Xu hướng trang sức đính đá đang dần chiếm ưu thế với sự lên ngôi của đá Cubic Zirconia (đá CZ). Không chỉ sở hữu vẻ đẹp lấp lánh, chúng còn mang đến một làn gió mới giúp bạn luôn nổi bật và thời thượng. Bạn muốn biết vì sao loại đá này lại được yêu thích đến vậy? Câu trả lời sẽ khiến bạn bất ngờ …
MỤC LỤC › Đánh giá chất lượng đá CZ theo tiêu chuẩn 4C › So sánh với Moissanite, ECZ và kim cương › Giải đáp các thắc mắc thường gặp về đá CZ |
Đá CZ là gì?
Đá CZ hay còn gọi là đá Cubic Zirconia, một loại đá quý tổng hợp ở dạng tinh thể hình khối của Zirconium Dioxide. Đá Cubic Zirconia cực kỳ hiếm, có thể tìm thấy trong tự nhiên dưới dạng các tinh thể nhỏ trong oxit Zirconium hiếm (ZrO2 hoặc Zirconia) và Zircon (ZrSiO4).
Chính vì hình thức tự nhiên của CZ rất hiếm nên tất cả các loại đá này trên thị trường hiện nay đều là đá nhân tạo, tức chúng được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và được kiểm soát theo từng nhà sản xuất.
Phương pháp tiêu chuẩn tạo đá là nấu chảy bột oxide Zirconium cùng một vài chất ổn định như Magie và Canxi ở 5000 độ Fahrenheit trong buồng kim loại. Lượng của từng nguyên tố được điều chỉnh cẩn thận và bổ sung các thành phần để tạo ra kết quả giống với kim cương thật.
Sau đó, đá được cắt và định hình theo nhiều cách khác nhau, như hình lục giác, bầu dục, quả lê …
Cubic Zirconia là một loại đá mô phỏng kim cương, trông giống kim cương tự nhiên, nhưng được làm bằng vật liệu khác
Từ những thí nghiệm đầu tiên vào năm 1937 cho đến khi trở thành viên đá quý được yêu thích nhất vào những năm 1970, hành trình của đá CZ là một câu chuyện đầy thú vị về sự phát triển và đổi mới, phá vỡ bầu không khí ảm đạm của ngành công nghiệp kim hoàn đá quý xa xỉ chỉ dành cho giới thượng lưu.
Đánh giá chất lượng đá CZ theo tiêu chuẩn 4Cs
Để đánh giá chất lượng của đá CZ, các nhà khoa học dựa vào 4 yếu tố chính giống như khi đánh giá kim cương: Giác cắt có đẹp mắt không? Màu sắc có trong suốt không? Có vết xước hay tạp chất nào không? Và nặng bao nhiêu? Tất cả điều này được khái quát thành tiêu chuẩn 4Cs.
Vào những năm 1940, người sáng lập Viện Ngọc Học Hoa Kỳ (GIA) là Robert M. Shipley lần đầu tiên đưa ra cụm từ “4Cs của chất lượng kim cương” nhằm giúp học viên của mình ghi nhớ bốn yếu tố đặc trưng của một viên kim cương, đá quý cắt cạnh. Khái niệm này rất đơn giản, nhưng kết quả lại làm thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp đá quý và trang sức quốc tế.
1. Cut Grade – Mặt cắt
Một viên đá được cắt mài hoàn chỉnh sẽ trở nên lấp lánh hơn nhiều so với những viên được cắt qua loa. Đá có màu sắc đẹp, độ tinh khiết cao nhưng cắt mài kém thì không có giá trị cao. Vì đá Cubic Zirconia là đá nhân tạo nên chúng có thể được cắt theo cùng cách như kim cương thật.
Kỹ thuật cắt mài là một yếu tố quan trọng để xác định giá trị của một viên đá và kỹ năng của người cắt đá đóng vai trò tối cao đối với khả năng tán sắc của chúng.
Mức độ tinh xảo của việc cắt được quyết định bởi độ chói, độ lấp lánh và độ phát lửa. Kiểu cắt của đá liên quan đến cách đá tương tác với ánh sáng.
Thuật ngữ như hình bầu dục ám chỉ hình dạng hoặc đường viền của đá thì kiểu cắt mô tả thiết kế tổng thể của đá, bao gồm cách sắp xếp và tỷ lệ các mặt.
Hiện nay, cách cắt đá Cubic Zirconia phổ biến nhất là cắt 57 mặt, với 33 mặt ở phẩn trên và 24 mặt ở phần dưới
Cấp độ cắt chỉ được áp dụng cho đá cắt tròn sáng bóng vì đây là kiểu cắt duy nhất có các mặt cắt chuẩn hóa. Tất cả các hình dạng khác được gọi là hình dạng lạ mắt (fancy cut), bao gồm hình marquise, hình ngọc lục bảo, hình quả lê, hình bầu dục, hình trái tim và thậm chí cả hình tam giác.
Các thành phần chính của một viên đá tròn sáng bóng tiêu chuẩn, từ trên xuống dưới, là vương miện, vành đai và mái vòm. Mỗi viên cắt tròn sáng bóng có 57 hoặc 58 mặt, mặt thứ 58 là một mặt phẳng nhỏ ở dưới cùng của mái vòm được gọi là culet. Mặt phẳng lớn ở trên cùng là mặt bàn.
2. Clarity Grade – Độ tinh khiết
Đá Cubic Zirconia càng trong thì càng có giá trị. Về mặt thị giác, hầu hết chúng khi được tìm thấy trên thị trường đều khá sạch và có thể không thấy bất kỳ khuyết điểm nào.
Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất nhân tạo, đá có thể bị vẩn đục, trầy xước làm ảnh hưởng đến khả năng quang học và bị giảm giá trị. Chỉ những viên không lẫn tạp chất, vết rạn, xước, màu trong mới có giá trị. Ngược lại, những viên đá độ tinh khiết kém không có giá trị, hoặc giá trị rất thấp
Để đánh giá một viên đá có tạp chất hay không, các chuyên phải dùng kính lúp có độ phóng đại gấp 10 lần.
Theo GIA, thang đo độ tinh khiết của đá Cubic Zirconia được chia thành 6 nhóm với 11 cấp độ:
- FL: hoàn hảo không tì vết. Chuyên gia phân cấp khi dùng kính lúp phóng to gấp 10 lần hầu như không thể nhận thấy những khuyết điểm.
- IF: hoàn hảo. 100% tinh khiết như FL ở bên trong nhưng sẽ bị những bụi nhỏ bám ở bề mặt bên ngoài.
- VVS (VVS1 & VVS2): khiếm khuyết rất rất nhỏ. Ngay cả chuyên gia rất khó khăn để nhận ra khuyết điểm dưới kính lúp 10x. Người bình thường phải dùng kính hiển vi để nhìn thấy khiếm khuyết.
- VS (VS1 & VS2): khiếm khuyết rất nhỏ. Người không chuyên rất khó để nhìn thấy khuyết điểm bằng mắt thường.
- SI (SI1 & SI2): khiếm khuyết nhỏ. Chuyên gia có thể dễ dàng nhận thấy khiếm khuyết bằng mắt thường. Người bình thường đôi khi cũng có thể nhìn thấy bằng mắt thường và dễ dàng khi dùng kính lúp 10x.
- I (I1, I2 & I3): khiếm khuyết rõ ràng. Người không được huấn luyện cũng có thể nhìn thấy khiếm khuyết.
Độ tinh khiết được đánh giá dựa trên số lượng và kích thước tạp chất có trong viên đá sau khi đã mài cắt
3. Color Grade – Màu sắc
Đá Cubic Zirconia trong suốt được đánh giá cao hơn so với đá có màu. Hầu hết chúng là đá trắng và giống với kim cương không màu.
Chúng cũng có nhiều màu sắc khác nhau như màu hoa oải hương, tím, vàng, xanh lá cây, xanh nước biển, màu sâm panh. Trong đó, màu hồng là một trong những màu đá CZ phổ biến và được săn đón nhất khi nói đến đồ trang sức.
Theo GIA, màu sắc của đá được đánh giá theo thang màu từ D – Z tương ứng giá trị giảm dần. Những viên D, E, F có màu sắc tương tự nhau, chỉ khác nhau tiêu chuẩn AGS (Hiệp hội đá quý Hoa Kỳ) nhưng giá trị của chúng lại chênh nhau rất nhiều.
Mỗi chữ cái đại diện cho một dải màu hẹp không phải một điểm màu, vì vậy hai viên có cùng cấp màu có thể có sự khác biệt nhỏ về độ sâu màu
Chất lượng vật liệu bổ sung được sử dụng trong quá trình sản xuất ảnh hưởng đến màu sắc của đá. Những viên đá màu này được đánh giá riêng về độ đồng đều và cường độ màu.
4. Carat Weight – Trọng lượng
Trọng lượng của CZ là một yếu tố khác quyết định xếp hạng của nó. Một viên đá có trọng lượng lớn hơn sẽ có giá trị hơn so với các viên có kỹ thuật cắt tốt, độ tinh khiết cao, màu sắc trong.
Cubic Zirconia được đánh giá theo trọng lượng hoặc kích thước carat.
Một carat bằng 0.2 gam hay 200 miligram.
Ngoài ra, đơn vị carat còn được quy đổi ra point với những viên đá nhỏ hơn 1 carat. Như vậy, 1 carat = 100 point.
Một viên CZ cắt mài chuẩn có trọng lượng 1 carat thì kích thước là 6.5 mm.
Bảng tham chiếu trọng lượng và kích cỡ của các hình dạng đá khác nhau (Nguồn: Bluenile)
So sánh với Moissanite, ECZ và kim cương
Bạn đang tìm kiếm một viên đá quý hoàn hảo cho chiếc nhẫn, dây chuyền, đôi bông tai của mình nhưng phân vân chưa biết chọn loại nào? Bảng so sánh sau đây giúp bạn so sánh các loại đá CZ, Moissanite, ECZ và kim cương một cách rõ ràng, từ đó đưa ra lựa chọn phù hợp với sở thích và ngân sách của mình.
Đặc điểm | CZ | Moissanite | ECZ | Kim cương |
Nguồn gốc | Năm 1973, các nhà khoa học tại viện vật lý Lebedev ở Moscow tạo ra loại đá CZ tổng hợp gần như là tốt nhất để thay thế kim cương. | Moissanite được phát hiện lần đầu vào năm 1893 bởi nhà khoa học Henri Moissan trong lúc ông nghiên cứu mẫu đá từ miệng thiên thạch Canyon Diablo. | Đá ECZ là một phiên bản nâng cấp của CZ, được sản xuất từ Zirconium Dioxide và có cấu trúc tinh thể giống kim cương. | Kim cương không có nguồn gốc từ bề mặt Trái đất, chúng hình thành ở nhiệt độ cao và áp lực xảy ra khoảng 100 dặm dưới bề mặt của Trái đất. |
Màu sắc | Vô cùng đa dạng | Không màu, xanh lục, xanh lam, đen, vàng, vàng ánh xanh | Đỏ, xanh dương, tím, cam và nhiều màu khác | Không màu, xanh dương, xanh lá cây, cam, đỏ, tía, hồng, vàng, nâu và cả đen |
Độ dẫn nhiệt(W m-1oC-1) | Rất kém, 5 | Tốt | Kém | Cao, lên đến 1000-2600 |
Độ dẫn điện | Cách điện | Dẫn điện | Cách điện | Cách điện |
Độ cứng Mohs | 8 – 8.5 | 9.5 | 8 – 8.5 | 10 |
Độ tán sắc | 2.15 – 2.18 | 2.65 – 2.67 | 2.15 – 2.18 | 2.417 |
Giá thành | Rẻ | Phải chăng | Rẻ | Đắt đỏ |
Giải đáp các thắc mắc thường gặp về đá CZ
Mặc dù sở hữu vẻ đẹp lấp lánh khó cưỡng, đá CZ vẫn còn nhiều điều khiến bạn băn khoăn khi muốn sở hữu. Hãy cùng Hải Triều hóa giải những thắc mắc thường gặp nhất về loại đá này.
Cubic Zirconia mang vẻ đẹp và sở hữu các đặc tính quang học, vật lý, hóa học … không thua kém viên kim cương thiên nhiên
1. Đá CZ giá bao nhiêu?
Sở hữu các đặc tính nổi bật tương đồng với kim cương, nhưng mức giá của đá cực kỳ phù hợp với túi tiền của người dân Việt Nam. Hiện nay, đá CZ đang được bán với mức 500.000 đồng/carat. Giá tiền của đá tỷ lệ thuận với trọng lượng của nó.
Dù không phải kim cương nhưng với chất lượng tốt nên đây là sự lựa chọn thay thế tốt nhất dành cho chị em phụ nữ. Nếu muốn tiết kiệm chi phí nhất có thể, hãy lựa chọn trang sức bạc có gắn loại đá này nhé.
Sử dụng món đồ đính đá này đem lại cảm giác như dùng kim cương chính hiệu, hứa hẹn mang lại sự tự tin khi trưng diện.
2. Đá CZ có bán lại được không?
Câu trả lời là có thể bán lại được, nhưng giá trị của nó thường không ổn định và có thể giảm đi so với giá mua ban đầu.
Giá bán lại phụ thuộc nhiều vào nơi bạn bán và người mua đánh giá như thế nào về kiểu dáng, thương hiệu, tình trạng hiện tại của chúng. Đá CZ còn mới, không bị trầy xước, và trang sức còn nguyên vẹn sẽ có giá bán lại cao hơn.
Bạn nên tìm đến cửa hàng chuyên mua bán trang sức cũ hoặc các sàn giao dịch trực tuyến uy tín để bán lại. Trước khi bán, hãy tìm hiểu giá cả của mẫu trang sức tương tự trên thị trường để có mức giá bán hợp lý.
3. Đá CZ có bị mờ không?
Khả năng bị mờ đục của đá Cubic Zirconia là rất thấp. Tuy nhiên, việc bảo quản đúng cách là yếu tố quan trọng để giữ cho đá luôn đẹp và sáng bóng.
Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu về đá Cubic Zirconia và cách phân biệt chúng với các loại đá quý khác, Hải Triều chúc bạn bỏ túi được thông tin hữu ích và tự tin chọn lựa được món trang sức đính đá phù hợp.
Tin tức mới nhất về Thuật ngữ trang sức:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đá Citrine thạch anh vàng là gì? Bảng màu, tác dụng, ý nghĩa
Khắc laser trang sức: Dấu ấn trường tồn hay vết sẹo vĩnh viễn?
Đá Ruby hồng ngọc là gì? Các loại đá ruby, ý nghĩa, tác dụng
Thợ kim hoàn là gì? “Ông tổ” nức tiếng ngành kim hoàn là ai?
Kim hoàn là gì? Cảm nghiệm vẻ đẹp vùng đất kim hoàn bất tận
Emerald – ngọc lục bảo là gì? Bảng màu, ý nghĩa & công dụng
Jewelry là gì? Cẩm nang dẫn đường trong thế giới trang sức
Bạc nguyên chất là gì? Phân biệt với 6 loại bạc phổ biến
THẢO LUẬN