Bậc thầy Gerald Genta & 10 thiết kế biểu tượng của Ông

bac thay gerald genta 10 thiet ke bieu tuong cua ong

Gerald Genta – với tài năng sáng tạo và phá vỡ những quy tắc truyền thống, đã ghi lại dấu ấn sâu sắc trên thị trường đồng hồ thế giới. Ông không chỉ được mệnh danh là bậc thầy chế tác đồng hồ mà còn là người mở đường cho các xu hướng mới mang tầm vĩ đại trong ngành công nghiệp này.

MỤC LỤC

› Giới thiệu về bậc thầy chế tác Gerald Genta

1. Thông tin cơ bản

2. Sự nghiệp

3. Tầm ảnh hưởng của Gerald Genta lên ngành đồng hồ xa xỉ

4. Khách hàng của Gerald Genta

› 10 thiết kế mang tính biểu tượng do Gerald Genta thiết kế

1. Rolex Cellini King Midas (1972)

2. Patek Philippe Nautilus (1976)

3. IWC Ingenieur (1976)

4. Seiko Credor Locomotive (1979)

5. Cartier Pasha (1985)

6. Genta Mickey

7. Gerald Genta Grande Sonnerie

8. Gerald Charles Maestro

9. The Bulgari Roma (Bulgari Bulgari)

10. Bulgari Octo

› Kết luận

Giới thiệu về bậc thầy chế tác Gerald Genta

Gerald Genta không chỉ là một nhà thiết kế mà còn là một bậc thầy chế tác có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp đồng hồ trên thế giới. Mặc dù đã qua đời vào năm 2011 nhưng di sản của ông vẫn được gìn giữ và tiếp tục sống mãi trong lòng người hâm mộ. Đồng thời còn là nguồn cảm hứng to lớn cho thế hệ thiết kế sau này.

1. Thông tin cơ bản

Gérald Charles Genta (1931 – 2011) là một thợ đồng hồ nổi tiếng người Thuỵ Sỹ, người gốc Ý, được biết đến với vai trò tiên phong trong việc phá vỡ những quy tắc truyền thống để tạo ra nhiều chiếc đồng hồ giá trị, độc đáo, đồng thời mang tính lịch sử trong thời điểm ông hoạt động.

Những chiếc đồng hồ của Gérald Genta đều là sản phẩm của sự khéo léo kỹ thuật, đồng thời còn là biểu tượng của sự sáng tạo cũng như thể hiện được tầm nhìn trong tương lai. Di sản của ông vẫn tiếp tục tồn tại và tạo ra nhiều ảnh hưởng đến ngày nay, đồng thời còn là nguồn cảm hứng cho các thợ làm đồng hồ và người yêu cỗ máy thời gian trên khắp thế giới.

Bậc thầy Gerald Genta & 10 thiết kế biểu tượng của Ông - Ảnh 1

Gérald Charles Genta – người thiết kế tài ba trong nghệ thuật chế tác đồng hồ

2. Sự nghiệp

Sự nghiệp của nhà thiết kế đồng hồ Gérald Genta bắt đầu khi ông hoàn thành khóa học nghề thợ kim hoàn và thợ chế tác trang sức vào năm 1951. Sau đó, ông được Universal Geneve tuyển dụng – một trong những nhà sản xuất đồng hồ nổi tiếng nhất thế giới thời bấy giờ, khi ông chỉ mới 23 tuổi. 

Tại Universal Genève, Gérald Genta đã trình làng tác phẩm đầu tay – chiếc đồng hồ SAS Polerouter là một biểu tượng kỷ niệm các chuyến bay vùng cực của hãng hàng không Scandinavia và nhanh chóng trở thành một trong những nhà thành công lớn nhất của thương hiệu này.

Bậc thầy Gerald Genta & 10 thiết kế biểu tượng của Ông - Ảnh 2

SAS Polerouter – chiếc đồng hồ đầu tay của Gérald Genta

Sau khi có những thành công đáng kể tại Universal Genève, Gérald Genta được các công ty sản xuất đồng hồ Thuỵ Sỹ mời hợp tác. Trong số đó, Omega là công ty đầu tiên mà ông tham gia hỗ trợ, đồng thời ông đã góp phần quan trọng vào việc tái sinh bộ sưu tập Constellation của Omega vào năm 1959 và mang lại thành công lớn cho thương hiệu này trong nhiều năm về sau.

Năm 1970, Gérald Genta tiếp tục chứng tỏ tài năng thiết kế của mình khi tham gia vào dự án đặc biệt với Audemars Piguet để tạo ra tác phẩm biểu tượng của thương hiệu là chiếc Royal Oak – chiếc đồng hồ thể thao Audemars Piguet đầu tiên được làm từ thép không gỉ – một vật liệu được coi là quý hiếm trong ngành tại thời điểm đó. Không những vậy, Royal Oak còn mang tính cách mạng và ghi dấu ấn lịch sử trong ngành công nghiệp đồng hồ.

Sau khi có nhiều thành tựu đáng kể trên thị trường đồng hồ, Gérald Genta đã thành lập công ty riêng của mình vào năm 1969, đồng thời phát triển thương hiệu cùng tên và tạo ra những sản phẩm đặc biệt cho các khách hàng độc đáo. 

Với sự nỗ lực, luôn hướng tới sự sáng tạo chưa từng có, ông nhanh chóng nhận được sự tôn trọng và đánh giá cao từ ngành công nghiệp cũng như người đam mê chế tạo đồng hồ trên toàn thế giới cho đến ngày nay. 

3. Tầm ảnh hưởng của Gerald Genta lên ngành đồng hồ xa xỉ

Trong giai đoạn khủng hoảng của đồng hồ thạch anh, Gérald Genta đã mang đến một làn gió mới cho ngành công nghiệp đồng hồ xa xỉ với sự ra đời của chiếc Royal Oak – được xem là biểu tượng của sự sáng tạo và tiên phong, mở ra một trang mới trong lịch sử đồng hồ vào những năm 1970. Tuy nhiên, thành công của Genta không chỉ dừng lại ở đó.

Ông cũng là người thiết kế mẫu đồng hồ Nautilus cho Patek Philippe vào năm 1976. Với sự kết hợp hài hòa giữa vòng đeo tay và cấu trúc bằng thép không gỉ mạnh mẽ, Nautilus cùng với Royal Oak đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dòng đồng hồ thể thao cao cấp sau này.

Bậc thầy Gerald Genta & 10 thiết kế biểu tượng của Ông - Ảnh 3

Bản phác thảo chính thức của đồng hồ Patek Philippe Nautilus

Những tác phẩm này đã chứng minh rằng không chỉ các chất liệu quý phái như vàng, bạc mới có thể tạo ra tác phẩm nghệ thuật, mà còn có thể sử dụng những vật liệu như thép không gỉ để tạo ra nhiều sản phẩm vĩ đại, độc đáo.

Ngày nay, việc thấy thiết kế đột phá của Gérald Genta trong Royal Oak xuất hiện trong mẫu đồng hồ dòng Big Bang của Hublot và Richard Mille đã minh chứng rõ ràng cho tầm ảnh hưởng lâu dài của ông. 

Sự thành công của ông không chỉ dừng lại ở 2 tác phẩm này mà Gérald Genta còn là tác giả của nhiều kiệt tác đồng hồ nghệ thuật khác, mỗi một thiết kế đều khẳng định sự độc đáo, phong cách riêng biệt của ông. Và ngày nay, các thiết kế của Gérald Genta vẫn được lưu giữ cũng như trở thành một phần không thể thiếu của di sản văn hóa trong ngành công nghiệp đồng hồ. 

4. Khách hàng của Gerald Genta

Gérald Genta thực sự là một trong những nhà thiết kế đồng hồ hàng đầu và nghệ nhân tài ba trong ngành công nghiệp này. Bằng khả năng kết hợp phong cách cá nhân cũng như sự độc đáo vào từng sản phẩm của mình đã thu hút sự chú ý của nhiều doanh nhân, vận động viên, nghệ sĩ hàng đầu trên khắp thế giới.

Ngoài ra, những tác phẩm nỗ lực của ông còn thu hút sự quan tâm với các nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn như vua của Maroc, Oman, và Brunei, cùng với Vua Tây Ban Nha, Vua Ả Rập Saudi, Nữ hoàng Anh,… 

Bên cạnh đó, vào những năm 80, Gérald Genta đã có bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của mình khi ông nhận được giấy phép độc quyền từ WaltDisney để thiết kế ra các chiếc đồng hồ phiên bản giới hạn. 

Sự hợp tác này đã mở ra một thế giới mới cho sáng tạo cho Gérald Genta, đồng thời làm tăng thêm giá trị cho các sản phẩm của ông. Việc kết hợp giữa sự sang trọng của đồng hồ và sự đáng yêu của nhân vật Disney đã tạo nên nhiều tác phẩm đã thu hút sự chú ý của người yêu thời trang cũng như của người yêu thích và hâm mộ thương hiệu này.

Bậc thầy Gerald Genta & 10 thiết kế biểu tượng của Ông - Ảnh 4

Chiếc Genta Disney được tái sản xuất trong những năm gần đây

10 thiết kế mang tính biểu tượng do Gerald Genta thiết kế

Gerald Genta thật sự là một huyền thoại trong ngành công nghiệp đồng hồ cao cấp và công lao của ông không chỉ dừng lại trong việc tạo ra những mẫu đồng hồ biểu tượng cho các thương hiệu danh tiếng mà còn trong việc sáng tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, đầy đột phá. Dưới đây là một số tác phẩm tiêu biểu của ông:

1. Rolex Cellini King Midas (1972)

Năm 1964, Rolex đã đưa ra một tuyên ngôn về sự sang trọng, quyền lực với chiếc đồng hồ mang tên Cellini King Midas – lấy cảm hứng từ huyền thoại về Vua Midas trong thần thoại Hy Lạp. Và Cellini King Midas tự hào là chiếc đồng hồ vàng nặng nhất trên thị trường vào thời điểm đó. Chúng được chạm khắc từ một khối vàng trắng hoặc vàng 18k, có trọng lượng từ 150 đến 200 gram.

Bên cạnh đó, vì Cellini King Midas được lấy cảm hứng từ đền Parthenon của Athena ở Hy Lạp, nên khi chúng ta nghiêng đồng hồ với núm vặn lên dây cót hướng lên trên sẽ thấy đầu hình tam giác giống như mái chùa, trong khi các rãnh dày của vòng đeo tay tượng trưng cho các cột. 

Cellini King Midas cũng được sản xuất dưới dạng phiên bản giới hạn nhằm tôn vinh sự hiếm có và độc đáo của nó. Điều này thể hiện rõ ràng của sự sáng tạo cũng như tinh thần nghệ sĩ của Gérald Genta – người đã làm nên kỳ tích trong thế giới đồng hồ. 

Thông số kỹ thuật: 

  • Bộ máy: Manual Winding (đồng hồ cơ lên dây cót bằng tay). 
  • Kính: Sapphire giúp tăng độ bền, độ thẩm mỹ cho mặt số đồng hồ.
  • Đường kính mặt số: 22mm.
  • Chất liệu vỏ và dây đeo: Sử dụng vàng vàng và vàng trắng 18k.
  • Màu mặt số: Trắng.
Cellini King Midas với hình dáng mới lạ và đi trước thời đại của Gérald Genta lúc bấy giờ - 5

Cellini King Midas với hình dáng mới lạ và đi trước thời đại của Gérald Genta lúc bấy giờ

2. Patek Philippe Nautilus (1976)

Patek Philippe đã đột phá khi ra mắt đồng hồ thể thao Nautilus vào năm 1976 dưới bàn tay nghệ thuật của nhà thiết kế đồng hồ Gerald Genta. Điều đặc biệt là sản phẩm này được chế tạo từ thép không gỉ – một vật liệu mà hiếm khi xuất hiện trong danh mục sản phẩm của Patek Philippe vào thời điểm đó. 

Nautilus gây ấn tượng mạnh với hình dáng vỏ lấy cảm hứng từ cửa sổ của một con tàu và bản lề giống như tai ở hai bên kết hợp với khung bezel hình bát giác cùng những cạnh tròn. Đồng thời, mặt số của Nautilus được thiết kế màu xanh/đen, với nhiều đường thẳng đứng được chạm nổi, tạo nên một phong cách hiện đại và cứng cáp. Các chi tiết như đôi kim ở giữa, cửa sổ ngày ở vị trí 3 giờ được thiết kế một cách cẩn thận nhưng không kém phần tinh tế, làm tôn lên vẻ đẹp của chiếc đồng hồ. 

Ngoài ra, dây đeo tích hợp của Nautilus được hoàn thiện với sự kết hợp giữa việc đánh bóng và satin, tạo ra một kết quả độc đáo với sự kết hợp giữa vẻ bóng bẩy và sự lịch lãm. Tất cả những chi tiết này điều đã tạo ra một sự kết hợp hài hòa giữa sự mạnh mẽ, tinh tế, cũng như làm nên một dấu ấn độc đáo cho chiếc đồng hồ này.

Thông số kỹ thuật: 

  • Bộ máy: Calibre 28-255 C.
  • Kính: Sapphire giúp chống trầy và chống ăn mòn tốt
  • Đường kính mặt số: 42mm
  • Chất liệu vỏ và dây đeo: Thép không gỉ hầu như không thể phá vỡ và tăng tính thẩm mỹ.
  • Màu mặt số: Xanh/Đen
Nautilus là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của Gerald Genta - Ảnh 6

Nautilus là một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của Gerald Genta

3. IWC Ingenieur (1976)

IWC Ingenieur (1976) là một biểu tượng được phác thảo bởi nhà thiết kế đồng hồ Gerald Genta, đánh dấu bước tiến mới của ông sau thành công với Royal Oak và Nautilus. Được tái thiết kế vào năm 1974 và phát hành vào 1976, đây là một sản phẩm hiếm có với thời gian sản xuất ngắn ngủi. Đồng thời, thiết kế đẹp và uy quyền, cùng với vành bezel hình tròn có 5 lỗ rộng và dây đeo liên kết chữ H với sự điêu khắc tinh tế đã giúp chiếc đồng hồ này trở nên đắt giá hơn bao giờ hết. 

Thông số kỹ thuật: 

  • Bộ máy: Quartz (Calibre 2250) – sử dụng pin để đồng hồ hoạt động. (Tìm hiểu thêm về Calibre là gì)
  • Kính: Sapphire chống trầy xước, tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm. 
  • Đường kính mặt số: 40mm.
  • Chất liệu vỏ và dây đeo: Thép không gỉ chống ăn mòn, chống trầy xước và hầu như không thể phá vỡ. 
  • Màu mặt số: Đen.
IWC Ingenieur được xem là sự kết hợp giữa đồng hồ Royal Oak và Nautilus - Ảnh 7

IWC Ingenieur được xem là sự kết hợp giữa đồng hồ Royal Oak và Nautilus

4. Seiko Credor Locomotive (1979)

Seiko Credor Locomotive (1979) là một chiếc đồng hồ đặc biệt của thương hiệu Seiko đến từ Nhật Bản với hình dạng hình lục giác đặc trưng. Từ mặt số, vỏ cho đến dây đeo, đều được lấy cảm hứng từ hình dáng của đầu máy xe lửa. Tạo ra một sự kết hợp mạnh mẽ và sang trọng.

