12 kiểu dây đồng hồ kim loại nổi tiếng nhất thế giới

Đồng hồ dây kim loại có rất nhiều, các kiểu dây đồng hồ kim loại cũng đa dạng không kém, nổi tiếng nhất sẽ là Oyster, President, Jubilee, Beads of Rice, Twist-O-Flex, H-link,… Kiểu nào tốt? Kiểu nào đẹp? 12 kiểu dây và ý nghĩa đằng sau cái tên là gì, khám phá ngay sau đây.

MỤC LỤC

› 12 kiểu dây đồng hồ kim loại nổi tiếng và ý nghĩa tên gọi của chúng

1. Dây Oyster

2. Dây Jubilee

3. Dây President

4. Dây Milanese

5. Dây Beads of Rice

6. Dây Royal Oak

7. Dây Bonklip

8. Dây Twist-O-Flex

9. Dây H-link

10. Dây Shark Mesh

11. Dây Engineer

12. Dây Ladder

› Dây đồng hồ kim loại cao cấp trong dòng lịch sử

› Dây da có thể thay thế cho dây kim loại hay không?

12 kiểu dây đồng hồ kim loại nổi tiếng và ý nghĩa tên gọi của chúng

Các kiểu dây đồng hồ kim loại cao cấp nổi tiếng nhất thế giới gồm: Oyster, President, Jubilee, Milanese, Beads of Rice, Royal Oak, Bonklip, Twist-O-Flex, H-link, Shark Mesh, Engineer, Ladder.

Sau đây chúng ta sẽ cùng phân tích sâu hơn về các loại dây đồng hồ kim loại nam, nữ này. Từ đó có thể biết được tại sao nhiều hãng lại sử dụng dáng dây đeo đồng hồ kim loại này cho sản phẩm của mình.

YouTube video

Tất tần tật về các loại dây đồng hồ phổ biến trên thị trường

Nhìn chung, cái tên thường sẽ có liên quan đến hình dáng, chức năng, câu chuyện lịch sử. Nắm được tên gọi, chúng ta không chỉ mua được dây thay thế như dây gốc mà còn chọn được loại tốt hơn cho nhu cầu riêng.

1. Dây Oyster

Dây Oyster do Rolex phát minh (sản xuất bởi Gay Frères), đăng ký bằng sáng chế vào năm 1947 và xuất hiện lần đầu trước công chúng năm 1948. Chữ Oyster có nghĩa là hàu, ám chỉ khả năng chịu nước so với các loại dây khác.

Có thể nói, Rolex Oyster chính là kiểu dây kim loại trên đồng hồ nổi tiếng nhất, mang tính biểu tượng nhất trong lịch sử đồng hồ thế kỷ 20 và 21. Hầu hết các kiểu dây kim loại hiện đại đều có cấu tạo như Oyster.

Nhìn bên ngoài, dây này được cấu tạo từ 3 dải mắt dây, dải ở giữa tương đối to, 2 dải bên ngoài thon dài, tất cả đều có dáng cong để ôm sát cổ tay. Đến hiện tại, dây Oyster đã trải qua nhiều lần cải tiến so với bản gốc nhằm tăng độ bền.

Ban đầu, chốt đinh tán được dùng để kết nối mắt dây, mắt dây mỏng. Sau lại đổi sang mắt dây thép gấp dày hơn, chốt dẹp tích hợp.

Các kiểu dây đồng hồ kim loại - dây Oyster của Rolex - ảnh 1

Các kiểu dây đồng hồ kim loại như Oyster đặc trưng với 3 dải dây ghép nối với dải giữa lớn hơn

Cuối cùng, mới là hình thức Rolex Oyster thường gặp ngày nay: Mắt dây bằng thép không gỉ 904L nguyên khối dày, chốt vít.

Hiện tại, dây được xếp vào đội ngũ dây kim loại dành cho đồng hồ thể thao, đồng hồ lặn. Chúng không chỉ phổ biến ở Rolex, bạn có thể dễ dàng mua được trên hầu hết các thương hiệu đồng hồ hoặc thương hiệu chuyên làm dây đồng hồ.

Hiện nay trên thị trường có ba phiên bản dây Oyster, mắt đinh tán, mắt thép gấp, mắt thép đặc tương ứng với từ trên xuống – từ trái sang.

Nếu đang cần một kiểu dây đồng hồ bằng kim loại có độ bền cao, không quá thô dày, Oyster sẽ là lựa chọn rất hiệu quả. Với phiên bản cấp thấp, giá rẻ, chốt vít sẽ được thay bằng “chốt nẹp” thông thường, độ bền có thể giảm nhưng không nhiều.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng Oyster: Hầu hết Rolex, đồng hồ lặn, đồng hồ thể thao, đồng hồ thanh lịch, đồng hồ mặt to, đồng hồ mặt vừa.

2. Dây Jubilee

Jubilee là kiểu dây đồng hồ kim loại nam đầu tiên và chính thức của Rolex, được giới thiệu vào năm 1945, trên đồng hồ Rolex Datejust nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập của họ, đó là lý do dây tên có là Jubilee, tức lễ kỷ niệm.

Cho đến hiện tại, kiểu dây này có mặt ở khắp nơi trong thế giới đồng hồ, dáng vẻ gần như không thay đổi kể từ khi ra mắt.

Đặc trưng của dây này là các mắt dây nhỏ và ngắn, chia thành 5 dải. Ở giữa là 3 dải mắt dây dài nhỏ được đánh bóng, bên ngoài là hai dải mắt dây ngắn to chải xước nhẹ. Dây có độ linh hoạt, sự sang trọng và ấn tượng do hiệu ứng tương phản đến từ trang trí bóng – xước xen kẽ.

Các kiểu dây đồng hồ kim loại - dây Jubilee của Rolex - ảnh 2

Dây Jubilee với vẻ thanh lịch, tuy nhiên, chúng dễ bị giãn nhất là dây Jubilee cổ có các mắt rỗng

So với Oyster và nhiều loại dây kim loại khác, dây Jubilee thiên về phong cách cổ điển, thanh lịch. Vẻ ngoài sáng bóng cuốn hút của kim loại, sự bền bỉ nhưng vẫn sang trọng.

Nếu dùng trong thể thao, nó vẫn đáp ứng được. Tuy nhiên, khuyết điểm dễ thấy là các mắt dây bị giãn, lỏng lẻo sau một thời gian sử dụng nhất định.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng Jubilee: Rolex Datejust (và hầu hết Rolex), đồng hồ cổ điển, đồng hồ thanh lịch, đồng hồ thể thao, đồng hồ mặt vừa.

3. Dây President

Dây President cũng được phát minh bởi Rolex, họ ra mắt nó vào năm 1956 với tư cách là dây đeo chuẩn cho dòng mới Day-Date. Truy tìm nguồn gốc tên gọi, dĩ nhiên, dây Rolex President thực sự gắn liền với các vị tổng thống Mỹ, với câu chuyện khá dài.

Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ là D. Eisenhower đã được Rolex dành ngay chiếc đồng hồ 18K dây Jubilee nhân dịp kỷ niệm chiếc đồng hồ đạt chuẩn Chronometer thứ 150.000 vào năm 1951.

Nắp đáy của đồng hồ khắc “DDE” và năm sao tượng trưng cho cấp bậc Thống tướng của ông. Sau đó ít lâu, Rolex bắt đầu các chiến dịch quảng cáo với hình ảnh của Thống tướng Eisenhower đeo chiếc Datejust trên.

Đến năm 1953, khi Eisenhower trở thành tổng thống, đó là lúc Rolex bắt đầu làm đồng hồ hoàn toàn mới, thực sự dành riêng cho tổng thống. Họ ra mắt nó vào năm 1956 với tên gọi Day-Date, riêng dây gọi hẳn là President.

Lẽ ra, John F. Kennedy có thể là vị tổng thống đầu tiên sử dụng chiếc đồng hồ đầu tiên mà Rolex gọi là President khi Marilyn Monroe-người tình của ông đã gửi tặng một chiếc Rolex Day-Date vào năm 1962. Đáng tiếc là các nguồn tin đều cho biết tổng thống chưa từng dùng nó.

Vị tổng thống đầu tiên đã đeo Rolex Day-Date với bộ dây President trong thời gian làm tổng thống chính là Lyndon B. Johnson, vào năm ông đắc cử, 1963.

Năm 1966, Rolex bắt đầu quảng cáo về “đồng hồ Tổng thống”, tức Day-Date (giá bấy giờ là 1.000USD), với nội dung nhấn mạnh mối liên kết của nó với Phòng Bầu dục.

Quay lại với đặc trưng của dây President, nó gồm 3 dải mắt dây, dáng mắt ngắn hơn Oyster nhưng dài và to hơn Jubilee, điều đó cho phép nó giữ được sự linh hoạt bên cạnh vẻ sang trọng và sự lịch lãm nam tính.

Dây President nói chung thiên về phong cách cổ điển, đơn giản, điềm tĩnh, thích hợp nam giới trưởng thành, từng trải.

Cũng theo định vị của Rolex xưa nay, kiểu dây này tốt hơn cho trang phục thanh lịch nhưng nó có thể dùng trong các môn thể thao cao cấp (golf, tennis,…).

Các kiểu dây đồng hồ kim loại - dây President của Rolex - ảnh 3

Các kiểu dây đồng hồ kim loại dáng President với 3 dải, mắt ngắn, dài và to hơn

Cùng với dây Oyster, dáng vẻ và cấu trúc gọn gàng của President là một hình mẫu “chuẩn mực” cho phần lớn đồng hồ đeo tay dây kim loại tính đến thời điểm này.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng President: Rolex Day-Date (và hầu hết Rolex), đồng hồ cổ điển, đồng hồ thanh lịch, đồng hồ mặt nhỏ, đồng hồ mặt vừa.

4. Dây Milanese

Milanese là tên gọi của đồng hồ dây lưới với mắt xích nhỏ mà chúng ta rất thường gặp hiện nay. Dây được tạo ra bằng cách đan các sợi kim loại (to hơn sợi chỉ một ít) lại với nhau, vì thế chúng có độ dẻo-sự thông thoáng-nhẹ nhàng rất tuyệt vời.

Từ Milanese vốn có nghĩa là “bản địa Milan”, điều này có nghĩa là kiểu dây này xuất từ từ Milan, Ý. Theo nhiều thông tin không chính thức, kiểu dây này đã sinh ra vào thế kỷ 13, bắt nguồn từ loại giáp lưới xích mềm nhuyễn của chiến binh thời trung cổ.

Dù có lịch sử xa xưa và có liên quan đến quân sự nhưng đến tận năm 1920 trở đi thì loại dây này mới trở nên phổ biến, dân dụng thông qua sự phát triển của đồng hồ đeo tay, nhờ 5 ưu điểm:

  • Nhẹ và mỏng hơn dây kim loại thường.
  • Dáng vẻ thanh lịch hơn dây kim loại thường.
  • Thông thoáng hơi hơn dây da.
  • Tuổi thọ cao hơn dây da.
  • Có vẻ ngoài ánh kim bắt mắt.
Các kiểu dây đồng hồ - dây Milanese - ảnh 4

Kiểu dây lưới mỏng thường dùng ở dòng đồng hồ thời trang

Dây Milanese còn có tên khác là “mesh”, nghĩa là lưới. Với nhiều ưu điểm và sự khác biệt, dây lưới (Milanese) thường tách riêng ra khỏi nhóm dây kim loại. Chúng cùng với dây kim loại nói chung, dây da là 3 loại dây phổ biến nhất hiện nay.

Có thể nói, dây Milanese là lựa chọn hàng đầu bởi có được ưu điểm của cả dây da và dây kim loại thông thường: Tuổi thọ cao, không gây hôi, nhẹ nhàng, thanh lịch, cổ tay nhỏ, tay ra mồ hôi nhiều.

Đổi lại, do dáng vẻ mỏng, dây Milanese thường không hợp với đồng hồ to, dày, thể thao hay vận động mạnh. Kết cấu đan lưới dễ dính bẩn nên yêu cầu chùi rửa thường xuyên với nước sạch.

Ngoài ra, một số dây lưới có PVD (mạ) màu (vàng, hồng, đen, xanh…) có thể sẽ bị phai hoặc màu bớt tươi sau một thời gian sử dụng. Cuối cùng, cũng là dạng dây lưới nhưng đan từ các sợi kim loại to sẽ có tên là Shark Mesh, chuyên dụng cho đồng hồ lặn, đồng hồ thể thao, chúng cũng đề cập trong bài này.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng Milanese: Đồng hồ cổ điển, đồng hồ thanh lịch, đồng hồ mặt nhỏ, đồng hồ siêu mỏng, đồng hồ tối giản, đồng hồ thời trang có chức năng thể thao.

5. Dây Beads of Rice

Beads of Rice được phát minh bởi Gay Frères, công ty lớn chuyên cung cấp dây đồng hồ kim loại/kim loại quý cho thương hiệu tên tuổi như: Rolex, Patek Philippe, Omega, Vacheron Constantin, TAG Heuer… trong thập niên 40-70.

Ban đầu, Beads of Rice giống với tên gọi có nghĩa là “hạt gạo” của mình, là dây được cấu thành từ các mắt nhỏ có kích thước bằng nhau, sáng bóng, trông như hạt gạo (tất nhiên là kích cỡ to hơn, căng tròn hơn).

Cấu trúc của dáng dây Beads of Rice tựa như những hạt gạo dễ dàng ôm sát cổ tay - ảnh 5

Cấu trúc tựa như những hạt gạo dễ dàng ôm sát cổ tay

Do sự linh hoạt trên cổ tay (ôm sát, nhẹ nhàng), dây Beads of Rice rất thường gặp trên đồng hồ chronograph cổ điển, đồng hồ thanh lịch trong giai đoạn 1940-1960. Tuy nhiên, kiểu dây Beads of Rice hiện đại thì lại khác.

Beads of Rice hiện đại (sau năm 1960) sẽ có hai dải mắt dây bên ngoài có dạng bản dẹp, bên trong là 5-7 dải mắt dây có hình dạng thon dài tương đối giống hạt gạo hơn kiểu Beads of Rice cổ. Điều này cho phép chúng có độ bền cao hơn theo thời gian hơn so với kiểu cũ.

Tổng thể, dây Beads of Rice hiện đại sẽ dành cho đồng hồ chronograph thể thao và đồng hồ công cụ do có tính linh hoạt, bền bỉ (ví dụ như lặn, nổi tiếng hàng đầu là các mẫu Doxa Sub).

Ngày nay, nếu bạn quan tâm đến kiểu dáng, dây Beads of Rice sẽ cung cấp vẻ ngoài tương đối cổ kính, thanh lịch do độ hiếm gặp và mỏng nhỏ. Nếu bạn quan tâm đến tính năng, công dụng chính của dây là mang lại cảm giác thoải mái khi đeo: Thoát hơi tốt, ôm sát cổ tay, nhẹ nhàng, không cồng kềnh vướng víu, độ bền cao.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng Beads of Rice: Đồng hồ cổ điển, đồng hồ thanh lịch, đồng hồ chronograph, đồng hồ phi công, đồng hồ lặn cổ điển, đồng hồ Doxa Sub cổ điển lẫn hiện đại.

6. Dây Royal Oak

Dây Royal Oak là kiểu dây tích hợp được thiết kế riêng cho đồng hồ Audemars Piguet Royal Oak bởi huyền thoại Gerald Genta (phát triển và thiết kế dây ban đầu bởi Gay Frères), giới thiệu vào năm 1972. Toàn bộ mọi thứ của chiếc đồng hồ này, bao gồm dây được xem là đã cứu cả Audemars Piguet khỏi bờ vực phá sản vào thập niên 70.

Dây không phức tạp nhưng có độ khó trong chế tạo. Gồm các “mắt ngang” chiếm toàn bộ bề rộng dây, hai dải “mắt kết nối” có hình dáng ăn khớp vào mắt dây lớn. Mắt kết nối sẽ liên kết toàn bộ mắt dây lại với nhau, tạo thành tổng thể liền mạch rất tinh tế.

Dáng dây Royal Oak trên Audemars Piguet Royal Oak - ảnh 6

Royal Oak gồm các “mắt ngang” chiếm toàn bộ bề rộng dây, hai dải “mắt kết nối” có hình dáng ăn khớp vào mắt dây lớn

Sự tinh tế của mắt “tích hợp” đã mang đến cho dây Royal Oak phong cách thể thao, khỏe khoắn nhưng rất lịch lãm. Chúng có độ hoàn thiện rất cao, khó sản xuất, dành riêng cho một dòng đồng hồ cực kỳ sang trọng. Đó chính là lý do mà dây chỉ được làm bằng thép không gỉ nhưng đã có mức giá cao ngất ngưởng, làm cả thế giới phải sửng sốt.

Nếu ngày xưa là sự khởi đầu cho sự phục hồi của các thương hiệu Thụy Sỹ sang trọng sau khủng hoảng thạch anh do Seiko gây ra. Ngày nay, toàn bộ thuộc về khái niệm “Royal Oak” đều là biểu tượng thế giới đồng hồ, của dòng thể thao sang trọng, thiết kế – cấu tạo gần như không có thay đổi nhiều kể từ khi ra mắt.

Dây Royal Oak còn có một họ hàng là dây Nautilus với mắt dây “tích hợp” (thiết kế riêng cho đồng hồ Patek Philippe Nautilus bởi Gérald Genta). Dây Nautilus ra đời sau dây Royal Oak 4 năm, cả hai được xem là đối thủ truyền kiếp khi có cùng đối tượng khách hàng: cao cấp-thể thao, có phiên bản kim loại quý.

Tất nhiên, giữa chúng vẫn có sự khác nhau. Kiểu “mắt kết nối” tích hợp của dây Royal Oak khá ít gặp (nhái) ở nơi khác ngoài Audemars Piguet do linh kiện phức tạp. 

Trong khi đó, sản phẩm của Patek vốn thuộc dạng mắt dây chữ H (H-link) đơn giản hơn, nó khá phổ biến ở các loại đồng hồ công cụ, yêu cầu độ bền cao (Chi tiết về loại dây này sẽ được đề cập ở mục 9).

Dưới góc độ lịch sử, nhờ có dây Royal Oak và dây Nautilus, những định kiến về dây đồng hồ kim loại nam thường là kém sang trọng mới dần bị xóa nhòa trong tiềm thức của chúng ta. (Trước thập niên 70, đồng hồ dây kim loại “không quý” vốn chỉ dành cho giới công nhân, thợ máy, binh sĩ, người lao động chân tay.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng Royal Oak: Audemars Piguet Royal Oak hoặc bản đồng hồ homage của nó.

7. Dây Bonklip

Bonklip là một cái tên thương mại, được công ty B.H. Britton and Son nghĩ ra, với chữ B đến từ tên công ty. Phát triển vào những năm 1920-1930, dây làm từ thép không gỉ và sản xuất hàng loạt, bởi thế, chúng có giá không cao.

Về cấu tạo, dây gồm các khung kim loại hình chữ nhật, kết nối với nhau bằng một dải thép cuộn. Độ rộng giữa mắt dây rất lớn và như nhau, vì thế, chúng đều đóng vai trò là “móc”. Lúc này, khóa (loại cài gập) có thể cài vào bất cứ “móc” nào, cho phép người dùng có thể tự chỉnh độ rộng theo ý mình một cách dễ dàng.

Nhờ có cấu tạo đơn giản, có thể dễ dàng điều chỉnh độ rộng tùy ý, dây Bonklip được quân đội ưa chuộng. Nó chọn làm dây tiêu chuẩn, trang bị cho đồng hồ Mark XI (do IWC và Jaeger-LeCoultre nhận thầu) của ‘Royal Air Force and British’ (Không quân Hoàng gia Anh) và cho Fleet Air Arm (Hạm đội Không quân Hải quân Hoàng gia Anh) trong những năm 1950-1960.

Dây Bonklip gồm các khung kim loại hình chữ nhật, kết nói với nhau bằng một dải thép cuộn - ảnh 8

Dây Bonklip gồm các khung kim loại hình chữ nhật, kết nói với nhau bằng một dải thép cuộn

Về câu chuyện phát minh, dây Bonklip có một lịch sử khá ly kỳ. Đầu tiên, ông Walter Krementz đã đăng ký bằng sáng chế tại Mỹ một kiểu dây gần giống hệt như Bonklip với tên gọi là dây Krementz vào năm 1929. Khổ nỗi, dây Krementz không tạo ra cú bứt phá nào.

Ngược lại, một người Anh là Dudley Howlitt đã lần lượt nộp bằng sáng chế tại Anh, Đức cho phát minh gần giống hệt. Nó được bán với tên Bonklip và trở nên nổi tiếng khắp châu Âu.

Ở khía cạnh kinh doanh, Dudley Howlitt sản xuất dưới tư cách là công ty kim hoàn, bởi thế, giá của dây Bonklip đắt hơn dây Krementz khoảng 10 lần. Họ còn cung cấp cả lựa chọn dây bằng vàng hoặc mạ vàng.

Bởi sự tiện dụng, kiểu dây Bonklip đã trở phụ kiện thời trang cho các quý ông, cho RAF và vô số quân nhân khác.

Dù vậy, khi bằng sáng chế hết hạn, B.H. Britton and Son (công ty sở hữu thương hiệu dây Bonklip) đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng khi Gay Frères bắt đầu sản xuất bản sao dây Bonklip (Bamboo), nhiều công ty khác của Thụy Sĩ, Pháp, Anh, Mỹ cũng lần lượt tung ra bản sao.

Cho đến nay, dây Bonklip vẫn thường xếp vào hàng ngũ dây đồng hồ kim loại nam dành cho quân sự, tất nhiên, có không ít sản phẩm dân dụng và trang sức đi kèm với nó.

Quay lại với thời điểm hiện tại, dây Bonklip vang bóng ngày xưa chỉ còn gặp trên đồng hồ cổ hoặc đồng hồ hoài cổ. Mặt khác, một số kiểu dây hiện đại được phát triển từ Bonklip thường phân hóa rõ rệt thành hai trường phái: Mềm mại trang sức (đồng hồ nữ) hoặc góc cạnh rắn rỏi (đồng hồ nam).

Đồng hồ phù hợp với dây dạng Bonklip: Đồng hồ trang sức, đồng hồ quân đội cổ điển, đồng hồ công cụ

8. Dây Twist-O-Flex

Twist-O-Flex hay còn gọi là dây chun/dây thun ở Việt Nam là kiểu dây đồng hồ kim loại nữ có thể co giãn “tức thì”, hệt như dây thun cao su. Loại dây này được phát minh bởi nhà phát minh người Đức Karl E. Stiegele và được công ty Mỹ gốc Đức Speidel mua bản quyền, ra mắt vào năm 1959.

Dây Twist-O-Flex - ảnh 9

Benrus, một thương hiệu Mỹ cao cấp, nổi tiếng với kiểu dây thun trong thập niên 60 & 70

Twist-O-Flex nghĩa là “xoắn linh hoạt thành vòng tròn (∞)”, nó còn có tên khác là “tank track” do hình dạng của nó trông giống “bánh xích xe tăng”. Trước Twist-O-Flex đã có một kiểu dây tương tự là Fixo-Flex, được sản xuất bởi công ty Đức, cũng với bản quyền mua từ Karl E. Stiegele.

Nhìn từ về ngoài, dây Twist-O-Flex gồm các thanh kim loại nằm ngang, san sát nhau, không có khóa dây. Khoảng cách giữa mỗi “mắt” đều có thể tăng khi dùng lực kéo chúng ra, nếu ngừng tác động, các mặt sẽ tự “thít chặt” lại.

Tất cả sẽ mang đến công dụng “đeo nhanh”. Bạn chỉ việc căng dây rồi xỏ tay vào, thế là xong. Vào thời của dây Twist-O-Flex, tức thập niên 60 và 70 và xem là thời thượng, hiện đại, kỳ diệu.

Để có khả năng co giãn kỳ diệu, Twist-O-Flex có cấu tạo rất phức tạp. Nếu bạn cần điều chỉnh độ rộng, e rằng phải cần đến một chuyên gia. Muốn “cắt mắt” kiểu dây này, người thợ cần phải có sự hiểu biết, khéo léo và đủ công cụ chuyên dụng.

Quay lại với loại đồng hồ sử dụng dây Twist-O-Flex, với xuất xứ Mỹ, Twist-O-Flex và phiên bản tương tự rất được ưu ái bởi hầu hết thương hiệu đồng hồ Mỹ: Benrus, Bulova, Hamilton, Waltham, Elgin, Movado,…

Và cũng nhờ khả năng co giãn kỳ diệu, không ít hãng Thụy Sỹ như: Lecoutre, Longines, Croton, Cyma, Wittnauer,… cũng tham gia trang bị Twist-O-Flex cho đồng hồ của mình. Nhưng, chính sự phức tạp đã tạo thành công này lại là nguyên nhân của sự thoái trào. Trong khoảng 10 năm sau đó, Twist-O-Flex và các họ hàng của nó đã bị những kiểu dây tiện dụng hơn vượt mặt.

Thời nay, gần như chỉ còn Hamilton Thin-O-Matic còn trọng dụng những biến thể của kiểu “dây chun” ngày xưa. Còn bản khác, kể cả dây của Speidel chỉ là tùy chọn để thay thế từ bên thứ ba, dù vẫn được đánh giá cao bởi người sưu tập đồng hồ cổ, người yêu thích sự khác biệt và độc đáo trên đồng hồ đeo tay.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng Twist-O-Flex: Hamilton Thin-O-Matic, đồng hồ trang sức, đồng hồ cổ điển, đồng hồ thanh lịch, đồng hồ cổ, Apple watch (với adapter phù hợp).

Dây Twist-O-Flex của Apple - ảnh 10

H-link là một kiểu dây đồng hồ kim loại cao cấp hiện đại, đặc trưng của nó là sự bền bỉ do kết cấu mất dây tạo thành từ nguyên khối thép đặc (dây Nautilus là một thành viên của kiểu H-link). 

Cấu tạo của dây gồm các “mắt hình chữ H” và “mắt kết nối hình chữ nhật” liên kết “mắt chữ H” lại với nhau. Do cả hai thường có cỡ to, nên số lượng mắt của kiểu dây này khá ít, tính linh hoạt không cao.

Dây H-Link - ảnh 11

Kiểu dây Royal Oak được ứng dụng trên một số mẫu đồng hồ Doxa

Đổi lại, với kết cấu “tích hợp” chữ H, lực kéo lên chốt dây (phần yếu nhất của dây) sẽ giảm đi rất nhiều, từ đó, H-link cực kỳ cực kỳ bền, gần như không “giãn” sau thời gian dài sử dụng, không dễ dàng gãy chốt khi có lực kéo mạnh.

Mặc dù loại dây này đã có từ lâu nhưng kích thước lớn đã làm hạn chế sự phát triển của chúng. Cho đến hiện tại, trừ dây Nautilus và một số loại dây H-link thanh mảnh được thiết kế cho đồng hồ trang sức, hầu hết dây chữ H đều chỉ thấy trên đồng hồ công cụ (lặn, kỹ sư, lính cứu hỏa, thợ máy, …), Sinn là một cái tên nổi bật trong đó.

Ngoài thương hiệu đồng hồ, một số công ty chuyên làm dây kim loại cũng cung cấp các lựa chọn dây chữ H riêng. Nếu có nhu cầu về một chiếc dây thể thao siêu bền, đơn giản, không quá thô kệch, có lẽ, bạn nên ưu tiên dây H-link trước hết.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng H-link: Đồng hồ thể thao, đồng hồ công cụ, đồng hồ lặn, đồng hồ có vẻ ngoài to lớn và nam tính.

10. Dây Shark Mesh

Shark Mesh là một dạng dây lưới (mesh) do Omega tạo ra cho thiết kế đồng hồ lặn Seamaster Ploproof 600m giới thiệu năm 1970, họ gọi nó là “Shark-Proof” – Chống cá mập cắn. Sau này, người ta mới gọi dây với cái tên là Shark Mesh do sự phổ biến trong toàn thế giới đồng hồ.

Về hình thức, dây được phát triển từ dây Milanese nhưng để có độ bền cao kết hợp sự linh hoạt, lưới đan từ sợi kim loại dày và to hơn nhiều so với bất cứ dây dạng lưới nào trước đó. Hơn thế, dây còn mang đến độ thông thoáng tuyệt vời do khe hở giữa các mắt lưới.

Dây Shark Mesh - hình 12

Dây sắt Shark Mesh phù hợp với các dòng đồng hồ thể thao

Bạn biết đấy, vì Omega Seamaster Ploprof 600m là một trong những chiếc đồng hồ lặn lớn nhất, nặng nhất và mạnh nhất con người từng được tạo ra ở thế kỷ 20, dây Shark Mesh của nó cũng không kém cạnh.

Tổng thể, chắc chắn dây Shark Mesh sẽ không liên quan gì đến vẻ thanh lịch, nó sinh ra là để dành cho đồng hồ thể thao hoặc một chiếc đồng hồ công cụ nào đó. Độ bền, độ linh hoạt, độ thông thoáng đều rất cao.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng Shark Mesh: Omega Ploproof, đồng hồ thể thao, đồng hồ công cụ, đồng hồ lặn, đồng hồ có vẻ ngoài to lớn và nam tính.

11. Dây Engineer

Engineer được tin là do hãng Seiko tạo ra nhưng điều đó không có cách nào chứng minh vì chưa có chiếc đồng hồ nào của hãng đi kèm kiểu dây “to-dày-béo-khỏe” này.

Dây Engineer - ảnh 12

Sự phổ biến, nổi tiếng của kiểu dây rất hiện đại này chủ yếu đến từ các nhà cung cấp dây đồng hồ kim loại nam nổi tiếng, chẳng hạn như Strapcode của Hong Kong.

Về cấu tạo và thiết kế, kiểu dây Engineer (Super Engineer I, Super Engineer II,…) thường có 5 dải mắt dây (thường đều nhau, một số ít có 2 dải mắt ngoài cùng to bản hơn), xếp theo hình tường gạch xây (zigzag).

Mỗi mắt dây là một khối thép không gỉ nguyên khối, nhỏ vừa nhưng rất dày (khoảng gấp 1.5 lần mắt dây kim loại thông thường), có góc vát hai đầu cho cái nhìn “rắn rỏi” và nổi khối 3D ấn tượng.

Với kết cấu mắt nhỏ vừa nhưng mỗi mắt rất dày, xếp zig zac, dây Engineer mang đến sự linh hoạt độ bền đỉnh cao cho mọi đồng hồ, đặc biệt phù hợp với mặt rất to và dày như đồng hồ lặn Seiko Tuna, Seiko Monster, Sinn…

Dây đeo khá linh hoạt, vượt trội về độ bền, nhưng nhược điểm lại quá to, quá nặng, quá gồ ghề.

Thêm vào đó, hiện chưa thấy dây Engineer nào có size nhỏ hơn 18mm, như vậy có nghĩa là: Nó không dành cho đồng hồ nữ.

Hoặc chí ít, khi kiểu dây Engineer có size nhỏ, có thể nó không gọi là Engineer mà đã thành một loại dây “trang sức”, vì lúc đấy các mắt dây đã trở thành “hạt kim loại”, không còn là “khối kim loại”.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng Engineer: Đồng hồ thể thao, đồng hồ công cụ, đồng hồ lặn, đồng hồ mặt to, đồng hồ mặt dày trên 12mm.

12. Dây Ladder

Ladder là một kiểu dây đồng hồ kim loại cổ điển, được tạo ra bởi Gay Frères cho thiết kế đồng hồ Chronograph huyền thoại, có máy Automatic Chronograph đầu tiên trên thế giới đạt tần số dao động 36000 vph: Zenith El Primero, ra đời vào năm 1969.

Như tên gọi của mình, dây có hình dạng như cái thang. Cụ thể như sau: Gồm 3 dải mắt dây, dải ở giữa đóng vai trò “mắt kết nối”, 2 dải ở ngoài có kích thước bằng nhau và lớn hơn nhiều so với dải ở giữa, sự chênh lệch kích cỡ đã tạo ra độ rộng cho dây.

Nhờ dáng rỗng, dây cho phép cổ tay thông thoáng nhiều, hơn nữa, vẻ ngoài của nó là khác lạ so với bất cứ dây nào, xứng đáng là một chiếc dây siêu phẩm đi kèm chiếc đồng hồ siêu phẩm thời đại như El Primero.

Dây Ladder của Zenith - ảnh 13

Dáng dây đeo đồng hồ kim loại đặc trưng của Ladder

Tất nhiên, khi Zenith El Primero đi cùng dây dây Ladder, đó là một biểu tượng lịch sử, khi máy cơ phát triển huy hoàng, đạt đến đỉnh điểm của ngành công nghiệp đồng hồ Thụy Sỹ, trong thế kỷ 20.

Nhìn chung, dây Ladder hiện tại đã không còn xuất hiện trên Zenith hiện đại, chúng sẽ là một lựa chọn thật cổ điển, hiếm gặp với phong cách thiên về thể thao, một ít cảm giác sang trọng, sự độc đáo.

Và thêm một điểm nữa, do nguyên bản dây Ladder có các mắt dây bằng thép cuộn mà không phải thép đặc hiện đại, vì thế, nếu bạn đã thích nó, hãy ưu tiên loại có mắt thép cuộn như nguyên bản, có vậy mới đúng chất của một siêu phẩm huyền thoại.

Đồng hồ phù hợp với dây dạng Ladder: Đồng hồ Zenith El Primero, đồng hồ Zenith cổ, đồng hồ Chronograph, đồng hồ thể thao, đồng hồ cổ điển.

Dây đồng hồ kim loại cao cấp trong dòng lịch sử

Thuở mới ra đời, khoảng thập niên 30 trở về trước, dây kim loại trên đồng hồ đeo tay rất đắt tiền vì chế tác chúng thường là thợ kim hoàn, công ty sản xuất kim hoàn (nghề kim hoàn vốn được xem là “cao quý” hơn nghề da trong quá khứ, vì nó không “bốc mùi”).

Thậm chí, đầu thế kỷ 20, thép không gỉ không hề rẻ, có những loại dây bằng thép không gỉ còn quý hơn dây da nhiều, đừng nói chi đến dây làm bằng kim loại quý như: Vàng, bạc, dây đeo kiểu trang sức cho đồng hồ nữ.

Santos, kiểu dây kim loại đặc trưng từ Cartier - ảnh 15

Santos, kiểu dây kim loại đặc trưng từ Cartier

Sau này, khoảng thập niên 40 về sau, khi máy móc công nghiệp đã có thể thay con người sản xuất dây kim loại hàng loạt, chúng lại gắn liền với giới quân nhân, công nhân. Dây kim loại thông thường (thép không gỉ) lại bị xem như hàng rẻ tiền. Thực tế, so với dây da, dây kim loại luôn nặng nề hơn, “sặc” mùi sản xuất công nghiệp.

Hơn nữa, nhiều người còn nói đùa rằng, vì quá bền, người dùng không chứng tỏ được nhiều về sự hiểu biết, tính tỉ mỉ của mình. Có nó, ta chỉ cần đeo là đủ. Ngược lại, nếu dùng dây da, bạn phải trân trọng chiếc dây rất nhiều, nếu không sẽ sinh mùi hôi, xấu xí.

Dây đeo đồng hồ kim loại gần như phục vụ trọn đời chiếc đồng hồ, không phải mỗi vài năm phải thay như dây da, nâng như nâng trứng như dây kim loại quý.

Và đến đây, hẳn bạn đã thấy được sự quen thuộc của Oyster, President, Jubilee so với mọi kiểu dây kim loại đồng hồ nổi tiếng khác rồi đúng chứ? Có thể nói, bấy nhiêu thôi là đủ thấy tầm ảnh hưởng của Rolex lớn thế nào đến thế giới đồng hồ ngày nay rồi.

Dây da có thể thay thế cho dây kim loại hay không?

YouTube video

Nên chọn đồng hồ dây da hay dây kim loại

Cũng trong thời hiện đại, mặc dù công nghệ đã cho phép tạo ra những loại dây da chịu nước cực kỳ tốt, ví dụ như Rembordé của Hirsch, nhưng suy cho cùng, lựa chọn bền nhất vẫn là dây thép không gỉ.

Nói chính xác hơn, mỗi loại dây đều có sở trường riêng, hãy đeo nó ở nơi cần đến nó. 

  • Dây da cho những lúc cần đến thanh lịch hay cảm giác nhẹ nhàng, để giữ ấm cho cổ tay vào những ngày lạnh giá.
  • Dây kim loại cho môi trường khắc nghiệt hoặc vẻ nam tính, tiết kiệm cho túi tiền.

Bên cạnh đó, Masamu cũng là thương hiệu dây da được ưa chuộng tại thị trường Việt Nam. Có đến 5 ưu điểm về Masamu mà bạn nhất định phải tham khảo:

  • Là dòng dây da sản xuất thủ công tại Việt Nam.
  • Áp dụng kỹ thuật may gấp mép siêu bền.
  • Tích hợp công nghệ chịu lực toàn dải giúp dây da bền hơn gấn 2 lần.
  • Sử dụng da thật 100% từ những nhà cung cấp châu Âu, Nhật.
  • Giá bán bình dân vài ai cũng có thể sở hữu.

Lời kết

Ngoài 12 kiểu dây đồng hồ kim loại cao cấp đã nói ở trên, chúng ta vẫn còn rất nhiều cái tên như: Breitling Rouleaux, Cartier Santos, Omega Seamaster 300M,… Mỗi thương hiệu danh tiếng thường sẽ tạo ra cho mình khá nhiều kiểu riêng, chưa kể đến sự tham gia của các nhà sản xuất dây.

Vì thế, kiểu dây mới sẽ không ngừng được ra mắt, dù vậy, trong thực tế sử dụng hằng ngày, phần lớn chúng đều chỉ mang tính trang trí và thoải mái hơn khi đeo trên tay.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn đọc dễ dàng phân biệt được các kiểu dây hiện có trên thị trường.

Có thể bạn quan tâm:

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

Chưa có thảo luận nào.

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *