Kim giây thường bị chúng ta “bỏ quên”, dù chuyển động của chúng mang nhiều ý nghĩa đặc biệt trên đồng hồ. Cùng Đồng Hồ Hải Triều tìm hiểu những sự thật thú vị về kim giây đồng hồ mà có thể bạn vẫn chưa biết?
Kim giây là gì? Chức năng của kim giây
Kim giây là một trong ba kim chính trên mặt đồng hồ, dễ nhận thấy và có tốc độ chạy nhanh nhất. Có hình dáng mảnh mai, dài, nhẹ và đôi khi được thiết kế cách điệu để tạo điểm nhấn thẩm mỹ cho mặt số.
Chức năng chính:
- Hiển thị thời gian chính xác theo đơn vị giây.
- Thể hiện sự ổn định của bộ máy bên trong.
- Hỗ trợ tính năng phụ như đo thời gian trong dòng bấm giờ (chronograph).

Kim giây luôn có mặt trên mặt số đồng hồ nhưng thường bị lãng quên trong cuộc sống hằng ngày
Nguồn gốc ra đời của kim giây
Đồng hồ kim giây lần đầu tiên xuất hiện vào thế kỷ 15 tại Đức trên dòng bỏ túi. Nhà toán học và thợ chế tác người Thụy Sỹ Jost Bürgi (1552–1632) được ghi nhận là người đầu tiên đưa chúng vào đồng hồ. Ban đầu chỉ sử dụng trong thiên văn và hàng hải, yêu cầu đo lường thời gian cực kỳ chi tiết.
Tuy nhiên vào thế kỷ 17, chúng mới trở nên phổ biến vì bổ sung thêm bánh răng thứ tư vào bộ ba bánh xe tiêu chuẩn với cơ cấu quay 1 phút. Đến thế kỷ 18, đồng hồ bỏ túi trang bị kim giây nhỏ, đặt ở một mặt số phụ (sub-dial). Mãi đến thế kỷ 20, mới đưa vào trung tâm mặt số, trên cùng một trục với kim phút và kim giờ, nhờ những cải tiến trong cách lắp đặt các bánh răng.
Không thể không nhắc đến chức năng Hacking Stop hay Hacking Seconds gắn liền với kim giây đồng hồ. Chúng trở nên phổ biến vào thế chiến thứ II, đặc biệt trong mẫu A-11 của Mỹ và 12 mẫu quân đội Dirty Dozen của Anh. Đến thập niên 1950 – 1970, mới bắt đầu tích hợp Hacking Stop vào đồng hồ dân dụng.
Kim giây hoạt động được là do đâu?
Khi quan sát thời gian trên đồng hồ, chúng ta đều nhận thấy chuyển động mượt mà và liên tục của kim giấy. Chúng xoay tròn ổn định với tốc độ 60 giây mỗi vòng. Nhưng bạn có biết cơ chế nào điều khiển chúng không?
1. Kim giây trên đồng hồ cơ
Nguyên lý hoạt động của kim giây trên đồng hồ cơ phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống bánh răng chuyển động. Chúng được cấu tạo gồm 4 bánh răng, được liên kết và đặt cạnh nhau. Với nhiệm vụ chính là truyền năng lượng từ dây cót đến bánh xe cân bằng, đồng thời điều khiển chuyển động của kim giờ và kim giây ở phía trên.
Trong 4 bánh răng của hệ chuyển động, bánh răng thứ 4 được đặt cạnh bánh răng hồi, điều tiết năng lượng có tốc độ quay là 60 giây/ vòng. Do đó, bánh răng thứ 4 sẽ được gắn với kim giây trên đồng hồ cơ. Do là một bánh răng xoay tròn liền tục, kim giây của bộ máy cơ sẽ di chuyển mượt mà hơn máy Quartz.
2. Kim giây trên đồng hồ pin (Quartz, Solar)
Trên đồng hồ Quartz hay Solar, toàn bộ cơ chế vận hành đều được điều khiển bởi mạch điện tử, lấy năng lượng từ một viên pin. Chúng không có một bánh xe để vận hành kim giây riêng biệt, hoàn toàn dựa vào cọc số trung tâm.
Khi tinh thể thạch anh tạo ra năng lượng, mạch điện tử sẽ điều khiển để kim giây di chuyển theo chu kỳ 1 giây/ lần. Đó là lý do bạn sẽ thấy kim giây trên đồng hồ pin sẽ giật theo từng nhịp, không lướt mượt mà như đồng hồ cơ.
Những sự thật thú vị về kim giây
1. Thông qua kim giây, bạn biết được tần số dao động của đồng hồ cơ
Trái với cảm nhận thông thường, chuyển động của kim giây không thực sự liên tục, mà thực tế là tập hợp các bước nhảy cực nhỏ, giật nhẹ được quyết định bởi tần số dao động của bộ máy.
Ví dụ, tần số 28,800 vph (4Hz) sẽ khiến kim giây nhảy 8 bước mỗi giây, tức 28,800 lần mỗi giờ. Tần số cao hơn tạo cảm giác chuyển động mượt mà hơn, đồng thời tăng độ chính xác. Ngược lại, nếu có tần số thấp hơn, như 18,000 vph (2.5Hz), chuyển động của kim giây của đồng hồ sẽ “giật” hơn, nhưng điều này mang lại nét cổ điển và xa xưa hơn.
2. Có thể phân biệt đồng hồ cơ và thạch anh
Như đã đề cập phía trên. Kim giây trên mỗi bộ máy sẽ có cách di chuyển khác nhau. Chúng ta có thể dựa vào đó để phán đoán năng lượng của bộ máy.
- Kim giây trên dòng cơ di chuyển mượt, nhích nhẹ nhờ các bước nhảy nhỏ, gọi là “kim trôi”. Thể hiện sự tinh tế trong cơ chế bánh răng và bộ dao động bên trong. Tần số dao động khoảng 21,600 – 36,000 vph (3-5 Hz) tùy từng bộ máy.
- Trên dòng thạch anh thì ngược lại, di chuyển “giật” từng bước theo mỗi giây. Vì đồng hồ thạch anh hoạt động dựa trên xung điện tử được điều khiển bằng tinh thể thạch anh. Tần số dao động 32,768 Hz (32.768 kHz), độ chính xác cao hơn. Đồng hồ Quartz vẫn có thể tạo hiệu ứng “kim trôi”, nhưng tính năng này chỉ xuất hiện trên các mẫu cao cấp vì tiêu tốn nhiều năng lượng, dẫn đến việc phải thay pin thường xuyên hơn.

Sự khác nhau rõ rệt trong chuyển động kim giây của 2 dòng đồng hồ
3. Kim giây bắt buộc có dạ quang đối với đồng hồ lặn
Đối với đồng hồ lặn chuyên dụng, kim giây đồng hồ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ an toàn của người thợ lặn ở môi trường dưới nước, vì vậy bắt buộc phải có lớp phủ dạ quang.
Lý do là vì khi thợ lặn đi sâu dưới mặt nước, ánh sáng tự nhiên trở nên rất yếu khiến việc xem giờ trở nên khó khăn nếu không có dạ quang. Các kim, chỉ số, đặc biệt là kim giây phải phủ dạ quang (thường là chất liệu Super-LumiNova) để người thợ lặn dễ dàng đọc giờ ngay cả trong bóng tối hoàn toàn. Có thể phủ dạ quang trên đầu kim hoặc toàn bộ chiều dài kim, màu sắc tươi sáng và dễ nhận diện.
Lý do đặc biệt khác là thợ lặn cần biết kim giây luôn chuyển động liên tục để báo hiệu rằng chúng vẫn đang hoạt động ổn định. Điều này rất quan trọng trong môi trường nước nguy hiểm, khi thợ lặn phải dựa vào đồng hồ để tính toán lượng khí oxy còn lại trong bình, thời gian giảm áp,…Vì vậy, sơn dạ quang là điều kiện bắt buộc cần phải có theo tiêu chuẩn ISO 6425.
Các BST lặn nổi tiếng như Rolex Submariner hay Seiko Prospex đều thiết kế kim giây đồng hồ nổi bật với đầu tròn phủ dạ quang (hay còn gọi là “lollipop”).
4. Có thể không cần thiết trên đồng hồ thông thường
Quan trọng với đồng hồ lặn là thế, tuy nhiên chúng có thể trở nên “không cần thiết” trên dòng phụ kiện đeo tay thông thường.
Sự thật là trên những chiếc Dresswatch, chúng ta thường xuyên bỏ qua sự hiện diện của kim giây trên mặt số, chỉ quan tâm bao nhiêu giờ, phút chứ ít để ý đến bao nhiêu giây, vì khoảng thời gian chúng quá nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Và chúng chỉ thật sự hữu dụng, có ích đối với đồng hồ chuyên dụng mà thôi.
Vì vậy, nhiều thương hiệu quyết định loại bỏ kim giây trong thiết kế để tạo điểm nhấn khác lạ và thẩm mỹ. Mẫu mã này thường hướng đến người dùng yêu thích phong cách tinh giản, thanh lịch. Một số dòng mang tính biểu tượng như Hermès Arceau hay Nomos Glashütte.

Hermès Arceau là thương hiệu đặc trưng với những thiết kế chỉ hai kim
Một số thiết kế độc đáo của kim giây
1. Kim giây “Lollipop” (kẹo mút)
Kim giây “Lollipop” có hình dạng thiết kế tương tự cây kẹo mút với phần đầu to tròn (kích thước lớn hơn các kim khác) như một viên kẹo. Kiểu dáng này làm chúng trở nên dễ nhìn và là một trong những biểu tượng đặc trưng của đồng hồ thể thao và lặn.
Lollipop là một trong những thiết kế dễ nhận diện nhất trong giới sưu tập , đặc biệt phổ biến trên các dòng sản phẩm cao cấp như bộ sưu tập Rolex Submariner, Seiko Prospex.

Chiếc đồng hồ Omega Seamaster 300 nổi bật với kim giây đặc biệt
2. Kim giây “Blue Hands” (thép xanh)
Kim chỉ giây “Blue Hands” là một trong những thiết kế phổ biến trên đồng hồ cao cấp, đặc biệt là từ thế kỷ 18 và 19. Kiểu dáng thon dài và mảnh mai, bề mặt sáng bóng phản chiếu ánh sáng một cách đặc biệt. Màu xanh đặc trưng chuyển từ tông nhạt đến đậm, tạo nên hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt khi kim giây di chuyển.
Màu xanh đặc trưng có được nhờ quá trình nung nóng thép trong phạm vi nhiệt độ từ 300°C đến 400°C (khoảng 550°F đến 750°F ), trải qua phản ứng oxi hóa, tạo ra một lớp oxide trên bề mặt thép, khiến nó chuyển sang màu xanh. Quá trình này tạo ra một lớp màu xanh đẹp mắt và làm tăng độ bền của kim, tăng sự chống gỉ và chịu nhiệt tốt hơn.
Nếu bạn yêu thích kiểu kim này, hãy xem: Kim thép xanh (Blue Hands) là gì? Quy trình tạo & Lợi ích

“Blue Hands” được sử dụng để mang lại sự sang trọng và nâng tầm giá trị sản phẩm
3. Kim giây “Foudre” (tia sét)
Cái tên “Foudre” trong tiếng Pháp có nghĩa là “tia sét” và thiết kế này đúng như tên gọi của nó. Với hình dáng uốn lượn, sắc bén và dứt khoát, gợi lên hình ảnh của một tia sét tách rời ra từ bầu trời, tạo nên một cảm giác mạnh mẽ và đầy năng lượng. Chế tạo từ chất liệu thép chất lượng cao, thiết kế cong (hoặc chỉ phần đầu nhọn) hoặc zig-zag, để mô phỏng đúng hình dáng tia sét.
Kim chỉ giây kiểu “Foudre” không phải là một thiết kế phổ biến, chỉ một số thương hiệu cao cấp sử dụng để mang lại sự khác biệt cho những dòng đặc biệt.

Kim giây hình tia sét rất hiếm thấy và chỉ có trên một số mẫu của thương hiệu Rolex nổi tiếng
4. Kim giây Retrograde
Kim giây Retrograde là một thiết kế đặc biệt và sáng tạo trong ngành chế tác, mang lại sự mới mẻ, độc đáo trong cách hiển thị thời gian. Từ “Retrograde” có nguồn gốc từ tiếng Latinh, mang ý nghĩa “quay ngược lại”. Điều này phản ánh chính xác cơ chế hoạt động đặc biệt: thay vì xoay vòng tròn liên tục như kim giây thông thường, nó di chuyển theo một cung bán nguyệt nhất định, rồi nhanh chóng quay về vị trí ban đầu khi hoàn thành chu kỳ.

Hình dạng “cánh quạt” đặc trưng của kiểu kim Retrograde tạo điểm nhấn sáng tạo trên mặt số
Bộ máy Retrograde với một lò xo hồi phục (return spring) để đưa kim quay ngược lại điểm bắt đầu sau khi đạt đến vị trí cuối cùng của cung di chuyển, đòi hỏi độ chính xác cao trong thiết kế bánh răng, lò xo, vì vậy chỉ xuất hiện trên dòng cao cấp.
Thiết kế này ban đầu xuất hiện chủ yếu trên các mẫu đồng hồ bỏ túi sang trọng. Sau đó, những thương hiệu danh tiếng như Breguet, Vacheron Constantin và Audemars Piguet đã hồi sinh và phát triển công nghệ này trên các mẫu đồng hồ đeo tay hiện đại.
Phân biệt kim giây trung tâm và kim giây nhỏ
Bạn có biết, kim giây trung tâm chưa chắc là kim giây? Hãy xem sự khác biệt của chúng như thế nào:
- Kim giây trung tâm nằm cùng một trục với kim phút và kim giờ ở trung tâm của mặt số.
- Kim giây nhỏ bố trí trên một mặt số phụ (sub-dial) riêng biệt, nằm ở vị trí 6 giờ, 9 giờ, hoặc 3 giờ trên mặt số chính.
Ở một số loại đồng hồ kim giây, đặc biệt là chronograph hoặc các thiết kế đặc biệt chuyên dụng, kim trung tâm không phải là kim chính để hiển thị thời gian cơ bản mà đóng vai trò là kim bấm giờ. Còn kim chính sẽ nằm ở mặt số phụ vị trí 6 giờ hoặc 9 giờ.

Mặt số phụ của Seiko Prospex SSC913P1 đều mang 3 chức năng khác nhau
Nhiều mẫu không phải là chronograph nhưng vẫn đặt kim giây ở mặt phụ, mang đậm ảnh hưởng của đồng hồ bỏ túi cổ điển, một trong những phong cách nổi bật từ thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Tìm hiểu thêm về thuật ngữ đồng hồ
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Bật mí thú vị về Anti Reflective Coating – Lớp phủ chống chói
Stainless Steel Back ở đáy đồng hồ là gì? 4 sự thật thú vị
Anti Magnetic là gì? Nhiệm vụ bảo vệ đồng hồ khỏi từ tính
Duratect – Công nghệ làm cứng bề mặt độc quyền của Citizen
Độ dày đồng hồ đo như thế nào? Được chia thành mấy loại
Đồng hồ Tachymeter là gì? Lợi ích của chức năng đo tốc độ
HeavyDrive: Công nghệ chống sốc làm thay đổi cuộc chơi của ETA
Dây đồng hồ Oyster Rolex – Biểu tượng thời gian lừng danh
THẢO LUẬN