Thợ sửa đồng hồ Nguyễn Quốc Sinh: “Tàn nhưng không phế” 

Chiến tranh điêu tàn đã đi qua nhưng nỗi đau mà nó để lại trong lòng những người con đất Việt là quá lớn. Anh Sinh sinh ra đã kém may mắn hơn những người khác, thế nhưng chính nghị lực sống mạnh mẽ và đam mê về bộ môn bơi lội đã giúp anh giành lấy đỉnh vinh quang của chính mình!

Là một trong những mảnh ghép không thể thiếu của Trung tâm bảo hành Đồng Hồ Hải Triều, anh Nguyễn Quốc Sinh đang là kỹ thuật viên ưu tú của Phòng Kỹ thuật.

Đằng sau cái tên đầy mạnh mẽ ấy là một câu chuyện truyền cảm hứng sống tích cực đến thế hệ trẻ như chúng ta. Cùng gặp gỡ nhân vật đặc biệt này nhé!

Thợ sửa đồng hồ Nguyễn Quốc Sinh: “Tàn nhưng không phế” - Ảnh 1

Anh Sinh cùng gia đình nhỏ của mình

Chào anh, thật vui vì anh đã dành thời gian cho buổi trò chuyện ngày hôm nay. Không biết là trước khi làm việc ở Hải Triều, anh đã từng công tác ở nơi nào chưa?

“Có chứ em. Anh quê gốc miền Tây, sau này học tập và lập nghiệp ở Bình Dương. Hồi ấy anh làm được gì là anh làm hết, nhiều nghề lắm. Gần đây nhất là anh cùng các anh em đi sửa máy lạnh, máy quạt,… Nói chung là đồ điện, mà tại anh đi lại khó khăn nên làm cũng chậm chạp hơn.”

Vậy bây giờ anh sinh sống ở đâu, “ngọn gió lành” nào gửi tin tức tuyển dụng của Hải Triều đến anh?

“Hiện tại thì anh đang ở Gò Vấp với gia đình nhỏ của mình. Anh có vợ và 2 cháu rồi, tụi nhỏ ngoan và kháu khỉnh lắm nhé – Ánh mắt anh Sinh tràn đầy hạnh phúc.

À, để mà nói về cơ duyên biết được Đồng Hồ Hải Triều là nhờ vợ anh. Vợ anh liên hệ bên trung tâm giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, rồi bên đó giới thiệu qua đây.”

Trước khi vào làm ở Hải Triều, anh có lo sợ điều gì không?

“Mình vào một môi trường mới nào cũng vậy, anh cũng sợ không biết ở đó người ta có hòa đồng, thân thiện với những người thiếu may mắn như anh không. 

Nhưng mà khi vào đây rồi thì anh em ở đây rất là vui vẻ, hòa đồng, nhiệt tình, chỉ dạy mình rất tận tâm. Anh thấy ở đây thoải mái lắm, không có gì áp lực hết.

Từ ngày làm ở Hải Triều, cuộc sống của anh cũng tốt hơn nhiều. Có nghề nghiệp ổn định, mát mẻ, anh không phải di chuyển ở ngoài đường nhiều. Hồi xưa cứ đứng ngoài nắng suốt mệt lắm em à.”

Nghe anh nói như vậy thì em cũng yên tâm rồi. Vậy cuộc sống sinh hoạt hàng ngày có bất tiện hay khó khăn gì không anh?

Thợ sửa đồng hồ Nguyễn Quốc Sinh: “Tàn nhưng không phế” - Ảnh 2

Vươn lên làm những điều dường như không thể, anh Sinh dành lấy nhiều Huy chương Vàng danh dự từ bộ môn bơi lội

“Không, anh cảm thấy như vậy quen rồi em, từ nhỏ đến giờ rồi. Cuộc sống mà, mình đã không bằng người ta thì mình phải nỗ lực vươn lên thôi. Người ta cố gắng 1 thì mình cố gắng 10.

Tháng 9 vừa rồi anh có xin phép công ty nghỉ 10 ngày để ra Hà Nội tham gia cuộc thi thể thao cho người khuyết tật đó. May mắn là anh cũng được Huy chương Vàng và được cử đi thi đấu quốc tế, nhưng do thời gian và công việc mình không sắp xếp được nên anh thôi.”

Với một người bình thường, để tập bơi thành thạo và tham gia các cuộc thi lớn đã là một điều khó khăn và cần nhiều sự kiên trì. Vậy với một người có khiếm khuyết trên cơ thể, đặc biệt là ở phần chân như anh thì việc luyện tập này diễn ra như thế nào ạ?

Thợ sửa đồng hồ Nguyễn Quốc Sinh: “Tàn nhưng không phế” - Ảnh 3

Ban đầu anh học bơi với mục đích trang bị cho mình kỹ năng sống, dần dà trở nên yêu thích từ lúc nào không hay

“Từ lúc anh còn 7, 8 tuổi ba mẹ đã tập bơi cho anh để lỡ không may có chuyện gì bất trắc thì anh còn có thể tự cứu lấy mình. Lúc mới học bơi anh uống nước sông suốt, ba mẹ cũng kiên nhẫn dạy từ từ.

Ban đầu thì ba mẹ đỡ và bơi kèm theo song song với anh. Sau này thấy anh cứng rồi thì để anh tự bơi một mình, dần dần anh cũng thành thạo và thích luôn. Không còn thấy khó khăn gì nữa.

Nhưng mà phải khởi động tay chân, các cơ, khớp cho dẻo dai trước rồi mới bơi chứ không là chuột rút như chơi đó” – Anh hào hứng trả lời.

Có ai giới thiệu cho anh về các cuộc thi bơi lội đó không hay anh tự tìm kiếm?

“Lúc anh lập nghiệp ở Bình Dương đó, có người chơi chung rồi họ giới thiệu cho anh về cuộc thi. Anh tham gia đều đặn tới nay cũng hơn 10 năm. Thời gian thấy vậy mà trôi qua nhanh quá, nhắm mắt là thấy già đi chục tuổi rồi.”

Cuộc sống thăng trầm, sẽ có những lúc không được suôn sẻ như ý nguyện. Vậy có sự cố nào lúc thi đấu hay lúc tập bơi làm anh nhớ mãi không?

“Có chứ. Anh nhớ có lần anh tham gia thi đấu ở Myanmar vào mùa đông, thời tiết rất lạnh, anh vừa chạm vào nước là thấy tê tái hết người. Anh nghĩ kỳ này thua chắc rồi, có khi anh còn không bơi nổi ấy. Nhưng mà anh vẫn cố gắng lấy về được Huy chương Đồng.

Anh tham gia vì đam mê bơi lội ngay từ nhỏ, được rèn luyện thể chất giúp mình khỏe khoắn hơn. Hơn nữa nếu có huy chương là có tiền thưởng, cho nên đó cũng là một động lực giúp anh cố gắng rất nhiều.”

Đúng là “không gì là không thể” anh nhỉ. Nếu bây giờ được gửi một lời khuyên cho các bạn thế hệ trẻ, anh sẽ gửi gắm điều gì?

“Anh thì cũng không nói gì to tát, chỉ khuyên các bạn sống thật tử tế, cố gắng hết sức mình, làm việc bằng chính sức lao động của mình vậy là được rồi.”

Lời kết

Nhà triết gia Khổng Tử người Trung Quốc từng nói: “Không quan trọng việc bạn đi chậm thế nào, miễn là đừng bao giờ dừng lại”. Giống như câu chuyện của anh Sinh, anh không hề mặc cảm về hoàn cảnh mà luôn nỗ lực, cầu tiến để xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Được trò chuyện cùng anh Sinh vỏn vẹn chỉ vài chục phút, thế nhưng chất giọng miền Tây chân chất và câu chuyện truyền cảm hứng về nỗ lực trong cuộc sống của anh đã làm Hải Triều thấy trân quý và nể phục biết bao! Chính vì lẽ đó, tại Hải Triều, chúng tôi luôn cố gắng tạo điều kiện hết sức có thể, để giúp đỡ được phần nào cho những hoàn cảnh như anh Sinh.

Khi mà ở ngoài kia vẫn có rất nhiều người kém may mắn như anh Sinh, họ vẫn đang ngày đêm nỗ lực vươn lên số phận, để rồi hoàn mỹ đạt lấy đỉnh vinh quang của chính mình. Thì hà cớ gì, những người như chúng ta lại ì ạch, trì hoãn và sống không có đích đến?

Hải Triều nghĩ rằng, sinh ra là người bình thường – đã là một loại may mắn. Và những người như anh Sinh – họ chính là ngôi sao rực rỡ nhất, tỏa sáng nhất. Hải Triều cảm thấy rất tự hào và biết ơn, vì có được những nhân tài như anh!

An Như

Có thể bạn quan tâm:

Omega chứng nhận sửa chữa cho kỹ thuật viên tại Hải Triều

Thợ sửa đồng hồ lương bao nhiêu, học ở đâu, cần tố chất gì?

Sự thật đằng sau Slogan “Quyền được an tâm” của Đồng Hồ Hải Triều

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

THẢO LUẬN

2 thảo luận
  1. P
    Phú

    Thật là 1 câu chuyện truyền cảm hứng

    2 năm trước
    • ĐỒNG HỒ HẢI TRIỀU

      Chào anh/chị,
      Cảm ơn anh đã quan tâm đến bài viết của Hải Triều ạ
      Chúc anh/chị 1 ngày tốt lành ^^
      _hg_

      2 năm trước
Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *