Bạn có biết thương hiệu đồng hồ Mido có nghĩa là gì? Đặc trưng trên các dòng sản phẩm của Mido là gì? Đó là những câu hỏi của người mới, còn người sành sẽ đòi hỏi thêm vô vàn các thứ khác, hiển nhiên, đó không là khó khăn với Mido, vốn được biết đến với giá trị cao.
7 sự thật thú vị cũng là 7 điều đặc biệt của đồng hồ Mido
Mido là thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ được thành lập vào ngày 11 tháng 11 năm 1918 bởi ông Georges Schaeren, một thợ làm đồng hồ Thụy Sĩ giàu kinh nghiệm và khéo léo. Kế thừa ý chí của ông, trong hơn 100 năm, Mido đã lặng lẽ tạo ra những giá trị đặc biệt và các câu chuyên thú vị của riêng mình, một số trong đó sẽ được đề cập bên dưới.
7 kiến thức cơ bản về thương hiệu Mido
Thợ đồng hồ Georges Schaeren, cha đẻ của thương hiệu “đồng hồ kiến trúc” bậc thầy ngày nay
Thứ nhất | Bạn có biết đặc trưng cốt lõi nhất của đồng hồ Mido là gì?
Câu trả lời đó là: hầu hết chúng đều được “lấy cảm hứng từ kiến trúc” (Inspired By Architecture), chính xác hơn, đó là những kỳ quan, công trình vĩ đại hoặc mang tính biểu tượng thời đại.
Một số ví dụ về định vị cảm hứng kiến trúc của hãng đó phải kể đến: Commander với tháp Eiffel, All Dial “sinh” từ đấu trường Coliseum hay Rainflower gợi nhắc đến bảo tàng ArtScience…
Có thể nói, Mido sở hữu hàng trăm mẫu mã lấy cảm hứng thiết kế từ các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng. Bởi thế, họ cũng được mệnh danh là thương hiệu đồng hồ kiến trúc với tiếng tăm vang dội toàn cầu.
Qua định hướng này, họ muốn nhấn mạnh cả về chất lượng cũng như thiết kế Mido sẽ trường tồn hàng trăm năm, toàn vẹn theo năm tháng.
Thứ hai | Cái tên “Mido” có nghĩa là gì?
Nếu bạn ghé qua website chính thức của họ hoặc đơn giản là gõ “google”, bạn hẳn sẽ biết nó xuất phát từ khái niệm “Yo mido”, nghĩa là “I measure” hay “tôi đo”. Hoặc bạn cũng có thể tham khảo thông tin chính thức (tiếng Anh) tại đây: https://www.midowatches.com/ch-en/mido-watches-world/mido-swiss-watches-history
Cái tên này được nhà sáng lập Georges Schaeren lựa chọn. Người thợ làm đồng hồ Thụy Sĩ giàu kinh nghiệm và đáng kính này muốn sản phẩm phải đồng nghĩa với đổi mới kỹ thuật, thiết kế vượt thời gian, đặc biệt là “đo lường” từng khoảng khắc. Những điều đó đã tạo ra địa vị cao cả của Mido trong thế giới đồng hồ Chronometer về sau.
Thứ ba | Mido dùng nút bần để tạo khả năng chịu nước, tin được không?
Dùng nút bần để tạo khả năng chịu nước là đặc trưng độc đáo và cũng là sáng tạo vượt mọi giới hạn suy nghĩ của hãng đồng hồ Mido. Vào năm 1930, Mido đã phát minh ra “Aquadura”, cơ chế niêm phong núm chỉnh (nơi chịu nước yếu ớt nhất trên đồng hồ) bằng nút bần. Không nhầm, đó là nút bần của những chai rượu vang.
Vào thời đó, rất ít đồng hồ có khả năng chịu nước, thậm chí, độ kín nước vẫn chưa cao cho lắm. Hơn thế, phát minh của Mido càng thể hiện sự khác biệt tuyệt vời vì những tính chất ưu việt của nút bần, nó không đơn giản là “chống chịu” nước xâm nhập mà còn có thể hút ẩm.
Hãy tưởng tượng, đồng hồ đóng kín núm thì chịu nước, nhưng khi quên đóng núm hoặc mở núm để chỉnh, nước, ẩm vẫn có khả năng xâm nhập. Ở nút bần, ngoài khả năng tạo ra độ kín tuyệt vời, nó còn hút ẩm. Bởi thế, dù bạn có rút núm thì nước, ẩm vừa tiếp xúc với mặt ngoài của nút thì đã bị chặn giữ ở đó, không thể vào máy.
Đáng tiếc là cơ chế Aquadura danh tiếng ngày xưa đã có cơ chế khác tiên tiến hơn thay thế ngày nay. Khoảng 3-4 năm về trước (2015-2016), nút bần đã không còn được dùng để làm ron chịu nước cho các mẫu Mido nữa.
Thứ tư | Sử dụng “linh vật” làm người đại diện
Robi (Robot Mido) – đại sứ thương hiệu trong gần 100 năm của Mido
Vào năm 1939, không như hầu hết thương hiệu đồng hồ khác mời các nhân vật nổi tiếng trong giới thể thao, nghệ sĩ, chuyên gia làm người đại diện, Mido đã một lần nữa thể hiện sức sáng tạo của mình: thiết kế một con robot Mido (có chức năng đồng hồ) làm Đại sứ.
Robot Mido hay còn có tên là “Robi” ngày nay vẫn đang là hình ảnh đại diện mang tính biểu tượng của thương hiệu Mido, không thể bắt gặp ở đâu khác. Theo thời gian, Robi xuất hiện trong nhiều dáng vẻ khác nhau nhưng luôn các khớp “động” ở chân, tay, nó cũng là một chiếc đồng hồ (thân là mặt đồng hồ đeo tay).
Thứ năm | Đứng thứ 4 thế giới về chronometer
Bạn có nhớ cái tên Mido có nghĩa là gì? Nhắc lại một chút, Mido xuất phát từ “Yo mido”, nghĩa là “tôi đo”. Và điều này có liên quan trực tiếp đến việc Mido là thương hiệu đứng thứ tư thế giới về đồng hồ Chronometer (Chronometer có nghĩa là máy đo thời gian), chỉ sau Rolex, Omega và Breitling.
Theo số liệu về sản lượng trong 2012, MIDO chỉ xếp sau Rolex, Omega, Breitling về Chronometer (trong ảnh là Commander II Chronometer M021.431.11.061)
Nên biết, cả Rolex, Omega và Breitling đều là ba ông lớn trong phân khúc đồng hồ Thụy Sĩ sang trọng, giá bắt đầu từ 3.000 USD. Trong khi đó, Mido là thương hiệu nằm trong phân khúc tầm trung Thụy Sĩ, giá bắt đầu trung bình khoảng 1000 USD.
Mido đã giữ vững vị trí thứ 4 về số lượng đồng hồ có thể đạt chứng nhận Chronometer của COSC trong nhiều năm liền. Theo số liệu năm 2012, họ có 61.358 cỗ máy đã đạt chuẩn độ chính xác Chronometer, cao hơn tất cả các thương hiệu xa xỉ, sang trọng, cao cấp hay tầm trung còn lại.
Thứ sáu | Bộ máy tối thiểu phải từ tiêu chuẩn “Elaboré”
Cận cảnh Mido Caliber 80 Si Chronometer bên trong mẫu Mido Commander Icône – bộ máy có thời gian trữ cót 80 giờ, dây tóc silicon, chuẩn chính xác Chronometer được hoàn thiện mãn nhãn (ốc xanh, sóng geneva, sunray…)
● Hơn 30 năm qua, thế giới đồng hồ Thụy Sĩ đã bị chi phối bởi những cỗ máy của hãng ETA, bền và đáng tin cậy. Tuy nhiên, bạn có biết rằng phần lớn các thương hiệu chỉ dùng các máy ETA cấp thấp?
● Nhìn chung, trên cùng một bộ máy cơ, ETA thường phân cấp nó thành các cấp độ “chất lượng” khác nhau. Phổ biến nhất đó là ETA 2824-2 với 4 cấp độ: Standard, Elabore, Top, Chronometer.
● Theo sự phân chia của tập đoàn Swatch (công ty mẹ của ETA, Mido, Tissot, Longines, Omega, Rado, Hamilton, Certina, …), phân khúc sản phẩm càng cao, bộ máy càng có cấp độ chất lượng càng cao.
● Cụ thể, hầu hết Tissot đều dùng máy cấp Standard, trong khi đó, máy của đồng hồ Mido ít nhất phải là cấp Elabore, thậm chí, Top, Chronometer cũng chiếm tỷ lệ rất lớn.
● Nghĩa là, dù đều thuộc phân khúc tầm trung của Swatch nhưng Mido sẽ được xếp hạng cao hơn (về đẳng cấp, có lẽ vậy), hiển nhiên, đắt hơn.
Để dễ so sánh các cấp độ máy, hãy theo dõi bảng sau:
Standard |
Tinh chỉnh máy khi đặt ở 2 vị trí |
Trung bình sai số +/−12 giây/ngày |
Chênh lệch sai số tối đa +/−30 giây giây/ngày |
Elabore |
Tinh chỉnh máy khi đặt ở 3 vị trí |
Trung bình sai số +/−7 giây/ngày |
Chênh lệch sai số tối đa +/−20 giây/ngày |
Top |
Tinh chỉnh máy khi đặt ở 5 vị trí |
Trung bình sai số +/−7 giây/ngày |
Chênh lệch sai số tối đa +/−20 giây/ngày |
Chronometer |
Tinh chỉnh máy khi đặt ở 5 vị trí |
Trung bình sai số −4/+6 giây/ngày |
Chênh lệch sai số tối đa +/−5 giây/ngày |
Sự khác biệt giữa các cấp trong máy ETA ngoài độ chính xác thì còn có độ hoàn thiện trang trí (ốc vít xanh, họa tiết), vật liệu dây tóc (Nivaflex NO/Nivarox 2/Nivaflex NM, Anachron), vật liệu bánh lắc (Nickel/Glucydur), cơ chế chống sốc (Etachoc/Incabloc), … Chúng sẽ mang lại chất lượng khác nhau (dù không nhiều).
Đến đây, ta đã có thể tổng kết rằng độ chính xác cao luôn là đặc trưng về chất lượng của đồng hồ Mido so với phần lớn thương hiệu tầm trung khác. Đặc biệt là trong trường hợp phân vân giữa Tissot và Mido, hai lựa chọn nổi tiếng với “giá trị cho từng đồng tiền”. Thêm một ít tiền cho Mido, bạn sẽ có độ chính xác cao hơn, độ hoàn thiện cao hơn.
Thứ bảy | “Best Value” – giá trị tốt trong tầm 1000 USD
Mido Commander Shade, chiếc đồng hồ được mệnh danh là tốt nhất, đáng giá nhất của Mido, một thiết kế từ dòng Commander huyền thoại lấy cảm hứng từ tháp Eiffel
Qua 6 sự thật thú vị về đồng hồ Mido ở trên, ngoài lịch sử hơn trăm năm, hẳn bạn đã biết được đặc trưng đáng chú ý nhất của họ đó chính là về tính kỹ thuật cho máy cơ truyền thống, độ chính xác cao, độ hoàn thiện cao, vật liệu công nghệ.
Tại Mido, hơn 80% sản phẩm đều là đồng hồ máy cơ (đồng hồ tự động hoặc lên cót tay) với những cải tiến về công nghệ sản xuất linh kiện và vật liệu nhưng thường được kiểm soát chất lượng khắt khe bằng con người (lắp ráp và tinh chỉnh thủ công).
Bộ máy ETA 2824-2 cấp “standard” và máy Mido Caliber 80 (powermatic 80-ETA C07.111 phiên bản blue core (giúp giảm ma sát và đẹp hơn)
Dưới sự hỗ trợ của tập đoàn Swatch, Mido luôn là thương hiệu duy nhất cung cấp các máy cơ “powermatic 80”, máy dùng dây tóc silicon, máy chronograph (họ valjoux 7750) trữ cót 60 giờ, big date,… với các trang trí cao cấp trong tầm giá của mình.
Bên cạnh việc sử dụng loại thép không gỉ 316L cao cấp, thiết kế lấy cảm hứng từ kiến trúc để mang lại vẻ đẹp trường tồn trước thời gian, Mido được xem là lựa chọn hấp dẫn nhất trong tầm giá của họ: khoảng 1.000 CHF (24 triệu đồng).
Với sản phẩm chính là đồng hồ cơ, đồng hồ chronometer, Mido hiện diện trong trong nhiều thế giới: chuyên nghiệp, sang trọng, sưu tập, thể thao
3 kiến thức về thương hiệu Mido mà người sành biết
Mido giữa các thương hiệu khác trong Swatch
Trong Swatch, Mido là thương hiệu tầm trung tối ưu cho máy cơ & truyền thống, thiết kế phủ kín từ “thanh tao” cho đến “thể thao” (bản đồ định vị giữa một số thương hiệu trong Swatch có phạm vi giá 500-2000 USD)
Sự khắt khe “tiểu tiết” đối với chất liệu
• Kim cương: tại Mido, tất cả đồng hồ kim cương đều là kim cương thật được khai thác từ thiên nhiên, 100% đạt chất lượng VS-SI. Mido không dùng kim cương nhân tạo, kim cương với chất lượng thấp hơn.
• Kính sapphire: Với phần lớn các thương hiệu trong cùng phân khúc, mặt trên là kính sapphire nhưng mặt đáy là kính cứng. Ở Mido, cả hai mặt kính đều là 100% tinh thể sapphire nguyên khối.
• Dây da thật: nghe thì không có gì lạ nhưng việc Mido tự hào giới thiệu dây da của họ là da thật xuất phát từ việc lớp da mặt trên, da mặt dưới, phần độn tạo dáng ở giữa đều được làm từ da thật.
• Chống phản chiếu: trừ một số dòng Mido Commander, hầu như mọi sản phẩm thời nay của thương hiệu này đều có lớp phủ chống phản chiếu (chống chói mắt khi đọc thời gian dưới ánh sáng mạnh). Lớp phủ có trên cả 2 mặt kính trong và ngoài, không sợ mất khi trầy xước hoặc đánh bóng.
Tiên phong công nghệ cao
Mido là một trong những thương hiệu chủ lực của Swatch (họ chỉ đứng sau Omega, Longines và Tissot ở thị trường Trung Quốc khổng lồ). Đó có thể là lý do mà tất cả công nghệ độc quyền như “powermatic 80” (thời gian trữ cót 80 giờ) hay vật liệu dây tóc silicon trên Mido đều xuất hiện cùng lúc với Tissot, với tư cách là “phiên bản cao cấp hơn”.
Hầu hết đồng hồ Mido dùng máy cơ truyền thống, tuy nhiên, điểm khác ở chỗ bộ máy của họ được trang bị các công nghệ tối tân nhất hiện nay. Nói chính xác, ngoài định vị “đồng hồ kiến trúc”, Mido còn là thương hiệu “đồng hồ cơ công nghệ cao”.
Phía trên là nói về hiện đại, bây giờ ta sẽ ngược về quá khứ, về cơ chế nút bần kín nước “Aquadura” danh tiếng hàng chục năm qua của hãng. Truy nguồn gốc, nó được phát minh bởi công ty sản xuất vỏ đồng hồ Taubert & Fils vào khoảng 1929, Mido chính là một trong số những khách hàng lớn của họ kể từ 1930.
Đến 1959, khi bằng phát minh của Taubert hết hạn, Mido đã cải tiến nó và đổi tên thành “Aquadura”. Bạn có thể xem công cụ niêm phong nút bần vào vỏ đồng hồ của Mido trong ảnh.
Các nút bần siêu nhỏ được bôi mỡ, nạp vào công cụ, lúc này nút bần sẽ bị nén nhỏ đường kính và đẩy vừa ống trục núm chỉnh vỏ đồng hồ. Đến khi nút bần hoàn toàn đi vào ống trục, lực nén của công cụ đã hết, đường kính nút sẽ “bung” ra, lấp chặt mọi không gian quanh ống trục.
Lời kết
Để nói về bản thân, Mido tự mô tả mình qua 5 điều như sau: 1-Chất lượng cao; 2-Sự cách tân; 3-Giá trị tuyệt hảo; 4-Trường tồn theo thời gian; 5-Giá tầm trung
MIDO hợp tác với UIA – International Union of Architects, với tư cách thành viên bao gồm hơn 1,3 triệu kiến trúc sư trên toàn thế giới
✔ Nhìn chung, đồng hồ Mido sẽ là lựa chọn có giá trị cao cho tầm giá 1.000 CHF (24 triệu đồng), từ thương hiệu cho đến chất lượng, công nghệ, tính năng và độ hoàn thiện. (chúng ta có thể hiểu với nhau rằng Mido là một bản upgrade hoàn hảo cho các Tissot nếu bạn yêu cầu “cơ-hơn-nữa”).
✔ Song song đó, việc thiết kế sản phẩm lấy cảm hứng từ kiến trúc sẽ khiến vẻ ngoài của đồng hồ Mido mang phong vị khác lạ so với DNA của bất cứ hãng nào khác. Nhất là về vẻ đẹp sánh cùng thời gian.
✔ Và cuối bài cũng xin được tiết lộ một thông hấp dẫn, hiện nay, Mido cổ đang có giá trị rất cao do sự thú vị trong tính năng lẫn thiết kế, nếu bạn yê thích sưu tập, hãy nhanh lên vì chúng đang ngày một lên giá.
Nguyễn Đoan Thảo
BÀI VIẾT LIÊN QUAN
Đồng hồ SRWatch
Thay pin đồng hồ có mất chống nước không? Làm sao để giữ mức chống nước cho đồng hồ?
Giải đáp: Đồng hồ Citizen Eco Drive có phải thay pin không?
Trung tâm sửa chữa đồng hồ Seiko chính hãng – Thay Pin, lau dầu đồng hồ Seiko
Thay pin đồng hồ Michael Kors: Giá, địa chỉ, quy trình thay
Pin đồng hồ Citizen Eco-Drive có phải thay không, cách sạc, giá thay
Thay pin đồng hồ Tissot 1853 chính hãng: Bảng giá và Quy trình 13 bước tiêu chuẩn quốc tế
Bảng giá thay pin đồng hồ Citizen chính hãng, quy trình thay 13 bước tiêu chuẩn quốc tế
THẢO LUẬN