Máy đồng hồ In-house là gì? Định nghĩa, phân loại máy In-house

Máy đồng hồ In-house là gì? Định nghĩa, phân loại máy In-house

Trong đồng hồ, đặc biệt là đồng hồ cơ, đồng hồ đắt tiền, bộ máy chính là thành phần quan trọng nhất, trái tim vận hành các chức năng. Với bộ máy, In-house hay không In-house cũng là tiêu chí vô cùng quan trọng khẳng định giá trị của chiếc đồng hồ, phân biệt thương hiệu này với thương hiệu khác.

MỤC LỤC

› Máy đồng hồ In-house là gì? Định nghĩa, phân loại máy In-house

1. Máy đồng hồ In-house là gì?

2. Phân loại máy In-house

2.1 Máy 100% In-house

2.2 Máy thiết kế In-house

2.3 Máy sản xuất In-house

2.4 Máy lắp ráp In-house

› Vì sao máy In-house được đánh giá cao (In-house movement)?

1. Với các hãng đồng hồ

2. Với người dùng

Máy đồng hồ In-house là gì? Định nghĩa, phân loại máy In-house

1. Máy đồng hồ In-house là gì?

Máy In-house là gì? Đồng hồ In-house là gì? In-house có nghĩa là “trong nhà” (nội bộ), đồng hồ In-house là cách gọi chung được vận hành bằng bộ máy được thiết kế (phát triển) và sản xuất bởi chính hãng đó.

“In-house Movement tức máy In-house là bộ máy vận hành đồng hồ được thiết kế/sản xuất/lắp ráp bởi chính hãng đồng hồ đó, tức vỏ ngoài + máy trong đều do cùng một hãng làm ra. Ngoài ra, Thuật ngữ In-house Movement chủ yếu được sử dụng với máy cơ.”

Nói cách khác, những hãng nào có khả năng tự sản xuất máy và lắp ráp chúng cho đồng hồ của mình thì đó chính là máy In-house. (Ví dụ: Seiko sử dụng máy Seiko có thể được gọi là đồng hồ In-house).

Máy đồng hồ In-house là gì? - ảnh 1

Máy A. Lange & Söhne- thương hiệu đồng hồ Đức luôn được xem là máy In-house đích thực và danh giá nhất thế giới

Tiêu chí In-house chủ yếu được áp dụng đối với máy đồng hồ cơ vì chúng phức tạp, khó sản xuất hơn máy pin nhiều lần tính trên cùng một chức năng. Hơn nữa, máy cơ thuộc về phạm trù tinh thần, sự đam mê với kỹ thuật đo thời gian truyền thống còn máy pin thì không, vì vậy, máy pin có in-house hay không cũng không quan trọng.

Xem: Tổng hợp các nhà sản xuất bộ máy đồng hồ nổi tiếng nhất

2. Phân loại máy In-house

Máy In-house cũng có ba bốn loại, chúng được phân biệt chủ yếu bởi 2 yếu tố thiết kế và sản xuất. Cho đến hiện tại chưa hề có quy định chính thức, chỉ cần thỏa mãn một trong hai yếu tố nêu trên cũng đủ để gọi là In-house rồi. Xét chung có thể phân biệt In-house toàn phần (2.1) hoặc bán toàn phần (2.2, 2.3 và 2.4)

2.1 Máy 100% In-house

Máy 100% In-house yêu cầu tất cả các khâu nghiên cứu, thiết kế, phát triển (thử nghiệm), sản xuất chi tiết có trong máy, lắp ráp máy đều phải được thực hiện trong nội bộ hãng. Đây chính là loại máy In-house chân chính nhất.

Nếu bỏ qua tập đoàn Swatch (nhà sản xuất máy thuộc tập đoàn như ETA, Lemania, Manufacture Blancpain chịu trách nhiệm cung cấp máy cho các thương hiệu trong tập đoàn) thì hiện nay trên thế giới chỉ có duy nhất hãng Seiko có thể tạo ra máy 100% In-house nói riêng, chế tạo 100% bộ phận của chiếc đồng hồ nói chung.

Yếu tố khó đạt được nhất của máy 100% In-house đó chính là toàn bộ chi tiết máy đều được chế tạo trong nội bộ. Đứng ngay sau Seiko về năng lực khủng khiếp này chính là hãng đồng hồ Đức lừng danh A. Lange & Söhne cũng có thể tạo ra hầu như mọi bộ phận của bộ máy, sau nữa đó là Citizen, Rolex, Nomos.

Máy 100% In-house Nomos - ảnh 2

Hãng đồng hồ Đức Nomos hiện đã chen chân vào hàng ngũ dùng máy In-house đích thực như đồng hương A. Lange & Söhne

2.2 Máy thiết kế In-house

Máy thiết kế In-house là máy được thiết kế bởi một hãng đồng hồ nào đó nhưng hãng này không trực tiếp sản xuất mà thông qua một bên thứ ba. Mặc dù không được sản xuất bởi chính hãng này nhưng máy thiết kế In-house vẫn có đầy đủ giá trị: độc quyền, chống giả, khác biệt và không phổ thông.

Đơn giản là vì vẻ bề ngoài của chúng sẽ khác với các loại máy phổ thông do yếu tố trang trí, nhận dạng thương hiệu. Đặc biệt, máy càng trang trí – hoàn thiện cầu kỳ, chức năng phức tạp càng khó (hoặc không thể) làm giả, vì yếu tố này không chỉ có chi phí tạo ra rất cao mà còn đòi hỏi trình độ và công nghệ.

Không tính đến các loại hàng giả “trông quá rẻ tiền-nhìn là biết giả” thì đồng hồ super fake, fake 1 1 dù có sử dụng một bộ máy sao chép máy ETA, máy Sellita, máy Miyota… thì cũng không thể chạm rỗng, điêu khắc họa tiết hoa văn, trang bị chức năng như thật.

2.3 Máy sản xuất In-house

Là máy sử dụng thiết kế của bên thứ ba nhưng được sản xuất bởi hãng đồng hồ này. Máy sản xuất In-house của một hãng nào đó không nhất thiết phải có 100% các chi tiết được sản xuất trong nội bộ nhưng phải được được lắp ráp – hoàn thiện trong nội bộ.

Đây là loại máy phổ biến trong thương hiệu đồng hồ cao cấp hiện nay bởi phần lớn bằng bảo hộ sáng chế máy đã hết hạn nên các hãng đều có thể dựa trên thiết kế máy cũ xem như công cộng để sản xuất máy cho riêng mình, kể cả Rolex hay xa xỉ như Patek Philippe cũng đều đã đang làm như thế.

Máy của đồng hồ TAG Heuer được xem là sản xuất In-house - ảnh 3

Máy của đồng hồ TAG Heuer được xem là sản xuất In-house

2.4 Máy lắp ráp In-house

Máy lắp ráp In-house là cấp độ thấp hơn máy sản xuất In-house bởi loại này chỉ cần lắp ráp trong nội bộ hãng, thậm chí không cần phải sản xuất bất cứ chi tiết nào của máy. Hầu hết bộ máy In-house hiện nay đều thuộc dạng này dựa trên thiết kế “công cộng” và các chi tiết máy do bên thứ ba cung cấp.

Đối với bộ máy đồng hồ lắp ráp In-house, chi tiết máy có thể sẽ được trang trí-hoàn thiện một lần nữa (đánh bóng, chạm rỗng, sơn mạ, khắc dập…) hoặc tinh chỉnh lại (điều chỉnh độ chính xác chuẩn COSC, tăng thời gian trữ cót, bổ sung chức năng…) để tăng chất lượng, tạo sự khác biệt, nhận dạng thương hiệu, chống giả.

So với các loại bộ máy đồng hồ In-house khác, máy lắp ráp In-house có khả năng tùy biến rất cao, trang bị những tính năng độc đáo bằng các bộ phận lắp ghép (module) mà không cần phải đầu tư quá nhiều cho việc sản xuất bộ phận vốn có thể được cung cấp từ ngoài mà không ảnh hưởng đến chất lượng hoặc sự độc quyền.

Vì sao máy In-house được đánh giá cao (In-house movement)?

Bộ máy là phần quan trọng nhất vì không có chúng đồng hồ không hoạt động, chỉ là cái vỏ rỗng. Cho dù là cơ hay pin thì bộ máy vẫn luôn là thành phần khó thiết kế và sản xuất nhất trong chiếc đồng hồ. Sản xuất được máy hay không phản ánh sự đặc biệt so với các đối thủ.

Tạm thời bỏ qua yếu tố đẳng cấp, lịch sử lâu đời, HOT… mà chỉ tính trên cùng chất liệu, tính năng, uy tín. Thử hỏi, đồng hồ 1000 USD và đồng hồ 200 USD đều chạy cùng một máy với thiết kế – chất liệu không quá khác biệt thì bạn sẽ chọn mẫu nào?

Hoặc với cùng thiết kế – chất liệu và đều giá 500 USD, một mẫu sử dụng máy chỉ có thương hiệu đó mới có và một mẫu sử dụng máy mà hàng chục hàng trăm thương hiệu khác cũng dùng, bạn thấy sản phẩm nào thú vị hơn?

1. Với các hãng đồng hồ

Thể hiện năng lực của nhà sản xuất

Máy In-house chiếm ưu thế ở mặt trang trí hoàn thiện theo phong cách của nhà sản xuất, đạt chất lượng thẩm mỹ rất cao, kiểu dáng độc quyền.

Để sản xuất máy in-house phải đầu tư và tốn nhiều chi phí, thời gian vào việc nghiên cứu chuyển động và sản xuất chúng. Họ còn phải có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm để có thể tạo ra bộ máy tốt và chất lượng.

Grand Seiko nổi tiếng với bộ máy nội bộ 9S - ảnh 4

Grand Seiko nổi tiếng với bộ máy nội bộ 9S

Ngược lại với máy In-house, máy không phải In-house là các bộ máy hoàn chỉnh hoặc bộ máy nền tảng được mua từ bên thứ ba (nhà sản xuất khác), máy có thể giữ nguyên bản hoặc được trang trí/tinh chỉnh để ráp vào đồng hồ.

Không cần phải đầu tư nghiên cứu phát triển và sản xuất bộ máy vừa mất thời gian vừa hao tốn tiền bạc. Chất lượng hoạt động của đồng hồ, dịch vụ kỹ thuật chuyên môn hầu như đều được các tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp đảm bảo.

Sở dĩ thuật ngữ In-house movement sinh ra là bởi vì trong hàng chục năm qua ngành công nghiệp đồng hồ hiện nay (đặc biệt là Âu, Mỹ) gần như chỉ có cái vỏ và thương hiệu khác nhau còn ruột (tức máy bên trong thì lại giống) dưới tầm ảnh hưởng quá lớn của Swatch (ETA) sau thời kỳ bị “phá hoại” bởi máy quartz từ Seiko.

Không có vấn đề về nguồn cung bởi thương hiệu sẽ tự kiểm soát về số lượng lẫn chất lượng. Bao gồm cả quy trình, kỹ thuật chuẩn hóa và vật liệu chính xác được sử dụng.

Đặc biệt trong những giai đoạn kinh tế khủng hoảng thì các thương hiệu có khả năng sản xuất in-house ít bị ảnh hưởng.

Có cơ hội bán chuyển động cho thương hiệu khác như ETA cung cấp ebauches – khối cơ bản của bộ máy có thể lắp ráp, sửa đổi và trang trí theo yêu cầu cụ thể của từng công ty.

In-house đang là phương hướng phát triển của hãng đồng hồ tên tuổi độc lập (không thuộc tập đoàn nào) nhưng lại là thuật ngữ khiến các tập đoàn lớn sở hữu nhiều thương hiệu đẳng cấp hàng đầu như Swatch, Richemont không quá mặn mà đi quảng cáo rêu rao vì sự độc quyền (một vài nhà sản xuất bộ máy cung cấp cho hầu hết thương hiệu) nhiều bộ máy dùng chung giữa các thương hiệu.

Hãng Jaeger-leCoultre không chỉ sản xuất máy cho mình mà còn cung cấp cho các "anh chị em" trong tập đoàn Richemont - ảnh 6

Hãng Jaeger-leCoultre không chỉ sản xuất máy cho mình mà còn cung cấp cho các “anh chị em” trong tập đoàn Richemont

2. Với người dùng

Đồng hồ có máy nội bộ đồng nghĩa với uy tín và giá cao

In-house Movement chủ yếu đánh mạnh vào yếu tố tinh thần của người mua về kỹ thuật tốt và sự độc quyền, không phổ thông nhưng điều này chỉ dành cho số người rất nhỏ vì tầm quan trọng của nó chủ yếu tồn tại ở phân khúc sang trọng.

Thật đáng thất vọng nếu như bỏ hàng đống tiền mua phải đồng hồ chỉ có cái vỏ còn ruột bên trong thật phổ thông, hoàn thiện trang trí không quá tinh xảo, dễ bị hàng giả trộn lẫn đúng không?

Bộ máy nội bộ đều cải thiện độ chính xác, dự trữ năng lượng, độ hoàn thiện/trang trí tốt hơn và công nghệ mới nhất.

Đồng hồ có máy nội bộ đồng nghĩa với uy tín và giá cao - ảnh 7

Thiết kế bộ máy đẹp mắt

Vì làm chủ khâu thiết kế nên sẽ rất khác biệt, đặc biệt những mẫu lộ cơ hay phô diễn bộ máy qua mặt sau lại càng thu hút sự chú ý, giá trị sưu tầm cao, nâng tầm đẳng cấp của người sở hữu.

Tuy nhiên vẫn có một nhược điểm là việc thay thế linh kiện sẽ bị hạn chế.

Chia sẻ cuối cùng,

Hầu hết đồng hồ Thụy Sỹ cao cấp hiện nay (trên 3000 USD) đều có sử dụng bộ máy do chính mình sản xuất hoặc lắp ráp (phần bởi vì người tiêu dùng phân khúc này rất khắt khe với những gì họ bỏ tiền ra mua, không hề muốn một sản phẩm có giá đắt gấp 10 lần sản phẩm dùng máy giống hệt nó, phần vì nhà sản xuất máy ETA đã hạn chế cung cấp máy chất lượng cao của mình ra ngoài tập đoàn Swatch).

Ngoài ra, các thương hiệu lâu đời đến từ Nhật Bản và một số tên tuổi lớn mới nổi của Thụy Sỹ, Đức cũng góp mặt trong danh sách sử dụng bộ máy đồng hồ cơ In-house. Có thể kể ra một số nhà sản xuất như: Seiko, Citizen, Orient, Nomos, Frederique Constant, A. Lange & Söhne, Audemars Piguet, Greubel Forsey, Jaeger-leCoultre, Kari Voutilainen, Patek Philippe, Philippe Dufour, Roger Dubuis, Rolex, Vacheron Constantin, Zeitwinkel, Zenith

Ở phân khúc cao cấp, tầm trung trở xuống, hầu hết người dùng đều chỉ muốn chất lượng, đẹp, thương hiệu đáng tin cậy, vì cái giá phải trả cho đồng hồ có In-house Movement là quá nhiều bởi thế nó gần như không thể tồn tại.

Tuy vậy, vẫn có vài ngoại lệ như Seiko, Citizen, Orient ở mức giá rẻ – tầm trung, Frederique Constant, Alpina ở phân khúc cao cấp, Nomos ở phân khúc tiếp cận sang trọng…

Hiện nay, ngoại trừ các sản phẩm đồng hồ xa xỉ (trên 10000 USD) thì chức năng của In-house Movement trong mẫu cao cấp trở xuống (dưới 3000 USD) phần lớn chỉ là cơ bản (3 Kim 1 Lịch) hoặc bổ sung thêm một hai chức năng, chưa được phong phú như máy được cung cấp bởi nhà sản xuất máy lớn trên cùng mức giá.

Sau tất cả, đồng hồ dùng In-house Movement là một điều tốt, đáng khen ngợi nhưng đó chỉ là đối với mẫu hơn 2000 USD. Dưới 2000 USD, yếu tố này có hay không không quá quan trọng vì nếu có thường đồng nghĩa với việc bạn phải trả thêm tiền dù chức năng chất liệu vẫn vậy. Dĩ nhiên, nếu chọn đồng hồ Nhật Bản từ ba hãng Seiko, Citizen, Orient bạn sẽ tha hồ đạt được in-house với giá dưới 10 triệu đồng cho cả cơ lẫn pin.

Các thuật ngữ bộ máy khác:

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *