Enamel là gì? Tất tần tật về kỹ thuật tráng men Enamel

Enamel là gì? Tất tần tật về kỹ thuật tráng men Enamel

Enamel là gì và tại sao chúng lại mang đến vẻ đẹp sống động cho mặt số đồng hồ? Hãy cùng Hải Triều tìm hiểu ngay trong bài viết này nhé!

MỤC LỤC

› Enamel là gì và ứng dụng của nó trong chế tác đồng hồ

1. Enamel là gì?

2. Ứng dụng của Enamel trong chế tác đồng hồ

› Các kỹ thuật tráng men (enamel technique) thường thấy

1. Grand Feu

2. Cloisonné

3. Champlevé

4. Plique-à-jour

5. Miniature paintings

Enamel là gì và ứng dụng của nó trong chế tác đồng hồ

1. Enamel là gì?

Enamel (hay men/men thủy tinh/men sứ) là một loại thủy tinh mềm có nguồn gốc từ Silica trộn với các hợp chất khác như chì đỏ và soda ash. Nguyên liệu thô sẽ trải qua quá trình nung nóng ở nhiệt độ cao cho đến khi trở thành chất lỏng không màu. Sau khoảng 14 giờ nung chảy trong lò, lớp men được múc ra ngoài và để nguội. 

Khi phần men nóng chảy đông đặc lại, chúng sẽ trở thành chất liệu giống như thủy tinh. Từ đây, người thợ có thể chia nhỏ chúng thành dạng tinh thể hoặc nghiền thành bột thô. Tùy thuộc vào dạng men thu được, người thợ sẽ phải sử dụng cối chày để nghiền men theo độ đặc mong muốn. 

Men có thể tồn tại dưới dạng tinh thể hoặc bột thô tùy thuộc vào mục đích sử dụng của thợ chế tác - ảnh 1

2. Ứng dụng của Enamel trong chế tác đồng hồ

Các nhà sản xuất thường áp dụng kỹ thuật tráng men (enamel) trong quá trình chế tác mặt số đồng hồ. Men sau khi sơ chế sẽ được rây thành một lớp đều, hoặc trộn với nước và chải lên bề mặt của phần đế làm bằng kim loại. Thông qua quá trình nung nóng ở 800 – 1200 độ C, men sẽ tan chảy và bao bọc thành một lớp xung quanh đế kim loại. Sau khi lớp men nguội đi, người thợ sẽ chà nhám để làm phẳng bề mặt. Quá trình này lặp đi lặp lại cho đến khi đạt độ dày mong muốn.

Kỹ thuật chế tác men trên mặt số đồng hồ đòi hỏi sự kỳ công - ảnh 2

Trải qua quá trình chế tác kỳ công, ta sẽ thu về mặt đồng hồ tráng men với màu sắc sống động và không bao giờ bị phai. Chúng khá dễ vỡ, tuy nhiên đã được bảo vệ bởi bên trong phần vỏ, vì vậy có thể tồn tại mãi mãi miễn là đồng hồ của bạn không gặp phải những tác động vật lý quá mạnh từ bên ngoài. Đối với giới mộ điệu, mặt số tráng men luôn mang đến vẻ đẹp mộc mạc và nguyên bản, đồng thời tượng trưng cho sự trường tồn theo năm tháng.

Tráng men (Enamel technique) là kỹ thuật khó bậc nhất trong chế tác đồng hồ, vì vậy đòi hỏi tay nghề cực kỳ cao của người thợ. Thông thường, kỹ thuật gia công này chỉ xuất hiện trên các dòng cao cấp.

Các kỹ thuật tráng men (enamel technique) thường thấy

1. Grand Feu

Grand Feu là kỹ thuật tráng men phổ biến nhất hiện nay khi thành phẩm thu được có màu sắc đồng đều và đẹp mắt. Kỹ thuật này không hề đơn giản, bởi người thợ sẽ phải tạo ra nhiều lớp men và xếp chồng chúng lên nhau nhằm thu được độ dày mong muốn. Trong quá trình thực hiện, bất kỳ lỗi nào dù là nhỏ nhất như các vết nứt, bong bóng khí hay bụi bẩn cũng sẽ phá hỏng toàn bộ quy trình, và người thợ sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ.

Grand Feu là kỹ thuật tráng men phổ biến trong ngành công nghiệp đồng hồ - ảnh 3

Rủi ro nói trên xảy ra khá thường xuyên, ngay cả với các thương hiệu nổi tiếng. Có đến 60 – 80% mặt số tráng men phải bỏ đi do xuất hiện những khuyết điểm nêu trên. Vì vậy khi chiêm ngưỡng đồng hồ tráng men theo kỹ thuật Grand Feu, bạn không chỉ bị mê hoặc bởi vẻ đẹp mà còn thán phục quy trình phức tạp và kỳ công để tạo ra nó.

2. Cloisonné

Cloisonné là kỹ thuật tuân thủ theo nguyên tắc và quy trình tráng men cơ bản, nhưng kết hợp thêm các màu sắc và đảm bảo chúng không bị hòa trộn vào nhau trong quá trình chế tác. Trong tiếng Pháp, Cloisonné có nghĩa là “phân vùng”, ám chỉ cách mà người thợ dùng những sợi dây bằng bạc hoặc vàng (thường có kích thước dài và mỏng) để ngăn cách các phần trên mặt số. Đây là kỹ thuật tráng men đặc biệt phức tạp, bởi người thợ sẽ phải tính toán một cách tỉ mỉ nhằm ngăn không cho các màu sắc bị trộn lẫn vào nhau ở nhiều nhiệt độ nung khác nhau.

Kỹ thuật Cloisonné sử dụng những sợi dây mảnh bằng bạc hoặc vàng để ngăn cách các mảng màu trên mặt số - ảnh 4

3. Champlevé

Nếu như Cloisonné dùng sợi dây bạc hoặc vàng để chia mặt số thành nhiều phần, thì kỹ thuật Champlevé sẽ khắc trực tiếp những đường nét lên phần đế bằng kim loại. Sau đó, người thợ sẽ phủ lớp men lên nét khắc, qua đó tạo ra hoa văn độc đáo trên mặt số đồng hồ. Dù vậy, kỹ thuật tráng men Champlevé ngày nay không còn được sử dụng một cách rộng rãi.

4. Plique-à-jour

Về cơ bản Plique-à-jour có cách thức thực hiện tương tự như Cloisonné, tuy nhiên kỹ thuật này lược bỏ phần đế/lớp nền bằng kim loại trên sản phẩm cuối cùng. Điều này giúp ánh sáng xuyên qua mặt số của đồng hồ, góp phần tạo nên hiệu ứng thị giác độc đáo và đẹp mắt. Để dễ hình dung hơn, lớp men chế tác bằng kỹ thuật Plique-à-jour sẽ cho hiệu ứng tương tự như một lớp kính màu. Plique-à-jour là kỹ thuật cực kỳ khó khi người thợ sẽ phải sử dụng những phương pháp khác nhau như chà sát hoặc hòa tan bằng axit để loại bỏ đi phần đế. 

Plique-à-jour mang đến trải nghiệm thị giác độc đáo trên mặt số - ảnh 5

5. Miniature paintings

Miniature paintings là kỹ thuật đòi hỏi người thợ sẽ phải tạo ra những hình ảnh mong muốn trên một lớp nền đã được tráng men hai mặt. Màu sắc sẽ tạo thành từng lớp, đồng thời không có bất kỳ chi tiết để phân vùng. Các gam màu sẽ được phủ theo thứ tự từ đậm đến nhạt. Miniature paintings đòi hỏi người thợ phải đạt độ chính xác tối đa, bởi chỉ một ảnh hưởng nhỏ trong quá trình nung cũng có thể phá hỏng toàn bộ quá trình chế tác, bao gồm cả tác phẩm nghệ thuật đang hiện diện trên mặt số đồng hồ.

Miniature paintings phô diễn kỹ thuật chế tác đỉnh cao của người thợ thông qua tác phẩm nghệ thuật của họ trên mặt số đồng hồ - ảnh 6

Trên đây là một số chia sẻ nhằm giải đáp thắc mắc của bạn về Enamel và ứng dụng của nó vào trong chế tác đồng hồ. Hi vọng thông tin nói trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu về kỹ thuật độc đáo này.

Xem thêm:

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *