Bạn có biết đá ruby có mối liên hệ mật thiết với người nổi tiếng, hoàng gia và là biểu tượng của sự sang trọng trên trang sức? Chúng chưa bao giờ rời khỏi ánh đèn sân khấu. Vậy đá ruby là gì? Hãy cùng tìm hiểu tất tần tật từ thành phần cấu tạo, tính chất, nguồn gốc, các loại đá từ phổ biến đến hiếm, và cả ý nghĩa, tác dụng của chúng ngay sau đây.
MỤC LỤC 1. Đá Ruby có thành phần chính là nhôm oxit Al₂O₃ 2. Tính chất khoáng vật học của đá ruby |
Đá Ruby – Hồng ngọc là gì?
Đá ruby hay còn gọi là hồng ngọc, đó là tên gọi một loại đá quý thuộc họ khoáng chất corundum. Chỉ những corundum màu đỏ mới được gọi là hồng ngọc. Màu đỏ của hồng ngọc là do thành phần của nguyên tố Crom trong đá tạo nên.
Giống như nhiều loại đá quý khác, hồng ngọc được tạo ra dưới nhiệt độ và áp suất cực cao bên dưới lòng đất. Khi bị nén, các nguyên tử oxy và nhôm biến thành corundum.
1. Đá Ruby có thành phần chính là nhôm oxit Al2O3
Là một loại đá quý thuộc nhóm khoáng chất corundum (các màu khác của corundum được phân loại là sapphire), với thành phần chính là nhôm oxit (Al₂O₃).
Màu đỏ đặc trưng của Ruby xuất phát từ việc một lượng nhỏ ion nhôm (Al³⁺) trong cấu trúc tinh thể được thay thế bởi ion crom (Cr³⁺). Cụ thể, mỗi ion Cr³⁺ liên kết với 6 ion O²⁻ nằm ở các đỉnh của hình tám mặt, tạo nên màu đỏ đặc trưng của ruby.

Màu sắc của đá thay đổi từ màu rệp son đậm đến đỏ hồng nhạt, trong một số trường hợp có pha chút tím, màu đỏ được đánh giá cao nhất là màu đỏ máu chim bồ câu
Sự hiện diện của các nguyên tố khác cũng ảnh hưởng đến màu sắc của Ruby, nếu có mặt sắt III, ruby có thể chuyển sang màu cam hoặc hồng.
2. Tính chất khoáng vật học của đá Ruby
- Công thức hóa học: Oxit nhôm có crom, Al2O3 : Cr, thuộc dạng oxit nhôm tinh khiết (α-alumina) với một phần nhỏ các ion Cr3+ thay thế vị trí của Al3+ trong mạng tinh thể.
- Tính đa sắc: Ruby thể hiện tính đa sắc, với các màu từ đỏ cam đến đỏ tía khi quan sát dưới các góc độ ánh sáng khác nhau.
- Độ bóng: Thủy tinh. Bề mặt của viên đá phản chiếu ánh sáng tạo ra vẻ ngoài sáng bóng và lấp lánh tương tự như thủy tinh. Đặc tính này là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào vẻ đẹp và giá trị của ruby trong ngành trang sức.
- Tính cát khai: Không hoàn toàn. Ruby không dễ bị tách theo các mặt phẳng tinh thể.
- Điểm nóng chảy: Cao, lên đến 20500C, giúp tinh thể duy trì cấu trúc và tính chất quang học dưới các điều kiện hoạt động khác nhau
- Độ cứng Mohs: 9/10. Xét về độ cứng, ruby chỉ đứng sau kim cương và moissanite, có cùng độ cứng với Sapphire. Do đó, ruby được xếp vào một trong những khoáng vật cứng nhất.
- Dạng thường tinh thể: Thường thấy ở dạng lăng trụ lục giác phẳng. Tuy nhiên, hình dạng tinh thể của ruby có thể biến đổi tùy thuộc vào điều kiện hình thành và vị trí địa lý.

Ruby kết tinh trong hệ ba phương, thường xuất hiện dưới dạng lăng trụ lục giác phẳng
3. Nguồn gốc đá hồng ngọc
Một nghiên cứu được công bố trên trang LiveScience đã phát hiện dấu vết sự sống cổ đại được bảo tồn bên trong viên hồng ngọc 2,5 tỷ năm tuổi ở Greenland. Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng về sự sống cổ đại bên trong loại đá quý này.
Viên hồng ngọc này chứa một khoáng chất đặc biệt gọi là than chì, nơi lưu giữ dấu vết của các sinh vật sống cổ xưa (rất có thể là các vi sinh vật đã chết như vi khuẩn lam).
Phát hiện này không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách sự sống xuất hiện và tiến hóa trên Trái Đất, mà còn hé lộ câu chuyện về viên hồng ngọc cổ xưa nhất, được hình thành từ hàng tỷ năm trước.

Chris Yakymchuk, giáo sư Khoa học Trái đất & Môi trường tại Đại học Waterloo ở Ontario, Canada, cho biết: “Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy bằng chứng về sự sống cổ đại trong đá chứa hồng ngọc. Graphite bên trong viên hồng ngọc này thực sự độc đáo”
Mặc dù viên hồng ngọc chứa than chì này khó có thể là bằng chứng lâu đời nhất về sự sống được tìm thấy cho đến nay. Trên thực tế, có nhiều nghiên cứu, rất nhiều trong số đó được tranh luận sôi nổi, tuyên bố đã tìm thấy bằng chứng lâu đời nhất về sự sống có niên đại hơn 3 tỷ năm.
Từ ruby bắt nguồn từ tiếng Latin – “rubens”, có nghĩa là đỏ. Hồng ngọc có nhiều sắc thái đỏ, từ đỏ sẫm đến đỏ máu bồ câu và đỏ hồng. Những viên hồng ngọc quý nhất là những viên có màu đỏ rực rỡ, đầy đặn với một chút tông màu xanh lam.
Các loại đá Ruby hồng ngọc phổ biến & hiếm
Đá hồng ngọc được tìm thấy trên khắp thế giới. Địa điểm được biết đến nhiều nhất của nó là ở miền bắc – trung bộ Myanmar (Miến Điện), đông bắc Mandalay, nơi loại đá quý này xuất hiện trong các dải đá vôi kết tinh có mặt đá granite và đá gneiss.
1. Hồng ngọc Mozambique
Hồng ngọc Mozambique được phát hiện vào năm 2009 gần Montepuez ở đông bắc Mozambique, nơi đây nhanh chóng trở thành nguồn cung cấp quan trọng trên thị trường đá quý toàn cầu.
Ruby Mozambique hiện khá phổ biến. Những viên hồng ngọc này được ca ngợi vì màu đỏ rực rỡ, thường được so sánh với những viên hồng ngọc từ các nguồn truyền thống như Myanmar.
Bất chấp thành công hiện tại, ngành công nghiệp ruby ở Mozambique đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể vào đầu năm 2024.

Lễ ra mắt thế giới viên hồng ngọc thô màu máu chim bồ câu cực kỳ hiếm có nặng 101 carat chưa từng có được khai thác bởi FURA Gems ở Mozambique, tổ chức tại Sàn giao dịch kim cương Dubai của DMCC
2. Hồng ngọc Madagascar
Madagascar nổi tiếng với các mỏ hồng ngọc phong phú, đặc biệt là ở các vùng như Vatomandry và Andilamena. Khu vực Vatomandry, nằm ở phía đông thủ đô Antananarivo, bao gồm các địa điểm khai thác như Tetezampaho, Ambidotavolo và Ambodivandrika.
Được phát hiện vào tháng 9/2000, các mỏ này đã thu hút một lượng lớn thợ mỏ đổ về, dẫn đến cuộc khai thác đổ xô. Tuy nhiên, đến tháng 2/2001, chính quyền Malagasy đã can thiệp để đóng cửa khu vực này nhằm mục đích quản lý các hoạt động khai thác. Đến tháng 6/2005, nhiều thợ mỏ đã chuyển trọng tâm sang khu vực Andilamena.
Ruby Madagascar không quá hiếm, nhưng cũng không phải là loại phổ biến như ruby Myanmar.
Những viên hồng ngọc được khai thác từ Madagascar được đánh giá cao vì màu đỏ rực rỡ và độ trong suốt đặc biệt. Đặc biệt, đá ruby được khai thác ở đây sẽ không qua xử lý, điều này làm tăng thêm độ quý hiếm và sức hấp dẫn của chúng đối với các nhà sưu tập và thợ kim hoàn.

Bên trái: Ruby Moramanga được bán ở Andilamena (Ảnh: Richard W. Hughes). Bên phải: Cấu trúc địa chất của các mỏ hồng ngọc ở Madagascar rất độc đáo với phía bắc có hồng ngọc chứa nhiều sắt, bazan. Ở phía nam cũng có hồng ngọc hình thành trong đá biến chất (như đá cẩm thạch), có ít sắt, huỳnh quang cao
3. Hồng ngọc Ấn Độ
Ấn Độ có lịch sử khai thác hồng ngọc lâu đời, đặc biệt là ở các tiểu bang phía nam Tamil Nadu và Karnataka.
Các vành đai Karur-Kangayam và Hole-Narsipur ở những vùng này nổi tiếng với việc sản xuất đá quý, bao gồm cả hồng ngọc. Thành phố Karur đặc biệt nổi tiếng với các mỏ hồng ngọc.
Ngoài ra, hồng ngọc được tìm thấy ở Subramaniam, gần Madikeri ở Karnataka, và Channapatna là nơi nổi tiếng với hồng ngọc sao.
Đá hồng ngọc Ấn Độ thường có màu đỏ hồng và thường đục thay vì trong suốt như thủy tinh và được đánh bóng theo hình tròn, hình cabochon hoặc chạm khắc. Ruby Ấn Độ không phải là loại hiếm, nhưng do chất lượng không ổn định nên nó ít được tìm thấy trong các thị trường cao cấp.

Bên trái: hồng ngọc Ấn Độ. Ở giữa: hồng ngọc cấp độ chạm khắc. Bên phải: hồng ngọc cấp cabochon
4. Hồng ngọc Miến Điện
Đá hồng ngọc Miến Điện có nguồn gốc từ Myanmar (trước đây là Miến Điện), được đánh giá cao vì chất lượng đặc biệt và sắc đỏ rực rỡ, thường được gọi là đỏ “Pigeon Blood”.
Ruby Myanmar rất hiếm và có giá trị cao, đặc biệt là những viên ruby có màu sắc tuyệt vời. Nó là một trong những loại ruby quý hiếm và được đánh giá cao nhất trong ngành đá quý. Giá của hồng ngọc Myanmar nguyên chất có thể sánh ngang với giá của kim cương chất lượng cao cùng carat.
Có tới 90% hồng ngọc đến từ Miến Điện. Nguồn chính của những viên hồng ngọc này là Thung lũng Mogok ở Thượng Myanmar. Đó là lý do tại sao Thung lũng Mogok còn được gọi là “Thung lũng Hồng ngọc”.
Hồng ngọc Miến Điện đã được trân trọng trong nhiều thế kỷ, với các ghi chép lịch sử nêu bật tầm quan trọng của chúng trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Đáng chú ý, một viên hồng ngọc Miến Điện 23.1 carat với màu “máu chim bồ câu” đã được tặng cho Viện Smithsonian, nhấn mạnh sự quý hiếm và văn hóa của loại đá quý này.
Thật không may, các mỏ ở Miến Điện đã cạn kiệt, vì các chuyên gia về đá quý cho rằng hầu hết các mỏ hồng ngọc đều đã được khai thác hết. Do đó, từ những năm 1990, khu vực Mong Hsu ở miền trung Myanmar đã trở thành nguồn hồng ngọc chính mới.

Trong ảnh bao gồm bản đồ hiếm về đường đá Mogok của Myanmar (Trích từ The Burma Ruby Mines của Atlay & Morgan, 1905) và những người thợ mỏ tại Inn Chauk, ngay phía bắc Mogok, trở nên nhỏ bé trước những tảng đá vôi khổng lồ khi họ đi săn hồng ngọc (Ảnh: RW Hughes)
5. Hồng ngọc Thái Lan
Đến những năm 1960, Thái Lan nổi lên như một trung tâm thương mại hồng ngọc và sapphire, một vị trí mà nước này duy trì cho đến cuối thế kỷ 20.
Thái Lan có lịch sử lâu đời trong khai thác và buôn bán hồng ngọc, đặc biệt là ở các tỉnh Chanthaburi và Trat. Những khu vực này là nguồn cung cấp hồng ngọc quan trọng, góp phần tạo nên vị thế nổi bật của Thái Lan trên thị trường đá quý toàn cầu. Ruby Thái Lan khá phổ biến trên thị trường, đặc biệt là trong các sản phẩm trang sức.
Hồng ngọc Thái Lan được phân biệt bởi màu đỏ sẫm, thường có sắc tím do hàm lượng sắt cao. Hàm lượng sắt này dẫn đến huỳnh quang thấp. Để tăng cường màu sắc và độ trong, hồng ngọc Thái Lan thường được xử lý nhiệt và hoạt động này đã trở thành ngành công nghiệp chính ở Chanthaburi.

Bản đồ minh họa nhiều địa điểm khai thác ruby ở Thái (được đánh dấu bằng các chấm màu đỏ). Chanthaburi có các mỏ nằm rải rác gần các điểm như Khao Ploi Waen, Khao Wong nổi tiếng với chất lượng đá quý cao. Trong khi ruby cũng được tìm thấy ở tỉnh Trat với nhiều mỏ nằm ở Bo Rai và các vùng lân cận như Ban Ta Ngan hay Ban Sa Yai
Ý nghĩa đá Ruby hồng ngọc
Hồng ngọc được biến đến là loại đá quý nhất trong số 12 loại đá do Chúa tạo ra. Chúng trở thành một trong những loại đá quý được hoàng gia châu Âu và tầng lớp thượng lưu săn đón nhất. Nhiều người châu Âu thời trung cổ đeo hồng ngọc để bảo vệ sức khỏe, sự giàu có, trí tuệ và thành công trong tình yêu.
Màu đỏ thẫm của hồng ngọc gắn liền với trái tim và máu, tượng trưng cho những cảm xúc mạnh mẽ, tình yêu và đam mê. Mối liên hệ này đã khiến hồng ngọc trở thành lựa chọn phổ biến cho nhẫn đính hôn và đồ trang sức lãng mạn.
Ngoài ra, hồng ngọc là biểu tượng của đam mê, là một món quà lãng mạn lý tưởng. Hồng ngọc là đá sinh nhật của tháng 7. Đây cũng là món quà truyền thống dành cho những người kỷ niệm 15 hoặc 40 năm ngày cưới.
Đá Ruby có tác dụng gì?
Ruby được xem là viên đá giúp kết nối linh hồn với vũ trụ, tăng cường trực giác và khả năng nhận thức.
Trong thiền định và các phương pháp chữa lành, ruby được liên kết với luân xa tim và luân xa gốc, giúp cân bằng năng lượng cơ thể và mang lại cảm giác an yên.

Ngoài ra, nhiều người cũng chọn đeo nhẫn, hoa tai, vòng tay, dây chuyền đính đá ruby để tăng cường năng lượng tích cực và mang lại vẻ đẹp quý phái
Khám phá thêm cẩm nang Thuật ngữ trang sức:
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Tourmaline là gì? Tính chất, tác dụng, ý nghĩa & 15 loại đá
Đá Spinel là gì? Sự hình thành, đặc tính, ý nghĩa, công dụng
High Jewelry là gì? Cách phân biệt & 10 Haute Joaillerie
Đá thạch anh hồng – Rose Quartz là gì? Ý nghĩa & Tác dụng
Bạc nguyên chất là gì? Phân biệt với 6 loại bạc phổ biến
Đá Aquamarine là gì? Ý nghĩa, công dụng, hợp cung mệnh nào?
Đá thạch anh là gì? Vì sao trang sức đá Quartz được ưa thích
Bạch kim là gì? Vì sao bạch kim khiến giới thượng lưu mê mẩn
THẢO LUẬN