau này là Seiko Prospex Tuna, thuộc dòng Seiko Prospex Marinemaster Professional. Cái tên “Tuna” có nghĩa là cá ngừ, một loài cá sống ở biển xa bờ, xuất phát từ hình dạng của Seiko 6159-7010 rất giống một lon cá ngừ (tuna can).

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản 6159-7010Ra đời năm 1975, Seiko Tuna (ref. 6159-7010) là mẫu đồng hồ lặn chuyên nghiệp (có khả năng chịu khí Helium) đầu tiên của Seiko

 

Lịch Sử Orient Mako Và Orient Ray

Xem thêm những lịch sử đồng hồ lặn khác từ Nhật Bản: Lịch Sử Orient Mako Và Orient Ray ● ● CLICK!

 

 

   Lý do mà mẫu đồng hồ “cá ngừ” ra đời là do một người thợ lặn bão hòa ở thành phố Kure, thuộc quận Hiroshima đã gửi bức thư khiếu nại đến Seiko vào năm 1968. Anh ta phàn nàn rằng đồng hồ lặn Seiko thường chứa đầy helium khiến mặt kính bị văng mất khi dùng trong môi trường bão hòa khí và yêu cầu phải có phương án giải quyết.

   Vụ việc này có liên quan đến vấn đề những chiếc đồng hồ lặn lúc bấy giờ của Seiko (như 62-MAS năm 1965, 6215-010 năm 1967, 6159-7001 năm 1968…) hoàn toàn không đáp ứng được vấn đề lặn xuống mực nước biển sâu, nơi bão hòa khí không tan như Helium, Hydro.

   Những mẫu đồng hồ lặn của Seiko lúc này có khả năng chịu nước rất tốt nhưng (ron cao su) lại không đủ kín để chịu sự xâm nhập của các phân tử khí Helium cực nhỏ, dẫn đến việc phân tử khí Helium đi từ áp suất cao (nước biển) đến áp suất thấp (bên trong đồng hồ) một cách chậm rãi.

   Khi khí Helium tích tụ quá đầy mà không kịp thoát ra bên ngoài do thiết kế kín của vỏ đồng hồ chịu nước tốt, chúng sẽ bắt đầu chèn lấn các bộ phận bên trong, cấp độ chèn lấn cuối cùng chính là làm cho mẫu đồng hồ bị nổ tung mà trước tiên là mặt kính bị thổi bay khỏi vỏ.

   Một nhóm kỹ sư của Seiko đã đọc bức thư này và nhận ra tầm quan trọng của vấn đề khí Helium đối với hoạt động lặn biển đang ngày càng phát triển. Họ quyết định sản xuất ra cái gì đó khác, một chiếc đồng hồ lặn thực sự có thể chịu được tất cả các vấn đề về lặn chuyên nghiệp.

   Tuy vậy, vấn đề khí Helium xâm nhập đồng hồ mới mẻ với Seiko nhưng không hề mới mẻ với các thương hiệu đồng hồ lặn biển hàng đầu thế giới như Rolex, Doxa hay Omega và họ đưa cách giải quyết sớm hơn Seiko rất nhiều từ khi Seiko Tuna còn chưa ra đời.

   Liên minh Rolex-Doxa đã hợp tác nghiên cứu thành công thiết kế van thoát khí Helium (HRV) cùng tất cả các loại khí có phân tử nhỏ có thể lọt vào bên trong đồng hồ. HRV trang bị vào vỏ đồng hồ năm 1967 (Rolex Sea-Dweller), 1969 (Doxa Conquistador).

   Van Helium chỉ mở và cho phép khí Helium có thể thoát ra bên ngoài nhanh chóng ngay khi chúng tích tụ quá đầy, nếu không, sẽ luôn khép kín để chống nước xâm nhập. Khi mở để cho khí Helium thoát ra, Sự thoát khí Heli ra khỏi đồng hồ cũng đảm bảo nước không thể lọt vào khi van đang mở.

   Như một sự cạnh tranh với Rolex và Doxa, giải pháp của Omega đưa ra đó là đảm bảo đồng hồ kín tới mức không cho phép khí Helium xâm nhập được thể hiện bởi huyền thoại đồng hồ lặn biển Omega Seamaster Ploprof có vỏ nguyên khối monobloc-cased siêu kín kẽ giới thiệu năm 1970.

   Cùng một vấn đề nhưng Seiko quyết định chọn cách xử lý khác đi. Bắt đầu từ năm 1970 với sự gia nhập của kỹ sư Ikuo Tokunaga tài năng vào nhà máy Seiko ở Suwa (Seiko Epson), Seiko bắt tay tạo ra một chiếc đồng hồ lặn chịu khí Helium từ con số 0 và đi theo trường phái “kín” như Omega, tức không cho Helium lọt vào trong đồng hồ.

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản Tuna CanThiết kế của Seiko 6159-7010, có tên gọi Tuna vì hình dạng giống lon cá ngừ (Tuna Can)

 

   Sau năm 5 năm nghiên cứu và phát triển với hơn 20 bằng sáng chế, 1975, phiên bản Seiko 6159-7010, thế hệ đầu tiên của dòng đồng hồ lặn “cá ngừ” vĩ đại nhất lịch sử Seiko đã ra đời. (Seiko 6159-7010 bán bên ngoài Nhật Bản có số hiệu 6159-7019).

   Seiko 6159-7010 “Tuna” là mẫu đồng hồ đầu tiên sử dụng vỏ bằng Titanium (Titanium không chỉ nhẹ, bền mà còn có khả năng chống ăn mòn nước biển cao cực cao, cao hơn nhiều so với thép không gỉ 904L, 316L…) và đi theo trường phái “kín” khí.

   Không chỉ vậy, bộ vỏ Seiko 6159-7010 còn được cấu tạo từ hai phần vỏ riêng biệt ngoài và trong. Phần vỏ trong bằng titanium thiết kế monobloc-cased tương tự Omega Ploprof (tức khung vỏ liền khối với nắp lưng, Seiko gọi là monocoque), phần vỏ bọc ngoài bọc là titanium có lớp phủ gốm cứng chống trầy (do titanium rất dễ bị trầy xước).

   Thiết kế vỏ như vậy mang đến độ bền trước áp suất nước, còn trách nhiệm bít kín tất cả khe hở của vỏ để chống nước và khí Helium xâm nhập thuộc về ron cao su có hình chữ L (ron cao su thông thường có hình ●) nằm ngay bên dưới lớp kính.

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản MonocoqueCận cảnh vỏ monocque liền khối hạn chế sự xâm nhập của khí Helium của Seiko Tuna 6159-7010

 

   Theo kết quả của thí nghiệm, chỉ khoảng 1/100 khí helium lọt vào trong Seiko 6159-7010 so với vỏ đồng hồ thông thường. Như vậy, áp suất bên trong vỏ sẽ được giữ ở mức thấp lý tưởng mà không cần phải mở “cửa hậu” để helium thoát ra bên ngoài. Ngoài khả năng chịu khí Helium và nước đến độ sâu 600 m, đồng hồ Seiko Tuna còn có thể chịu được cú sốc lên đến 10 G, từ trường 60 Gauss.

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản Lumibrite   Mặt khác, để giải quyết vấn đề làm sao dễ đọc trong điều kiện ánh sáng thấp, Seiko đã phủ một lớp rất dày chất liệu dạ quang độc quyền của họ là LumiBrite lên kim cùng các dấu giờ. Chỉ cần tiếp xúc ánh sáng trong thời gian ngắn đã đủ để chất liệu dạ quang này sáng rực rỡ.

   Seiko còn giới thiệu một loại dây đeo thiết kế riêng cho đồng hồ của thợ lặn chuyên nghiệp mà 6159-7010 được trang bị đầu tiên. Loại dây này được làm bằng cao su, thiết kế accordion-style khiến chiều dài dây có thể tăng thêm và bám chặt cổ tay khi lặn xuống sâu (nơi có áp suất lớn). Kiểu dây đeo được Seiko phát minh năm 1975 này giờ đây đã là một tiêu chuẩn của đồng hồ lặn.

   Và đặc điểm tuyệt vời cuối cùng của Seiko Tuna nguyên bản đó chính là sử dụng bộ máy tự động tần số dao động cao 36,000 vph (5 Hz). Với giá 89,000 yen, đồng hồ Seiko Tuna nguyên bản không rẻ, nhưng nó là một sản phẩm đột phá với một số tính năng trở thành tiêu chuẩn sau này.

 

“Ngoài cái tên Tuna, Tuna Can thì loạt đồng hồ chống nước bậc thầy của Seiko còn được gọi là Hockey Puck (bóng khúc côn cầu) do hình dáng của nó cộng thêm lớp vỏ bọc ngoài trông rất giống với trái bóng khúc côn cầu.”

 

6 Mẫu Đồng Hồ Đặc Biệt Dùng Trong Những Cuộc Phiêu Lưu Khắc Nghiệt= = = = = = = = = = = = = = = = = = = =
Đồng hồ Seiko Tuna rất tốt nhưng rất tiếc nó không phải là siêu phẩm lặn được sâu nhất:
6 Mẫu Đồng Hồ Đặc Biệt Dùng Trong Những Cuộc Phiêu Lưu Khắc Nghiệt

 

Lịch Sử Phát Triển Của Đồng Hồ Seiko Tuna (Seiko Prospex Marinemaster Professional)

   Xuyên suốt lịch sử đồng hồ Seiko Tuna, Seiko đã cho ra mắt rất nhiều phiên bản nâng cấp và làm lại những mẫu huyền thoại với đủ loại máy từ tự động cho đến, quartz, kinetic hay Spring Drive, ngay bên dưới đây chính là những cột mốc chính đáng lưu ý nhất.

   Mẫu đồng hồ Seiko Tuna nguyên bản (6159-7010 ) năm 1975 có kích thước rất lớn (đường kính lên đến 51 mm) với hình dạng thô dày vì sử dụng vỏ hai lớp, tồn tại với tư cách là đồng hồ công cụ cho thợ lặn có khả năng chống nước, chống khí Helium hoàn hảo đến độ sâu 600 m chứ không phải đồng hồ đeo tay bình thường.

   Ba năm sau đó tức năm 1978, Seiko tiếp tục giới thiệu phiên bản máy thạch anh đầu tiên của thiết kế đồng hồ lặn chuyên nghiệp này là 7549-7009 mà ngày nay được người hâm mộ gọi bằng cái tên Golden Tuna do sử dụng vỏ trong bằng Titanium mạ phủ Titanium Nitride (lớp phủ TiN có màu vàng).

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản 7549-7009Cấu tạo phiên bản đồng hồ Seiko Golden Tuna 7549-7009 với lớp vỏ trong mạ TiN màu vàng đặc trưng

 

   Vỏ bọc ngoài của phiên bản này vẫn được làm bằng Titanium nhưng phủ thêm lớp bột titan chống trầy. Mặt kính tính thể Hardlex cong vòm. Cùng lúc, Seiko còn cho ra mắt phiên bản Seiko Tuna chống nước 300 m có số hiệu 7549-7010, đây là một phiên bản JDM (Japanese Domestic Market), dành riêng cho thị trường nội địa Nhật Bản. Mẫu này cũng dùng máy quartz.

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản Ikuo Tokunaga

 

Ikuo Tokunaga, Kỹ sư thiết kế chính của Seiko Tuna

 

   Ở thời điểm này, máy thạch anh chưa được xem là hạ cấp, giá rẻ. Thêm vào đó, chuyển đổi máy tự động sang máy quartz cũng giúp các phiên bản cá ngừ nhỏ gọn hơn (Golden Tuna có cỡ mặt 48 mm), càng thêm chính xác và có khả năng chống sốc tốt hơn.

   Vào đầu năm 1986, Seiko giới thiệu tiếp ref. 7C46-7009 SBDS018, với độ chịu nước tăng lên đến 1000m để thay thế ref. 7549-7009 trong đó, bộ máy được nâng cấp thành 7C46 với tuổi thọ pin kéo dài được 5 năm.

   Ngoài ra, mặt số, viền, dây đeo và nắp lưng cũng được Seiko cập nhật. Tuy vậy, Ref. SBDS018 vẫn được fan gọi là Golden Tuna, vì chỉ có thiết kế thay đổi còn chất liệu thì không (vẫn dùng vỏ trong bằng Titanium phủ TiN).

   Trong cùng năm 1986, còn có hai phiên bản Seiko Tuna khác là Mini Tuna (ref. 7C46-6020 SBBN009) chịu nước 200 m và ref. 7C46-7011 SBBN007 chịu nước 300 m, lần lượt bằng nhựa và bằng thép không gỉ.

   1989, Seiko Darth Tuna tức các mẫu ref. SBBN011 ra mắt thị trường và lần này là một cuộc đại tu đầy phong cách. Lớp phủ Titanium Nitride của vỏ trong có màu vàng đặc trưng được thay thế bằng lớp phủ DLC (Diamond Like Carbon) có màu đen tuyền và độ cứng gần như kim cương (đạt 9 điểm trên thang độ cứng Moh) với tính năng chịu mài mòn.

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản DLCSeiko Darth Tuna ref. 7C46-6020 SBBN009 có lớp phủ DLC chống trầy

 

   Lớp vỏ bọc ngoài của đồng hồ Seiko Darth Tuna được làm hoàn toàn bằng gốm kỹ thuật chống trầy, ốc vít kiểu Hex, phông chữ khác, thiết kế mặt số khác. Khả năng chịu nước của ref. SBBN011 vẫn là 1000 m.

   1990, phiên bản AGS Kinetic Tuna ref. 5M23-6A10 SHF012xx ra đời và đánh dấu việc sử dụng phát minh Kinetic – bộ máy quartz có cơ chế tự động sinh năng lượng khi đeo tương tự máy tự động trên dòng đồng hồ thợ lặn chuyên nghiệp này.

   Sang đến năm 1991, “AGS Kinetic Tuna” lại lần nữa đổi tên thành “Kinetic Tuna” (ref. 5M23-6A19 SHF012xx). Phiên bản đồng hồ Seiko Tuna máy Kinetic ref. 5M23-6A19 phổ biến hơn tiền nhiệm ref. 5M23-6A10, cả hai đều được làm bằng nhựa.

   Song song với việc sử dụng máy quartz, năm 2000, Seiko đã vinh danh mẫu nguyên bản 6159-7010 dùng máy tự động năm 75 bằng cách làm lại giống hệt (Homage) nhưng dùng máy 8L35 có 26 chân kính thay cho máy 6159 có 25 chân kính đã lỗi thời.

   Phiên bản homage này có số hiệu 8L35-0030 SBDX005 (tên gọi Grandfather Tuna), phát hành số lượng giới hạn 1000 mẫu. 8L35 trên ref. 8L35-0030 SBDX005 là phiên bản trang trí cấp thấp trang trí và chưa tinh chỉnh độ chính xác của máy 9S55 dùng cho thương hiệu Grand Seiko.

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản 8L35 Và 6159Máy 8L35 (trang trí cấp thấp) và máy 6159

 

Xem thêm ► ►  Kể Về Seiko Qua 8 Mẫu Đồng Hồ Trước Thời Đại Quartz

 

   Tuy rằng không có tần số dao động cao (36,000 vph) như máy 6159 nhưng máy 8L35 vẫn hoạt động rất tốt hơn 28,800 vph và thời gian trữ cót đạt 50 giờ. Công bằng mà nói, Seiko đã gây ra một cơn sốt lớn với sự ra đời của 8L35-0030 SBDX005 vì bộ máy cơ và giới hạn số lượng. (Hiện tại, 8L35-0030 SBDX005 cực kỳ hiếm và còn đắt tiền hơn nguyên bản 6159-7010 năm 75).

   Đó cũng là một lý do để chín năm sau, 2009, nhóm nghiên cứu Nhật Bản quyết định giới thiệu tiếp một phiên bản máy cơ khác nhưng không giới hạn số lượng là ref. 8L35-00C0 SBDX011 (Emperor Tuna). Kể từ phiên bản Emperor Tuna, Seiko bắt đầu sử dụng tên gọi “Marinemaster Professional” thay cho “Professional” cũ.

   Seiko Marinemaster Professional ref. 8L35-00C0 SBDX011 tức Emperor Tuna sử dụng các thiết kế gần giống với Darth Tuna (tất cả đều có màu đen, sử dụng chất liệu Titanium phủ DLC) với kích thước chiều dài 52mm và dùng máy 8L35.

   Emperor Tuna được duy trì sản xuất đến tận năm 2015 tức năm mà Seiko hệ thống lại toàn bộ đồng hồ dành cho các thợ lặn chuyên nghiệp và đặt tên gọi chung là Prospex nhân dịp 50 ngày kỷ niệm ra mắt mẫu đồng hồ lặn đầu tiên (mẫu 62-MAS năm 1965).

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản 7549-7010Phiên bản đồng hồ “Baby Tuna” 7549-7010 với cỡ mặt nhỏ hơn

 

   Trong năm 2009, ngoài Emperor Tuna, Seiko còn có các Tuna khác là ref. 7C46-0AC0 gồm SBBN015 và SBBN015 chịu nước 300m, sử dụng viền bằng thép không gỉ, lần lượt dùng dây thép không gỉ, dây cao su; ref. 7C46-0AA0 SBBN013, một phiên bản nâng cấp của Darth Tuna 7C46-0AA0 SBBN011 năm 89, thay “Professional” thành “Marinemaster Professional” và dùng kính Sapphire phủ AR (vật liệu chống phản chiếu).

   Sang năm 2013, Seiko bắt đầu trang bị máy Spring Drive (máy cơ với trái tim thạch anh mang đến độ chính xác cao) cho dòng Prospex Marinemaster Professional của họ. Sản phẩm đi đầu là ref. 5R65-0AJ0 SBDB008 (còn có tên là Golden Spring Drive Tuna).

   Golden Spring Drive Tuna chỉ sản xuất 300 chiếc nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Seiko ra mắt mẫu đồng hồ đeo tay đầu tiên của mình (Laurel năm 1913). Ngay sau đó một năm, 2014, Spring Drive Tuna được giới thiệu, chính thức trang bị máy Spring Drive trên diện rộng cho dòng Prospex Marinemaster Professional.

   Tiếp theo một năm, 2015 cũng là dịp kỷ niệm 50 năm ngày ra mắt mẫu đồng hồ lặn đầu tiên của Seiko là mẫu 62-MAS năm 1965 như đã nói ở trên, Seiko đã giới thiệu rất nhiều phiên bản Tuna mới, trong đó nổi bật nhất là Seiko Marinemaster 1000m Emperor Tuna Rose Gold SBDX014 (ref. 8L35-00H0 SBDX014).

   Cuối cùng, điều không kém phần quan trọng là ngoài các phiên bản cỡ mặt lớn, các mẫu đồng hồ Seiko Tuna có khả năng chịu nước 200 hoặc 300 m, cỡ mặt nhỏ, sử dụng nắp lưng rời thay vì monocoque còn được gọi chung là Baby Tunas (cái tên này có khoảng năm 2015 kể từ mẫu Seiko Prospex SRP637 nhưng lại có gốc gác vào cuối những năm 70 (ref.7549-7010)), rất vừa vặn với cổ tay nhưng vẫn giữ được hương vị lon cá ngừ đặc trưng không thể lẫn vào đâu được.

 

Bạn có biết, sự vĩ đại của Seikotrải dài khắp các khía cạnh:

Điểm Danh Các Phát Minh Seiko Ứng Dụng Trên Diện Rộng Điểm Danh Các Phát Minh Seiko Ứng Dụng Trên Diện Rộng

 

Click hình để phóng to – Bảng tóm lược lịch sử đồng hồ Seiko Tuna (nguồn thespringbar)

Lịch Sử Đồng Hồ Seiko Tuna, Tượng Đài Lặn Biển Sâu Của Nhật Bản Tóm Tắt

 

Đồng Hồ Seiko Tuna, Một Tượng Đài Của Công Cụ Dành Cho Thợ Lặn

☑   Sau lịch sử phát triển của dòng đồng hồ Seiko ở trên, ắt bạn đã nhận ra được giá trị mà chúng đóng góp cho thế giới đồng hồ, đặc biệt là đồng hồ lặn và đồng hồ thể thao. Những phát minh, những tiện ích và nhất là một sản phẩm không chỉ tốt mà còn độc đáo trên cổ tay.

☑   Đối với nhiều người, đặc biệt là những ai tìm kiếm một sản phẩm dành cho lặn chuyên nghiệp ở độ sâu hơn 300 m, Seiko ắt sẽ rất tuyệt vời khi có mức giá hấp dẫn (so với các đối thủ từ thương hiệu khác có cùng tính năng) cùng thiết kế không đụng hàng đáng để liệt kê vào một trong những huyền thoại thành công mọi thời đại.

Và bây giờ thì đã kết thúc phần tổng hợp lịch sử đồng hồ Seiko Tuna rồi, hẹn gặp lại trong các chuyên đề khác về Seiko Tuna!

5 Huyền Thoại Đồng Hồ Lặn Biển Đã Là Biểu Tượng Lưu Danh Muôn Thuở

 

= = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = =

Trước khi đồng hồ Seiko Tuna ra đời, thế giới đã có ◆ ◆ 5 Huyền Thoại Đồng Hồ Lặn Biển Đã Là Biểu Tượng Lưu Danh Muôn Thuở

= = = = = = = = = = = = = = = = = = = = = =

 

RHAThao

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

2 thảo luận
  1. Đồng Hồ Hải Triều

    Chào anh Thanh Phát.

    Hiện tại các mẫu Seiko Tuna đã hết hàng khá lâu và không chắc về hàng tiếp. Nên em tư vấn cho anh Phát vài mẫu ĐH khác có tính năng chống nước tốt, anh tham khảo ở các link sau nhé:

    https://donghohaitrieu.com/san-pham/bulova-98b242-nam-kinh-sapphire-quartz-pin-day-cao-su
    https://donghohaitrieu.com/san-pham/doxa-d127sbow-nam-kinh-sapphire-automatic-tu-dong-day-kim-loai
    https://donghohaitrieu.com/san-pham/bulova-98b244-nam-kinh-sapphire-quartz-pin-day-kim-loai

    Nếu ưng ý mẫu nào anh gửi em thông tin lên đơn hàng cho anh nhé, bên em giao hàng miễn phí toàn quốc từ 1-4 ngày tùy khu vực ạ.

    Nếu cần thêm thông tin, anh có thể liên hệ với Hải Triều qua Hotline: 1900.6777.
    Email: cskh@donghohaitrieu.com (Phòng Chăm sóc khách hàng) nhé.
    Cảm ơn anh vì đã liên hệ với Hải Triều. Chúc anh ngày vui vẻ ^^

    [TR]

    6 năm trước
  2. T
    Thanh Phat

    Hải Triều có con Tuna nào không vậy

    6 năm trước
Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *