Nỗ lực thâu tóm những thương hiệu uy tín trên thế giới song song với việc kinh doanh sản phẩm của mình để cải thiện danh tiếng chính là điều mà trong thời gian gần đây tập đoàn đồng hồ Trung Quốc Citychamp tên cũ là China Haidian thực hiện. Cũng nhờ đó mà Citychamp trở thành tập đoàn đồng hồ lớn thứ 12 thế giới.
Citychamp (China Haidian), Tập Đoàn Đồng Hồ Trung Quốc Đang Bành Trướng Khắp Thế Giới
Citychamp Watch & Jewelry Group Limited, trước đây là China Haidian ra đời năm 1991 và có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc. Sở hữu hai thương trong bốn thương hiệu nổi tiếng nhất tại nội địa của Trung Quốc là Rossini và Ebohr cùng việc sở hữu 78% cổ phần công ty đồng hồ Quảng Châu Ôn Châu (còn gọi là Guangzhou Five Goat Watch Company/Guangzhou Wuyang Watch Company), Citychamp chiếm hơn 20% thị phần trong thị trường đồng hồ nội địa Trung Quốc.
Ebohr, một trong bốn thương hiệu nổi tiếng nhất Trung Quốc của tập đoàn đồng hồ Trung Quốc Citychamp
Những năm gần đây, sau khi có được vị trí vững vàng tại thị trường Trung Quốc, Citychamp không giấu được tham vọng bành trướng của mình khi bắt đầu mua lại các thương hiệu lớn của Thụy Sĩ gồm huyền thoại vang bóng một thời Eterna (mua năm 2012), thương hiệu sang trọng Corum (2013) và tập đoàn Dreyfuss (chủ sở hữu của Rotary, mua năm 2014).
Sau ba cuộc thôn tính, tập đoàn đồng hồ Trung Quốc Citychamp thực sự đã có thế lực trong làng đồng hồ thế giới và trở thành một trong những tập đoàn đồng hồ lớn nhất, xếp sau các tập đoàn Swatch Group (Thụy Sĩ), Richemont (Thụy Sĩ), Lvmh (Pháp), Kering (Pháp), Seiko (Nhật Bản), Citizen (Nhật Bản), Fossil (Mỹ), Movado (Mỹ), Timex (Hà Lan), Binda (Ý), Frank Muller (Thụy Sĩ).
Hiện tại, nuốt gọn liên tiếp 3 tên tuổi lớn chỉ trong vòng 3 năm ngắn ngủi, tập đoàn đồng hồ Trung Quốc Citychamp là công ty đại chúng và là tập đoàn đồng hồ lớn thứ 12 trên thế giới. Tính đến hết năm 2013, Citychamp đạt doanh thu khoảng 409 triệu USD, có 3.000 nhân viên ở Trung Quốc đại lục và 200 nhân viên ở Thụy Sĩ.
Diễn Biến 3 Cuộc Bành Trướng Của Tập Đoàn Đồng Hồ Trung Quốc Citychamp
Có thể nói, ngoài Tianjin Sea-Gull ra thì China Haidian (Citychamp) chính là tên tuổi trong ngành đồng hồ Trung Quốc được biết đến nhiều nhất trên thế giới, gần như tất cả đều nhờ vào 3 cuộc đại bành trướng bên ngoài Trung Quốc chỉ trong 3 năm.
1. Mua Lại Nhà Sản Xuất Đồng Hồ Thụy Sĩ Eterna Năm 2012
Eterna từng là một huyền thoại và rất quan trọng trong ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sĩ (Ảnh: mẫu KonTiki ra mắt năm 2016)
Ra đời 1856, Eterna từng là một trong những hãng đồng hồ huy hoàng và quan trọng nhất trong thế giới đồng hồ Thụy Sĩ khi nắm giữ chủ yếu cung cấp máy đồng hồ cho các hãng khác qua việc thành lập công ty con ETA (ngày nay chính là hãng sản xuất máy đồng hồ lớn nhất Thụy Sĩ thuộc tập đoàn Swatch). Bộ máy ETA 2824-2 huyền thoại ngày nay chính là sản phẩm được xây dựng trên nền tảng máy Eterna 1427 của Eterna.
Trải qua nhiều thăng trầm, Eterna đã đổi chủ sở hữu rất nhiều lần, cho đến năm 2011 thì China Haidian (tên lúc bấy giờ của Citychamp) bắt đầu để ý đến thương hiệu Eterna có bề dày lịch sử “vĩ đại” này khi họ cần một chỗ đứng trên thị trường quốc tế để giới thiệu sản phẩm đồng hồ của mình ra bên ngoài trong tình hình thị trường Trung Quốc đã bão hòa.
Các cuộc thương lượng diễn ra từ năm 2011 đến 30 tháng 6 năm 2012 với Porsche Design (chủ sở hữu lúc đó của Eterna) thì China Haidian thông qua công ty con của mình là International Volant Ltd. đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ Eterna với giá 22.91 triệu CHF (thời điểm này tương đương 15.6 triệu Bảng Anh).
2. Thôn Tính Nhà Sản Xuất Đồng Hồ Thụy Sĩ Corum Năm 2013
Corum có vị thế cao trong ngành đồng hồ sang trọng Thụy Sĩ (Ảnh: một mẫu Golden Bridges)
Dường như việc mua lại một tên tuổi oanh liệt nhưng hết thời như Eterna chưa đủ để China Haidian thực sự có địa vị trong ngành đồng hồ cũng như uy tín để bán những sản phẩm giá rẻ của mình ra toàn thế giới, họ bắt đầu để mắt đến thương hiệu thực sự sang trọng và nổi tiếng của Thụy Sĩ đó là Corum.
Corum là nhà sản xuất đồng hồ Thụy Sỹ sang trọng được thành lập năm 1955, hiện có hơn 600 cửa hàng bán lẻ trên khắp thế giới, rất nổi tiếng với những mẫu đồng hồ Admiral mặt 12 cạnh và Golden Bridges có bộ máy được thiết kế thẳng hàng tạo kiểu dáng cột triển lãm ngay trên mặt số cùng các loại đồng hồ khảm vàng và đá quý có giá từ hơn 4.000 euro đến hàng triệu euro. Họ thực sự là một thương hiệu có đẳng cấp, danh tiếng trên thị trường hàng xa xỉ trong hiện tại.
Sau những thỏa thuận về hợp tác để mở rộng thị trường cho cả hai, ngày 24 tháng 4 năm 2013 Corum cho biết công ty đồng hồ Trung Quốc China Haidian đã hoàn tất việc mua lại tất cả các bộ phận của hãng với giá 86 triệu CHF (thời điểm này tương đương 59.5 triệu Bảng Anh)
Sự kiện này đã làm chấn động không ít nhà đầu tư, các nhà sản xuất đồng hồ sang trọng khác trong ngoài Thụy Sĩ cũng như người hâm mộ Corum vì đây là lần đầu tiên một hãng sản xuất đồng hồ thuộc sở hữu củaThụy Sĩ được bán cho nhà đầu tư Trung Quốc (thương hiệu Eterna đã mua trước đó mặc dù là công ty Thụy sĩ nhưng thuộc sở hữu của Porsche Design, Đức).
Theo thông báo của Corum và China Haidian, thương vụ mua bán này giúp Corum củng cố được vị trí tại Trung Quốc cùng khu vực châu Á-Thái Bình Dương và giúp China Haidian nâng vị thế trong ngành đồng hồ sang trọng của Thụy Sĩ.
3. Sở Hữu Hoàn Toàn Tập Đoàn Dreyfuss Năm 2014
Rotary là một thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ – Anh “ăn nên làm ra” của Dreyfuss
Sau hai cuộc bành trướng chớp nhoáng để chiếm được địa vị trong mảng bộ máy đồng hồ và đồng hồ Thụy Sĩ sang trọng thì China Haidian bổ sung nốt mảng còn thiếu của mình ở thị trường thế giới: đồng hồ Thụy Sĩ tầm trung. Từ đó, họ mới có thể nắm giữ mạch máu cùng hiện diện ở đủ 3 phân khúc: bộ máy + giá rẻ-tầm trung-sang trọng.
Tập đoàn Dreyfuss thành lập từ năm 1895 của nước Anh vốn sở hữu ba công ty Rotary, Dreyfuss & Co và J & T Windmills nắm giữ thị phần quan trọng trong thị trường đồng hồ tầm trung Anh, Thụy Sĩ cùng như nhiều nước châu Âu. Bởi thế tập đoàn Dreyfuss chính là mục tiêu tiếp theo mà China Haidian muốn thôn tính.
Việc mua lại tập đoàn Dreyfuss của China Haidian bắt đầu cuối năm 2013 khi tập đoàn Dreyfuss đạt giải thưởng 2013 Sunday Times International Fast Track khi nằm trong danh sách 200 công ty tư nhân phát triển nhanh nhất nước Anh năm 2013. Nếu thành công mua lại tập đoàn Dreyfuss, China Haidian sẽ có thị trường phát triển chiến lược và hiện diện tại hơn 45 quốc gia.
Bởi thế, ngay đầu năm 2014, China Haidian Holdings Limited đã mua 100 % vốn cổ phần tập đoàn Dreyfuss gồm cả Rotary, Dreyfuss & Co và J & T Windmills từ thế hệ thứ tư của gia đình sở hữu tập đoàn Dreyfuss với số tiền 351 triệu đô la Hồng Kông (tương đương 27 triệu Bảng Anh lúc bấy giờ).
Sau khi tập đoàn Dreyfuss bị China Haidian mua lại, Robert Dreyfuss, Chủ tịch điều hành của tập đoàn cùng đội ngũ quản lý của ông vẫn sẽ ở lại để “giám sát giai đoạn tiếp theo của sự phát triển và phát huy thành tựu lớn đã đạt được thời gian gần đây”. Hiện tập đoàn Dreyfuss đã có hơn bốn trăm cửa hàng bán lẻ tại châu Á với thương hiệu chiến lược Rotary.
Tập Đoàn Đồng Hồ Trung Quốc Citychamp Watch & Jewelry Group Limited
Dưới thời Citychamp, Rotary hiện đang là một trong những nhà tài trợ lớn của câu lạc bộ Chelsea
Hoàn tất mua lại tập đoàn Dreyfuss, China Haidian Holdings Limited đổi tên thành Citychamp Watch & Jewelry Group Limited, tập đoàn này cũng sử dụng tên Citychamp Dartong Company Limited để niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Thượng Hải.
Vừa tiếp nhận tập đoàn Dreyfuss và công ty con Rotary, Citychamp ký hợp đồng 4 năm với câu lạc bộ Chelsea để đưa Rotary trở thành một trong những nhà tài trợ lớn nhất nhằm tạo uy tín hơn nữa cho họ trên thế giới.
Tuy rằng mua lại nhiều thương hiệu lớn và ăn nên làm ra với các thương hiệu này nhưng những thương hiệu nguyên bản của Citichamp như Rossini, Ebohr vẫn chỉ được xem là hàng Trung Quốc rẻ tiền và bán chủ yếu trong đại lục và các quốc gia láng giềng đang phát triển.
Song song đó, mục đích sâu xa hơn là việc mở đường và tiếp thị cho chiến dịch đưa tràn quân “đồng hồ Tourbillon rẻ tiền” Trung Quốc, đồng hồ China Made xâm chiếm Thụy Sĩ đã thất bại thảm hại và rút về nước. Ngược lại và cũng là điều đương nhiên, Eterna, Corum hay các thương hiệu của Dreyfuss thì lại phát triển rất tốt dưới hậu thuẫn tiền bạc từ công ty mẹ.
Rõ ràng, cái mác “hàng Tàu kém chất lượng và không đủ đẳng cấp” vẫn là một nỗi ám ảnh đối với các thương hiệu đồng hồ xuất xứ Trung Quốc – China Made nếu họ muốn được như Thụy Sĩ, ngay cả Seiko hay Citizen Nhật Bản đầy thành tựu và phát minh cũng đang vất vả cố gắng còn chưa thành công chứ đừng nói gì các thương hiệu “chuyên sao chép là chính” của Trung Quốc.
Bốn mảnh ghép quan trọng cho nền tảng, thị trường và địa vị đã có, liệu sẽ còn có sự bành trướng nào nữa từ tập đoàn đồng hồ Trung Quốc này? Chờ tương lai sẽ biết!
Có thể bạn quan tâm:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đồng hồ SRWatch
Thay pin đồng hồ có mất chống nước không? Làm sao để giữ mức chống nước cho đồng hồ?
Giải đáp: Đồng hồ Citizen Eco Drive có phải thay pin không?
Trung tâm sửa chữa đồng hồ Seiko chính hãng – Thay Pin, lau dầu đồng hồ Seiko
Thay pin đồng hồ Michael Kors: Giá, địa chỉ, quy trình thay
Pin đồng hồ Citizen Eco-Drive có phải thay không, cách sạc, giá thay
Thay pin đồng hồ Tissot 1853 chính hãng: Bảng giá và Quy trình 13 bước tiêu chuẩn quốc tế
Bảng giá thay pin đồng hồ Citizen chính hãng, quy trình thay 13 bước tiêu chuẩn quốc tế
THẢO LUẬN