Mọi chi tiết trên Seiko Credor Locomotive đều được chăm chút tỉ mỉ, từ hoa văn trên mặt số cho đến đường hoàn thiện trên gờ và dây đeo. Không chỉ là thể hiện sự tinh tế, sự độc đáo thông qua thiết kế, mà Credor Locomotive còn tạo ra một kết hợp tuyệt vời giữa công nghệ và thẩm mỹ, làm hài lòng cả những người yêu thích nghệ thuật cũng như người đam mê đồng hồ.

Thông số kỹ thuật: 

  • Bộ máy: Quartz (sử dụng năng lượng pin để hoạt động).
  • Kính: Sapphire chống trầy và chống ăn mòn tốt. 
  • Đường kính mặt số: 38mm.
  • Chất liệu vỏ và dây đeo: Thép không gỉ giúp hạn chế gỉ sét, tăng độ bền.
  • Màu mặt số: Đen. 
  • Mức độ chống nước: 10ATM – có thể chịu được áp suất nước tương đối, phù hợp để sử dụng trong các hoạt động hàng ngày và thể thao nhẹ.
Mọi chi tiết trên Seiko Credor Locomotive đều chăm chút tỉ mỉ làm nên một tác phẩm nghệ thuật đồng hồ vào năm 1979  - Ảnh 8

Mọi chi tiết trên Seiko Credor Locomotive đều chăm chút tỉ mỉ làm nên một tác phẩm nghệ thuật đồng hồ vào năm 1979

Xem thêm: Review đồng hồ Seiko Credor chính hãng A-Z

5. Cartier Pasha (1985)

Cartier Pasha đã đánh dấu một bước ngoặt đầy mạnh mẽ trong lịch sử của thương hiệu. Khác biệt hoàn toàn so với các mẫu trước đó của Cartier, Pasha đã mang đến một phong cách mới lạ và độc đáo.

Được giới thiệu vào năm 1985, Cartier Pasha đã nhanh chóng thu hút sự chú ý với việc sản xuất phiên bản hạn chế từ chất liệu vàng. Điểm đặc biệt của Pasha là việc loại bỏ ống kính cyclops trên cửa sổ hiển thị ngày đã tạo ra một vẻ đẹp độc đáo và phong cách. 

Ngoài ra, Cartier Pasha còn có các biến thể với chức năng GMT và bấm giờ Chronograph, làm nên một chương mới trong câu chuyện độc đáo của dòng đồng hồ này.

Thông số kỹ thuật:

  • Bộ máy: Automatic 
  • Kính: Kính sapphire chịu va đập tốt, giúp bảo vệ mặt số khỏi trầy xước và hao mòn.
  • Đường kính mặt số: 38mm 
  • Chất liệu vỏ: Thép không gỉ 
  • Dây đeo: Làm từ chất liệu da. 
  • Màu mặt số: Trắng.
  • Mức độ chống nước: 10ATM – con số phù hợp cho hoạt động bơi lội cũng như đời sống hằng ngày.
Tạp chí Cartier đăng tải hình ảnh thiết kế của Cartier Pasha lên trang bìa của họ - Ảnh 9

Tạp chí Cartier đăng tải hình ảnh thiết kế của Cartier Pasha lên trang bìa của họ

6. Genta Mickey

Genta Mickey là một tác phẩm nghệ thuật sống động, mang đậm dấu ấn sáng tạo của nhà thiết kế đồng hồ Gerald Genta tài ba. Với mặt số vô cùng độc đáo, thường là hình ảnh của nhân vật Mickey Mouse – biểu tượng vui nhộn, gần gũi của thế giới Disney, chiếc đồng hồ đã thành công trong việc kể lên câu chuyện của Walt Disney cũng như mang lại nhiều hình ảnh vui nhộn trên mặt số. 

Bên cạnh thiết kế độc đáo, thì trong chế tác của Genta Mickey cũng không kém phần ấn tượng. Từ vỏ đến dây đeo, mỗi chi tiết đều được chăm chút kỹ lưỡng và đều được sử dụng các vật liệu chất lượng nhằm đảm bảo độ bền, thẩm mỹ của sản phẩm.

Thông số kỹ thuật: 

  • Bộ máy: Automatic. 
  • Kính: Thép không gỉ giúp tăng cường độ bền và làm sáng bóng cho sản phẩm. 
  • Đường kính mặt số: 41mm.
  • Chất liệu vỏ: Thép không gỉ.
  • Màu mặt số: Xà cừ
  • Dây đeo: Dây đeo da có màu đen/xanh.
  • Mức độ chống nước: 10ATM.
Thiết kế mới lạ của chiếc đồng hồ Genta Mickey đặc biệt ấn tượng khi sử dụng gậy golf làm kim giờ - Ảnh 10

Thiết kế mới lạ của chiếc đồng hồ Genta Mickey đặc biệt ấn tượng khi sử dụng gậy golf làm kim giờ

7. Gerald Genta Grande Sonnerie

Gerald Genta Grande Sonnerie được ra mắt vào năm 1994 là biểu tượng của sự tinh tế và hoàn hảo trong thế giới đồng hồ. Không chỉ đánh dấu một bước tiến lớn trong công nghệ chế tạo mà còn là biểu tượng của sự xa xỉ, đẳng cấp.

Với hơn 800 bộ phận được lắp ráp một cách tinh xảo, bộ máy của chiếc đồng hồ này đã thể hiện rõ một sự kỳ công trong thiết kế cũng như trở thành nghệ thuật trong chế tác đỉnh cao lúc bấy giờ. 

Khi ra mắt, Gerald Genta Grande Sonnerie đã chinh phục giới hoàng gia với giá bán lên đến khoảng 900.000 đô la Mỹ, tương đương khoảng 1,5 triệu đô la Mỹ ngày nay. Điều này làm nổi bật sự hiếm có, sang trọng của chiếc đồng hồ này, khiến nó trở thành một trong những biểu tượng của sự xa hoa và đẳng cấp.

Thông số kỹ thuật

  • Bộ máy: Automatic.
  • Kính: Sapphire tăng độ bền và độ sáng bóng cho mặt số. 
  • Đường kính mặt số: 39mm.
  • Chất liệu vỏ: Vàng hồng 18k. 
  • Dây đeo: Vàng hồng 18k. 
  • Màu mặt số: Màu xà cừ.
  • Mức độ chống nước: 3ATM – chống nước cơ bản và hạn chế sử dụng ở các hoạt động dưới nước. 
Chiếc đồng hồ này đạt đến mức độ hoàn hảo về cả mặt kỹ thuật và trang trí, đủ thuyết phục để làm hài lòng những người đam mê đồng hồ khó tính nhất - Ảnh 11

Chiếc đồng hồ này đạt đến mức độ hoàn hảo về cả mặt kỹ thuật và trang trí, đủ thuyết phục để làm hài lòng người đam mê đồng hồ khó tính nhất

8. Gerald Charles Maestro

Sau khi bán thương hiệu đầu tiên mang tên mình, Gérald Genta đã thành lập Gerald Charles – nơi ông có thể thể hiện tài năng và đam mê của mình một cách hoàn hảo vào năm 2000. 

Và Gerald Charles Maestro đánh dấu sự thành công của ông một lần nữa khi kết hợp giữa sự tinh tế và hình dạng của vỏ Maestro –  được lấy cảm hứng từ kiến trúc baroque độc đáo của Rome đã trở thành một trong những tác phẩm độc đáo nhất của ông tại thời điểm đó. Mỗi chi tiết của Maestro là một biểu tượng của sự tinh tế, sự sang trọng, tạo nên chiếc đồng hồ kiệt xuất và độc đáo không thể nhầm lẫn.

Maestro là thiết kế mà Federico Ziviani - Tổng Giám Đốc của Gerald Charles đương thời đã chọn để đánh dấu sự tái sinh của thương hiệu vào năm 2020 - Ảnh 12

Maestro là thiết kế mà Federico Ziviani – Tổng Giám Đốc của Gerald Charles đương thời đã chọn để đánh dấu sự tái sinh của thương hiệu vào năm 2020

Thông số kỹ thuật của phiên bản mới:

  • Bộ máy: Automatic – dự trữ năng lượng lên đến 50 giờ.
  • Kính: Sapphire.
  • Đường kính mặt số: 39mm.
  • Chất liệu vỏ: Vàng hồng 18k. 
  • Dây đeo: Cao su màu xanh hoàng gia và khóa cài bằng vàng hồng 18k.
  • Màu mặt số: Màu xanh hoàng gia
  • Mức độ chống nước: 10ATM.

9. The Bulgari Roma (Bulgari Bulgari)

Bvlgari đã chọn Gerald Genta để đánh dấu sự ra mắt của một thiết kế mới hoàn toàn, đó là Bvlgari Roma – được Genta chuyển thể từ phiên bản Bulgari-Bulgari và ra mắt vào năm 1977. Theo Hiệp hội Di sản Gerald Genta, mẫu Bulgari-Bulgari được lấy cảm hứng từ một đồng xu La Mã cổ đại và đã trở thành biểu tượng của Bvlgari cũng như tạo ra nhiều ảnh hưởng sâu rộng đối với phong cách của nhiều thương hiệu khác. 

Trải qua nhiều năm phát triển, Bulgari Bulgari đã có nhiều sự cải tiến và thay đổi không ngừng. Tuy nhiên, vòng bezel với tên thương hiệu Bulgari kép vẫn không thay đổi, đồng thời trở thành một biểu tượng trường tồn theo thời gian.

Dù hướng đi của nó có chút thể thao hơn so với nguyên mẫu nhưng sự sang trọng, đẳng cấp vẫn là linh hồn của Bulgari Bulgari – một kiệt tác của Gerald Genta và không bao giờ mất đi dù trong bất kỳ bản cải tiến nào. 

Bulgari Bulgari năm 1977 (trái) và chiếc đồng hồ kỹ thuật số sang trọng năm 1975  - Ảnh 13

Bulgari Bulgari năm 1977 (trái) và chiếc đồng hồ kỹ thuật số sang trọng năm 1975

10. Bulgari Octo

Phiên bản gốc của Octo ra đời từ sự sáng tạo của nhà thiết kế đồng hồ Gerald Genta và được coi là một trong những đỉnh cao của sự táo bạo trong lịch sử đồng hồ. Khi thương hiệu của Gérald Genta được Bulgari mua lại vào năm 2000, Octo chính thức trở thành một phần của danh mục sản phẩm của thương hiệu này. Dòng đồng hồ Octo hiện nay không chỉ kế thừa tinh hoa từ người tiền nhiệm mà còn tiếp tục tạo ra ấn tượng mạnh mẽ với thiết kế độc đáo và tinh tế của riêng mình.

Tuy có vài điểm thay đổi nhưng phiên bản mới của Bulgari Octo trong những năm gần đây vẫn giữ những đường nét đặc trưng trong thiết kế của Gérald Genta  - Ảnh 14

Tuy có vài điểm thay đổi nhưng phiên bản mới của Bulgari Octo trong những năm gần đây vẫn giữ nhiều đường nét đặc trưng trong thiết kế của Gérald Genta

Kết luận

Công việc của Gérald Genta không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các sản phẩm độc đáo mà còn đánh dấu một thời kỳ mới trong ngành công nghiệp đồng hồ, nơi sự sáng tạo và tinh thần phi thường của ông vẫn được tôn vinh cũng như nhớ đến cho đến ngày nay.

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *