12 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới

Thế giới đồng hồ cổ xưa luôn nhuộm đẫm một màu thần bí bởi nó chỉ có thể gợi tả qua những lời kể của bậc cha chú. Vậy ở Việt Nam, các cụ ngày xưa có sở thích như thế nào, đồng hồ đeo tay sẽ có dáng hình và máy móc ra sao.

MỤC LỤC

› 12 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới

1. Đồng hồ Omega cổ

2. Đồng hồ Rado cổ xưa

3. Đồng hồ Seiko cổ

4. Đồng hồ Poljot cổ

5. Đồng hồ Rolex cổ xưa

6. Đồng hồ Hamilton cổ

7. Đồng hồ Citizen cổ xưa

8. Đồng hồ Orient 3 sao cổ

9. Đồng hồ Orient cổ SK mặt lửa

10. Đồng hồ Wittnauer cổ

11. Đồng hồ Doxa cổ

12. Đồng hồ Bulova cổ

› Khám phá thế giới đồng hồ đeo tay cổ xưa tại Việt Nam 1950-1970

1. Chủ yếu là đồng hồ dây da

2. Đồng hồ mạ vàng là xu hướng

3. Đồng hồ Nhật là đồ “rẻ tiền”, chỉ thợ và lính mới dùng vì nó bền

4. Omega là thương hiệu được yêu thích nhất trong 50 năm

5. Rất mỏng và rất nhỏ so với đồng hồ (cơ) hiện nay

› So sánh: Đồng hồ cổ & đồng hồ mới nhưng hoài cổ?

› Kết luận

12 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới

Thú chơi đồng hồ cổ vẫn đang được giới mộ điệu duy trì và phát triển. Đồng hồ cổ xưa như một báu vật của thời gian, là dấu vết lịch sử của nhiều tên tuổi danh giá trên thế giới như đồng hồ Omega cổ, Rado cổ, Seiko, Poljot

1. Đồng hồ Omega cổ

Trong các loại đồng hồ cổ thì chơi đồng hồ Omega cổ là một trong những thú vui xa xỉ và tốn kém vô cùng. Khả năng tài chính phải tốt, am hiểu về đồng hồ và có niềm đam mê mãnh liệt với chúng.

Nhà Omega có những tuyệt tác thời gian mà sau mấy mươi năm trôi qua vẫn là khúc hát được ca tụng. Nhất là các mẫu đồng hồ đeo tay cổ bằng vàng.

Cùng tìm hiểu những mẫu đồng hồ Omega cổ: Đồng hồ đeo tay cổ bằng vàng

Đồng hồ Omega cổ vàng đúc

Đây là mẫu đồng hồ có vỏ máy là vàng đúc nguyên khối với kích thước mặt số là 34,5mm. Bên trong chứa đựng cỗ máy Automatic Caliber 505 có độ chính xác cực kỳ cao.

Không cầu kỳ kiểu cách mà chỉ đơn giản với 3 kim, các cọc số giờ và ô hiển thị lịch ngày. Mặt kính Mica dạng lồi có kết cấu nhẹ, khó vỡ, độ trong suốt cao. Kết hợp cùng dây da vân cá sấu mềm mại, cổ điển.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 2

Đồng hồ Omega cổ vàng đúc

Đồng hồ Omega Seamaster cổ

Đồng hồ Omega Seamaster cổ là cỗ máy thời gian mà Omega sản xuất dành riêng cho quân đội Anh. Được mệnh danh là “ông hoàng lặn biển” tốt nhất thế giới và cũng nằm trong bộ sưu tập đồng hồ có tuổi đời lâu nhất của Omega.

Bạn có thể cùng chiếc đồng hồ này khám phá những hành trình chinh phục đại dương này với độ kháng nước lên đến 60 ATM, đạt chuẩn Chronometer.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 3

Đồng hồ Omega Seamaster cổ

Đồng hồ Omega cổ vàng 18K

Dường như chất liệu vàng 18K sang trọng đẳng cấp đã dễ dàng chiếm lấy sự mến mộ từ giới sưu tầm đồng hồ. Đồng hồ Omega cổ vàng 18K chứa 75% vàng nguyên chất và pha trộn với các kim loại khác.

Vàng là một vật liệu quý hiếm, không gây kích ứng da và không bị thời gian hủy hoại dẫu sau bao năm tháng trôi qua. Đó cũng là lý do khiến đồng hồ Omega cổ vàng 18K vẫn còn được săn đón đến thời điểm bây giờ.

Đồng hồ Omega Deville cổ

Chính thức rời khỏi cái bóng lớn của bộ sưu tập Seamaster, đồng hồ Omega Deville cổ mang nét đẹp tinh tế, khoan thai, nhẹ nhàng. Với bộ máy cơ được lên dây cót thủ công, bao bọc bên ngoài là mặt số hình chữ nhật hoặc vuông.

Một vài thập kỷ trôi qua, đồng hồ Omega Deville cổ đã được nâng cấp cho bộ máy Co-Axial mới hoàn toàn mạnh mẽ. Cùng những thiết kế sang trọng đã giúp Omega đạt được nhiều giải thưởng cao danh giá.

Nhìn chung, tùy vào từng loại mà trị giá đồng hồ Omega cổ có sự chênh lệch, dao động trong khoảng 1500 đến 5000 USD.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 5
Đồng hồ Omega Deville cổ

2. Đồng hồ Rado cổ xưa

Thương hiệu đồng hồ Rado thuộc sở hữu của tập đoàn Swatch Group cũng được giới mộ điệu đánh giá cao về chất lượng cũng như các thiết kế của hãng.

Chính thức được 100 năm tuổi vào năm 2017, Rado sở hữu hàng nghìn mẫu đồng hồ đã được bán ra thị trường. Sử dụng bộ máy ETA cao cấp nổi tiếng Thụy Sỹ cho nên độ bền bỉ có thể được giữ vững sau hàng chục thập kỷ.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 6

Các dòng đồng hồ Rado cổ xưa – Rado Chambord

Một số dòng đồng hồ Rado cổ bán chạy được nhiều người yêu thích như: Golden Horse 1957, Diastar 1962, Dia 67 1976…

Giá bán của đồng hồ Rado cổ dao động từ 4 đến hơn 100 triệu đồng. Bạn có thể lựa chọn tùy theo mức độ tài chính của bản thân nhé.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 7

Các dòng đồng hồ Rado cổ xưa

3. Đồng hồ Seiko cổ

Nếu là một dân chơi đồng hồ cổ thực thụ, chắc chắn bạn đã từng nghe qua cái danh đồng hồ Seiko cổ. Đến từ xứ sở hoa anh đào Nhật Bản, Seiko đã mang đến một cuộc cách mạng lớn cho các mẫu đồng hồ đeo tay.

Nhanh chóng chiếm được cảm tình của người dân nước Nhật, Seiko đã không ngừng mở rộng thị trường sang các quốc gia lân cận, đặc biệt là Việt Nam.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 8

Đồng hồ Seiko cổ: Seiko 5

Cạnh tranh với ông trùm đồng hồ Thụy Sỹ, Seiko hoàn toàn không lo sợ mà nhắm vào đúng ngách khách hàng mà thương hiệu đang mong muốn là những đại gia Sài Thành.

Vượt mặt các đối thủ như Poljot, đồng hồ Seiko cổ vẫn còn được nhắc đến tới tận hôm nay với những cái tên như: Đồng hồ Seiko cổ mặt vuông, Seiko 5 Automatic, Seiko 5 quân đội

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 9

Đồng hồ Seiko cổ

4. Đồng hồ Poljot cổ

Nhắc đến đồng hồ Nga (đồng hồ Liên Xô), người ta sẽ nhớ đến ngay cái tên Poljot. Các cỗ máy thời gian mang đậm nét đẹp của thời Liên Bang Xô Viết.

Khi nhiều người đang đắm chìm vào những thương hiệu Nhật Bản, Thụy Sỹ thì vẫn có một thị phần không nhỏ yêu thích Poljot và săn đón những chiếc đồng hồ Liên Xô đang dần rơi vào tuyệt chủng này.

Thiết kế của đồng hồ Poljot cổ là sự kết hợp vô cùng ăn ý giữa nét đẹp hiện đại và cổ điển. Bộ chuyển động Raketa 3031 được xem là một trong những tuyệt tác với 23 chân kính, lịch thứ, lịch ngày, báo thức và chronograph.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 10

Đồng hồ cổ xưa, đồng hồ đeo tay cổ xưa Poljot

5. Đồng hồ Rolex cổ xưa

Rolex là một trong những thương hiệu đồng hồ đắt tiền bậc nhất thế giới. Người ta còn hay ví von đồng hồ Rolex là một khoản đầu tư sinh lời.

Thương hiệu đồng hồ Thụy Sỹ này vẫn luôn tồn tại sau chừng ấy năm, song hành cùng dòng chảy của thời gian, mang đến nhiều giá trị cho người dùng.

Chơi đồng hồ Rolex cổ xưa là cách mà người ta tìm hiểu về những câu chuyện, lịch sử phát triển vàng son của thương hiệu này. Chỉ cần nhìn thấy từng thay đổi trong thiết kế, bộ máy thì những biến động trong quá khứ đều đang hiện lên mồn một.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 11

Đồng hồ cổ xưa, đồng hồ đeo tay cổ xưa Rolex

Đồng hồ Rolex cổ xưa là một đẳng cấp vũ trụ riêng, là nơi hội tụ sự danh tiếng, giá trị, ngưỡng mộ và tôn trọng. Một số mẫu đồng hồ Rolex cổ như: Oyster Perpetual, Date 1501, Lady-Datejust 69173…

6. Đồng hồ Hamilton cổ

Trong lịch sử ngành đồng hồ đeo tay ở cuối thế kỷ 19, Hamilton được biết đến là hãng đồng hồ Hamilton bỏ túi – Vật cứu cánh khi chờ đợi tàu xe của hàng ngàn người tại Mỹ.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 12

Đồng hồ cổ xưa, đồng hồ đeo tay cổ xưa Hamilton

Hệ thống đường sắt chằng chịt với hơn 50 mốc giờ khác nhau trong lịch tàu chạy đã tạo điều kiện tốt cho đồng hồ Hamilton cổ tỏa sáng.

Hiện nay mẫu đồng hồ Hamilton cổ này vẫn đang được săn đón nồng nhiệt bởi những tín đồ yêu thích sưu tầm đồng hồ cổ.

7. Đồng hồ Citizen cổ xưa

Citizen là một thương hiệu đồng hồ nữa đến từ Nhật Bản. Điểm cộng là sử dụng bộ máy được sản xuất in-house cho nên có thể kiểm soát và quản lý được độ bền cũng như chất lượng.

Đồng hồ Citizen cổ xưa đầu tiên chính là dòng F Caliber 10 line. Bạn phải lên dây cót bằng tay và phần vỏ máy còn hình thùng hoặc hình tròn.

Hoặc Citizen Parawater cũng là mẫu đồng hồ chống nước 200m tiêu chuẩn đầu tiên ra mắt năm 1959 tại Nhật Bản.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 13

Những mẫu đồng hồ cổ điển Citizen, đồng hồ Citizen cổ xưa

8. Đồng hồ Orient 3 sao cổ

Cùng thời với Orient SK mặt lửa, Seiko 5, đồng hồ Orient 3 sao cổ xuất hiện tại Việt Nam khi cuộc khủng hoảng thạch anh đang diễn ra vào những năm cuối của thế kỷ XX.

Trong khi 2 người anh hướng tới tầng lớp thượng lưu quý tộc thì Orient 3 sao cổ lại khiêm tốn hơn, hướng đến đối tượng bình dân hơn.

Sở dĩ có cái tên Orient 3 sao đó là vì mặt số đồng hồ có 3 ngôi sao nằm thẳng hàng ngay ngắn. Như một bảo vật của thời gian, đồng hồ Orient 3 sao cổ ngầm khẳng định với người tiêu dùng về sự chất lượng của mình.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 14

Mẫu đồng hồ cổ điển Orient 3 sao

Bộ máy Cal469 được sản xuất và lắp ráp hoàn toàn tại nhà máy in-house của Orient. Vậy nên tính đồng bộ của sản phẩm luôn được đảm bảo và kiểm soát qua quá trình nghiêm ngặt.

9. Đồng hồ Orient cổ SK mặt lửa

Orient đã nhận được nhiều lời khen và khiến giới báo chí tốn nhiều giấy mực.

Đồng hồ Orient cổ SK mặt lửa hay còn được gọi là Orient thủy quân lục chiến. Là dòng sản phẩm bán chạy nhất vào những năm 1970.

Thế nhưng người dùng lại ngày càng có xu hướng tìm về những mẫu đồng hồ cơ cổ điển. Orient đã liều lĩnh đưa phong cách cách tân độc đáo cổ điển của những thập niên 70 quay trở lại bằng mẫu đồng hồ Orient cổ SK mặt lửa.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 15

Mẫu đồng hồ cổ điển Orient SK mặt lửa

Không ngoài dự đoán, đồng hồ Orient cổ SK mặt lửa nhanh chóng nhận được nhiều sự yêu mến của đông đảo giới mộ điệu trên khắp thế giới.

Với hiệu lan tỏa sắc đỏ cùng cọc số phủ lớp phát quang, SK mặt lửa được người dùng tại Việt Nam săn đón nồng nhiệt. Kính cứng, thép không gỉ, kháng nước 5ATM cũng góp phần giúp đồng hồ Orient làm tốt những chức năng của mình.

Bộ máy cơ automatic F6922 có khả năng trữ cót 40 giờ, cộng hưởng cùng 22 chân kính đang làm việc miệt mài bên trong đã giúp đồng hồ hoạt động ổn định, bền bỉ.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 16

Những mẫu đồng hồ cổ điển Citizen SK mặt lửa

10. Đồng hồ Wittnauer cổ

Đồng hồ Wittnauer cổ là thương hiệu được thành lập tại Mỹ năm 1880 nhưng được sản xuất tại Thụy Sỹ. Với từng chức năng, độ sắc xảo, độ bền ngang hàng với đồng hồ nhập khẩu Thụy Sỹ nhưng mức giá lại thấp hơn.

Đây được xem là một thành công nhỏ, mở một con đường lớn cho Wittnauer bước chân vào thị trường đồng hồ đeo tay. Cải tiến thêm nhiều dòng sản phẩm cho thị trường như đồng hồ quả quýt cho lính Mỹ, đồng hồ đo trên máy bay chiến đấu.

Đến năm 2001, Bulova đã mua lại thương hiệu Wittnauer và biến nó trở thành một công ty hoạt động độc lập.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 17

Đồng hồ cổ Châu Âu: Wittnauer

11. Đồng hồ Doxa cổ

Đồng hồ Doxa cổ đến từ Thụy Sỹ là một tuyệt tác thời gian có danh tiếng vô cùng đáng nể. Với bề dày lịch sử hơn 130 năm, đồng hồ Doxa chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị.

Doxa không sản xuất số lượng lớn đại trà mà chỉ sản xuất ở quy mô vừa và nhỏ. Kể cả những phiên bản không giới hạn về số lượng.

Do đó mà việc sưu tầm được những mẫu đồng hồ Doxa cổ là rất khó vì khan hiếm về số lượng. Đồng hồ Doxa cổ có rất nhiều loại từ vàng 18K, ngọc trai, kim cương

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 18

Đồng hồ cổ Châu Âu: Doxa

12. Đồng hồ Bulova cổ

Đồng hồ Bulova đã góp mặt vào thế giới đồng hồ cổ với nhiều cái tên quá đỗi quen thuộc với những ai đam mê sưu tầm như: Accutron, Bulova cá heo, Marine Star…

Vẻ đẹp cổ điển mang đậm phong cách Thụy Sỹ của đồng hồ Bulova cổ khắc họa được nét đẹp trang hoàng trên cổ tay quý ông và quý bà.

Sự pha trộn giữa nét đẹp Đông Âu và phong cách thời trang hiện đại của nước Mỹ chắc chắn sẽ khiến bạn thấy thích thú.

15 hãng đồng hồ cổ xưa đeo tay được săn đón nhất thế giới - Ảnh 19

Đồng hồ cổ Châu Âu: Bulova

Khám phá thế giới đồng hồ đeo tay cổ xưa tại Việt Nam 1950-1970

Tại Việt Nam, thế giới đồng hồ đeo tay cổ xưa được ghi nhận thịnh vượng khoảng thập niên 50-70 của thế kỷ trước. Ban đầu, đồng hồ đã du nhập vào nước ta theo bước chân của người Pháp, những nhà tri thức Tây học, rồi kết thúc khi người Mỹ rời khỏi đây.

Longines Đô đốc Đại tướng quân 5 sao

Longines Đô đốc Đại tướng quân 5 sao (Admiral 5 Stars), đỉnh cao về đồng hồ dành cho sĩ quan cấp tướng tá

Trong thập niên 30, đồng hồ đeo tay chỉ mới xuất hiện, đến thập niên 40 thì mới dần đông đúc. Từ thập niên 50 đến 70 chính là thời kỳ hoàng kim của chúng tại Việt Nam.

Nếu chia theo giai đoạn thì sẽ có 3 khoảng thời gian đáng chú ý. Thập niên 60 trở về trước thế giới đồng hồ đeo tay cổ xưa ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi người Pháp. Thập niên 60-70 bị ảnh hưởng bởi người Mỹ. Thập niên 80-90 ảnh hưởng bởi người Nhật. Năm 2000 trở về sau thì chính thức trở thành nơi có đa văn hóa đồng hồ đeo tay.

Sẽ có rất nhiều câu chuyện xoay quanh chúng nhưng nhìn tổng thể từ 1950-1970, ta có thể đúc kết ra được 5 sự thật như sau:

1 – Chủ yếu là đồng hồ dây da.

2 – Đồng hồ mạ vàng (lắc kê) là xu hướng.

3 – Đồng hồ Nhật là đồ “rẻ tiền”.

4 – Omega là thương hiệu được thích nhất.

5 – Rất mỏng và rất nhỏ.

“Qua 5 sự thật này, dáng hình của một chiếc đồng hồ đeo tay cổ xưa phổ biến tại Việt Nam có thể mô tả sơ lược như sau: Thương hiệu Thụy Sĩ – Dây da – Lắc kê vàng – Đường kính dưới 34mm – Dày không quá 11mm – Mặt vòm”.

Nhìn lại chặng đường dài hơn 30 năm, những thứ có thể nói về đồng hồ đeo tay cổ xưa ở Việt Nam là vô hạn. Bởi thế, sau khi đã đúc kết lại 5 đặc trưng của đồng hồ đeo tay cổ phổ biến từ 1950-1970, chúng ta hãy đi vào phần khám phá chi tiết hơn bên dưới.

Lưu ý: Bài viết có sử dụng một số từ ngữ không hay vì bài mang tính thuật lại lời kể, người viết không có ý miệt thị, kính mong bạn đọc, cô chú thông cảm.

1. Chủ yếu là đồng hồ dây da

Như chúng ta vẫn biết, đồng hồ dây da thì luôn thanh lịch và nhẹ nhàng, còn dây kim loại nặng nề vốn được sinh ra để có thể chịu được những điều kiện khắt nghiệt hơn. Chúng có thể hoạt động ngoài trời, chịu nước tốt, loại bỏ yếu điểm đáng ghét dây da như hôi, kén mồ hôi.

Điều này hoàn toàn không có vấn đề gì to tát ở nước ngoài, tuy nhiên, ở Việt Nam thì lại khác. Trong thời đại này, kể cả từ những thương hiệu bình dân nhất đều rất đắt đỏ so với một tháng lương công chức thời Pháp thuộc, thời Cộng hòa.

Đồng hồ đeo tay cổ Telda lên dây Cal.FHF 28 năm 1950

Đồng hồ đeo tay cổ Telda lên dây Cal.FHF 28 năm 1950, thương hiệu Thụy Sĩ cực kỳ phổ biến ở Việt Nam từ 1930-1970 (Telda thương hiệu của hãng Charles Nicolet, ra đời khoảng năm 1920, rất nổi tiếng tại Pháp và thuộc địa của Pháp)

Bởi thế, những người có thể sử dụng hầu như đều là quan quyền, chính khách, giới thượng lưu, sĩ quan cấp cao hoặc ít nhất phải là người trí thức. Họ thường chỉ ngồi bàn giấy, không phải làm những công việc nặng nhọc, không cần đến độ bền nhưng “kém trang nhã” của dây kim loại nói chung.

Những mẫu nổi tiếng nhất, dòng được ưa chuộng nhất trong thời này hầu như là dây da, từ hạng sang, cao cấp như Omega, Longines đến bình dân như Wyler, Telda.

Thêm vào đó, cổ tay người Việt vốn không to, dây da sẽ mang lại cảm giác rất nhẹ, không làm vướng bận. Thậm chí, ngay cả khi là đồng hồ “nồi đồng cối đá” của Seiko hay Liên Xô, người ta vẫn thích thay cho chúng dây da.

Còn đồng hồ dây kim loại vốn được chế tạo để bền bỉ, phục vụ cho những người có việc làm chuyên nghiệp như lặn, thợ nghề, công nhân, binh lính nên thường thô dày, to lớn.

Hiển nhiên, vẫn có rất nhiều đồng hồ dây kim loại tao nhã và sang trọng từ các ông lớn hàng đầu như Omega, Rolex, Patek nhưng chúng vẫn không phổ biến ở Việt Nam.

Và cho dù là dây kim loại thì của Thụy Sĩ giá vẫn đắt đỏ như thường. Hàng Nhật vừa nhiều vừa rẻ nhiều nhưng lại không có “đường lớn” nhập khẩu vào nước ta. Nguyên do có thể là do sự phủ sóng mạnh mẽ của Mỹ, Liên Xô, Pháp.

Seiko Sportmatic 5 1963 máy Seikosha 410

Seiko Sportmatic 5 1963 máy Seikosha 410 21 Jewel với “dây thun” thép, Sportmatic 5 (Tiền thân của Seiko 5) chính là dòng đi tiên phong sử dụng dây thép của Seiko

Đồng hồ của các nước này lẫn “gu” đồng hồ của họ luôn ảnh hưởng sâu đậm đến người Việt trong suốt thời gian hiện diện, người Nhật khó mà chen chân. Những mẫu dây kim loại vào đến Việt Nam chủ yếu là “xách tay” bởi quân đội nước ngoài (Mỹ, Liên Xô), chứ không phải hàng dân dụng.

Điển hình như Orient pháo binh, Seiko Sportmatic 5, Seiko 5, Seikomatic từ Nga như Vostok Amphibia, Pobeda, Raketa, Poljot. Đặc điểm chung của chúng là bền và rẻ hơn nhiều so với đồng hồ Thụy Sĩ, phù hợp với lương của quân nhân (miền Nam), hoặc cấp cho sĩ quan quân đội nhân dân (miền Bắc).

Ngoài việc thẩm mỹ thời bấy giờ chuộng dây da hơn, sự khác biệt của “tầng lớp” sử dụng, giá thành đã dẫn đến việc đồng hồ dây kim loại được xem là “thấp” hơn dây da một bậc.

Bình quân, giá đồng hồ dây da rẻ lắm cũng phải từ 1 chỉ vàng trở lên, phần lớn rất sang trọng với kiểu dáng-chức năng như “2 kim rưỡi” (kim giây nhỏ), “lịch lộc” (lịch ở 6 giờ), “lắc kê” (bọc vàng), “mặt lụa” (mặt số có họa tiết lụa), mỏng (dưới 10mm).

Ngược lại, đồng hồ dây kim loại thì có thể rẻ hơn gấp 3 lần, chủ yếu do các “ông bé” kém danh tiếng từ Nhật như Seiko, Orient, Citizen cung cấp, to dày gồ ghề “như cái cối”, rất ít mẫu thanh lịch.

Longines vàng đặc 18k 2 kim rưỡi

Một chiếc Longines vàng đặc 18k 2 kim rưỡi, dây da, thiết kế thanh lịch siêu kinh điển của giới thượng lưu Việt Nam ngày xưa

Định kiến về dây da và dây kim loại tồn tại suốt từ khi mẫu đầu tiên du nhập (khoảng thập niên 30), đến đầu thập niên 70 thì bắt đầu biến mất. Lúc này, người Việt phần nào đã nhận ra được ích lợi của dây kim loại sau hàng chục năm sử dụng, ít nhất là với công nhân viên chức thu nhập bình thường.

Xu hướng này lại càng mạnh mẽ hơn sau năm 75, đất nước khó khăn, kinh tế trì trệ, người ta không có tiền mua đồng hồ Thụy Sĩ, con đường nhập khẩu cũng lắm gian truân. Từ đây, Seiko, Orient “giá rẻ chất lượng” được mở lối để tràn vào thị trường, mà cũng phải khá giả lắm mới mua nổi.

YouTube video

Khám phá sự thật về đồng hồ đeo tay cổ xưa ở Việt Nam

Đến cuối thập niên 70, đồng hồ Thụy Sĩ thất thế bởi “sóng thần thạch anh” từ Seiko, “gu” đồng hồ Nhật dây kim loại “dày cui” bền chắc trỗi dậy. Thời huy hoàng trong những năm 80, 90 với các đỉnh cao như Seiko “nữ hoàng”, Seiko “chặt góc”, Orient SK “mặt lửa”, Orient 3 sao, Orient AAA.

Lại nói, mặc dù các ông không chuộng dây kim loại nhưng các bà thì rất chuộng, không kém gì dây da. Tại sao lại như vậy? Rất đơn giản, dây kim loại trên đồng hồ đeo tay nữ thời xưa đa phần là dạng lắc tay, trang sức, tính ra, trông chúng còn đẹp quý phái hơn cả dây da nữa.

Ngặt nỗi, nữ giới không chuộng đồng hồ đeo tay như nam giới. Không có nhiều đồng hồ được mua, lẽ đương nhiên, nếu tính tổng số thì thời xưa dây da vẫn được yêu thích hơn dây kim loại rất nhiều.

Thế giới đồng hồ đeo tay cổ xưa Việt Nam 1950-1970 chỉ có hai loại chính

  • Đồng hồ thanh lịch (90% là dây da).
  • Đồng hồ chức năng (Dây da, dây sắt, dây vải).

2. Đồng hồ mạ vàng (lắc kê) là xu hướng

Không như ngày nay, đồng hồ tông bạc chiếm một nửa khoảnh trời, ngày xưa, chỉ có đồng hồ tông vàng là thế độc tôn. Điều này âu cũng là hợp lý vì người Việt vốn chuộng phong cách thanh lịch, không ưa “khỏe khoắn”, tương tự như “Sự thật 1 – Chủ yếu là đồng hồ dây da, dây sắt rất ít gặp”.

Dù vậy, vẫn còn một nguyên nhân khác dẫn đến cái “gu” này đó chính là giá trị của đồng hồ. Như đã nói trên, đồng hồ đeo tay trong thời này rất đắt đỏ, vì thế, hầu hết mọi người sẽ mua để “làm của”, sau này để lại cho con cháu. Để an tâm, lựa chọn tất yếu phải là bằng vàng đặc hoặc ít nhất là có một lớp vàng dày.

Đến đây, có lẽ ta cần phải tìm hiểu thêm một ít về các loại đồng hồ tông vàng, chúng gồm có vàng đặc, lắc kê (Lacquer – Bọc vàng, rất dày, trước năm 70), mạ điện (Lớp vàng mỏng dưới 20 micron, sau năm 70).

Đồng thời, tuổi vàng được dùng cũng không cố định, từ hạ cám (9k, 10k) đến thượng vàng (14k, 18k, 22k) đều có. Dĩ nhiên, lớp mạ càng dày (từ 20 micron trở lên), tuổi vàng càng cao thì giá càng đắt.

Thật éo le là dân mình lại chuộng đồng hồ Thụy Sĩ đắt tiền, danh vọng cao hơn là đồng hồ Nhật Bản. Vì thế không lạ khi những mẫu tuổi vàng 10k và 14k (lắc kê hoặc mạ, ít có đồng hồ bằng vàng đặc) đã chiếm phần lớn trong thế giới đồng hồ đeo tay cổ xưa nước ta.

Điểm qua một vòng những ông lớn tại Việt Nam từ 1950-1970, Omega, Longines, Wyler, Telda, Bulova, Movado, Benrus, Eterna, Titoni, Caravelle, Gruen, Hamilton, Elgin, Waltham, Wittnauer,… Chẳng có ông nào mà đồng hồ tông vàng các loại chiếm ít hơn 80% sản phẩm cả.

4 thương hiệu nổi tiếng nhất 1950-1970

Omega Seamaster 30 1962 (Ref 135.003-62-SC Cal-286), 37mm, lắc kê vàng dày 40 micron

Longines Admiral 1200 năm 1960 size 33.2mm với vỏ lắc kê vàng 10k

Wyler Incaflex Lifeguard thập niên 1960, size 32mm

Telda Chronograph 17J thập niên 1950

Có thể nói, suốt thập niên 50-70, đồng hồ đeo tay tông vàng, chính xác là “tông vàng kim” chứ không phải “tông vàng hồng” hay “vàng trắng” luôn là tiêu chuẩn cho một thiết kế Thụy Sĩ sang trọng, tao nhã ở Việt Nam, thậm chí là toàn thế giới.

Lại nói, đồng hồ tông bạc vẫn có chỗ đứng riêng, là lựa chọn rẻ hơn khi ông ta cha muốn sở hữu hàng hiệu, máy tốt (điển hình như Wyler, sản phẩm tông vàng và tông bạc tương đối đồng đều).

Dù vậy, vẫn câu nói cũ, chúng thường rẻ tiền hơn, là thiết kế cho quân đội, thể thao, chịu nước tốt, hoặc ít nhất là đại diện cho phong cách “ít thư sinh” hơn lúc bấy giờ.

3. Đồng hồ Nhật là đồ “rẻ tiền”, chỉ thợ và lính dùng vì nó bền

Dù rằng bây giờ đồng hồ Nhật đã có địa vị rất cao trong tâm trí người Việt nhưng vẫn có một sự thật không thể chối cãi rằng, trước năm 70, đồng hồ của họ là “hạ cấp”.

Tầng lớp trung lưu (trí thức, tiểu tư sản) Việt Nam trở lên không ai đeo đồng hồ của họ cả, đừng nói gì đến tầng lớp thượng lưu. Thậm chí, không quá đáng khi nói rằng đồng hồ Nhật rất rẻ nhưng người lao động phổ thông cũng chẳng hề thích chúng.

Nên biết rằng, không chỉ có “của rẻ là của ôi”, suy nghĩ đồng hồ Thụy Sĩ là nhất đã “thâm căn cố đế” trong lòng người Việt vốn nổi tiếng về độ chịu chơi từ lâu.

Những thứ rẻ hơn thì người ta sẽ nghĩ rằng nó kém tốt hơn, cộng thêm “tầng lớp” sử dụng thường là dân lao động, binh lính, đồng hồ Nhật bị khinh thường vào thời này là điều tất yếu.

Một chiếc Seiko Sportsmatic Sea horse Cal.7625D với dây kim loại nguyên bản (Sản xuất trong giai đoạn 1960-1969) chính là điển hình của một chiếc đồng hồ Nhật phổ biến tại Việt Nam thập niên 60-70: Thô, dày, tông bạc, dây kim loại, giá phải chăng

Quan điểm này chỉ có thể giải quyết bằng thời gian, chính bởi thế, sớm xuất hiện từ thập niên 60 nhưng đến thập niên 70 thì người Việt chỉ công nhận rằng nó bền. Rồi lại mất thêm 10 năm nữa, khi kinh tế khó khăn, đồng hồ Nhật mới có chỗ đứng, mới được xem là sang.

Quay lại với nguyên nhân dẫn đến đồng hồ Nhật thịnh hành, sau nhiều năm hoạt động, nó vẫn bền, rất bền, cực kỳ bền trong môi trường nhiệt đới ẩm khắc nghiệt như Việt Nam. Và lính Mỹ thì đang cần một thứ như vậy.

Thuở ban đầu, lãnh thổ Việt Nam vốn bị Mỹ và Pháp đóng quân dài hạn, vì thế, những thương hiệu nào được chuộng ở hai nước này cũng sẽ được đưa vào bán ở Việt Nam. Đồng hồ Nhật từng tìm cách xâm nhập qua nhiều con đường nhưng không thành công, vì sự bảo hộ vững chắc dành cho thương nhân, hàng hóa từ Mỹ, Pháp nói chung.

Ngay cả khi quân phiệt Nhật chiếm đóng Việt Nam năm 1940-1945, đồng hồ của họ cũng chẳng là cái đinh gì với đồng hồ Thụy Sĩ. Tất nhiên, đó là chưa nói đến giai đoạn này quân Nhật và Pháp đã trực tiếp gây ra nạn đi khủng khiếp năm Ất Dậu, 1944-1945 ở miền Bắc.

Đến cuối thập niên 50, những cuộc chiến tại đây dần trở nên khốc liệt, đồng hồ quân đội Mỹ do chính phủ cấp không thể đáp ứng được yêu cầu về độ bền khi tham chiến do môi trường quá khắt nghiệt. Ngặt nỗi, lương lính thì khó lòng sắm được một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ đủ tốt cho chiến trường.

Do đó, lính Mỹ cấp thấp muốn có đồng hồ để dùng buộc phải mua hàng Nhật giá rẻ tại các trạm đóng quân. Ban đầu, họ chỉ quan niệm rằng những sản phẩm do châu Á làm ra thì sẽ phù hợp với môi trường châu Á, hay đơn giản là cần mua gì đó làm kỷ niệm khi giải ngũ, đồng hồ Nhật có giá rẻ nên họ mua với tâm lý rất thoải mái.

Seiko 6105, một chiếc đồng hồ quân đội Mỹ sử dụng rất phổ biến tại miền Nam Việt Nam thập niên 70

Dần đà, chính những người lính này nhận ra được phẩm chất tuyệt vời của đồng hồ Nhật: Bằng thép không gỉ, dày, gia cố chịu nước tương thích môi trường, máy khỏe, mà giá thì lại quá rẻ. Đó là chưa kể đến tính năng, hàng loạt mẫu chịu nước cho thợ lặn, giờ thế giới mà giá chỉ bằng ⅓ đồng hồ Thụy Sĩ tương đương.

Chỉ vài năm sau đó, đồng hồ Nhật ngập tràn trong quân đội Mỹ đang đóng quân tại Việt Nam. Chẳng mấy chốc đến tai người dân lao động phổ thông, những người đang phiền lòng về vấn đề làm sao để mua được đồng hồ và có chiếc đồng hồ nào đủ sức chịu đựng va đập, mồ hôi, nước, bụi đất.

Một chiếc Orient “pháo binh” thập niên 70 (Biệt danh của các mẫu King Diver, Diver 3 sao, Crystal,… có chức năng “bezel lặn”), siêu to, dày, béo, khỏe

Cứ như thế, do nhu cầu, đối tượng sử dụng đồng hồ Nhật cổ xưa chủ yếu tại Việt Nam đó chính là lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng hòa, thợ xây, thợ máy… ở miền Nam.

Nổi tiếng trong giai đoạn 1960-1970 chính là: Orient pháo binh (King Diver, 3 sao), Orient Word Driver, Seiko 6105, Seiko 6119, Seiko 6619,… con nào con nấy “dày to béo khỏe” (Đường kính hơn 43mm, dày hơn 12mm).

Tuy nhiên, khoảng cuối thập niên 60 đến đầu thập niên 70, trong dân thường chỉ phổ biến dùng Seiko “hải cẩu”. Đây là sản phẩm được sản xuất chính cho giới viên chức văn phòng, giá không đắt đỏ.

Chúng gồm nhiều dòng khác nhau, có cả thiết kế thể thao nhưng các thiết kế thanh lịch vẫn chiếm số đông. Các “hải cẩu” tiêu biểu như: Weekdater, DX, Selfdater, Seikomatic, Seikomatic-R,… Đặc trưng chung là có hình con hải cẩu ở nắp đáy, biểu thị khả năng chịu nước hằng ngày (2ATM – 3ATM ngày nay).

Một chiếc Seiko Seikomatic Sea Lion M44 “hải cẩu” mạ vàng khoảng năm 1970

Nói đồng hồ Nhật “kém sang” hơn Thụy Sĩ không hẳn là nói gàn, định kiến

Từ thực tế thiết kế bộ máy cho đến lớp mạ vàng, phần lớn thương hiệu Thụy Sĩ đều làm rất chỉn chu. Bộ máy toàn diện: Hoạt động, chức năng, vẻ đẹp, độ bền; bọc vàng, mạ vàng dày.

Ngược lại máy Nhật thường cắt giảm đi một số tính năng, lớp mạ mỏng hơn (Vì thế, thời kỳ bao cấp mới có nghề tách vàng từ vỏ đồng hồ Thụy Sĩ cũ trong thập niên 80, 80 ở Việt Nam, ít ai làm điều đó với đồng hồ Nhật)”.

Sau năm 75, dòng Seiko hải cẩu càng được yêu mến rộng hơn do giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp. Đến năm 1980-1990, dù là mẫu mã cũ nhưng sự thịnh hành của chúng đã lấn lướt hàng Thụy Sĩ.

Riêng miền Bắc, trong cả trong nhân dân và quân đội, độ phủ sóng của đồng hồ Nhật thập niên 60-70 vẫn chưa cao, thay vào đó là đồng hồ Liên Xô.

Cũng như đồng hồ Nhật, đồng hồ Liên Xô du nhập vào nước ta đều là loại “siêu to khổng lồ”, bền chắc như cái cối, tuy nhiên, đó lại là câu chuyện khác, xin phép bỏ ngỏ trong bài này.

Một số đồng hồ Vostok Komandirskie năm 1970, phổ biến ở miền Bắc, chúng to như cái cối và xấu theo quan niệm thời xưa

4. Omega là thương hiệu được thích nhất, ròng rã suốt 50 năm

Thật lòng mà nói, ngày xưa rất ít ai sở hữu được đồng hồ Omega nhưng vẫn không ngăn được sự yêu thích của người Việt đối với họ. Từ thời Pháp thuộc cho đến hết thời Cộng hòa, bắt đầu từ thập niên 40 kéo dài đến tận thập niên 90, vẫn luôn là Omega – “Cái móng ngựa”.

Với giá dao động từ 3-20 cây vàng, đồng hồ đeo tay cổ xưa của thương hiệu này chủ yếu chỉ có chính khách quyền lực, quan lại, quyền quý, sĩ quan cấp tướng tá, giới tư sản mới mua nổi. Bản thân Omega còn đi đầu trong rất nhiều công nghệ, đẳng cấp tầm thế giới, thế nên chúng thực sự là niềm mơ ước của tất cả mọi người.

Một chiếc Omega “Bát Quái (Constellation Pie Pan) càng gãy” vàng đúc 18k, sản xuất khoảng thập niên 60, đỉnh cao nhất của đồng hồ sang trọng ở Việt Nam thời xưa

Đến đây hẳn nhiều người sẽ thắc mắc Rolex và Patek Philippe ở đâu trong thế giới đồng hồ đeo tay cổ xưa tại Việt Nam. Câu trả lời đó là họ vẫn rất nổi tiếng nhưng so ra thì kém Omega, dĩ nhiên, về đẳng cấp thì Patek vẫn hơn, còn Rolex thì không phù hợp thị hiếu bằng (Do đa phần là dây kim loại, to và nặng, giá trên trời).

Nhìn chung, các mẫu Omega cổ phổ biến ở nước ta phần lớn và Dress Watch, rất thanh lịch, trước năm 60, máy lên dây chiếm đa số (Do máy tự động mới được hoàn thiện trong những năm 40), sau năm 60, máy tự động lại phổ biến hơn.

Seamaster chính là dòng Omega phổ biến nhất, kế đến là De Ville, trong khi đó, dòng Bát Quái (Constellation) lại được khao khát nhất. Người Việt tay nhỏ nên thích kiểu dáng mỏng, vỏ tròn vành mảnh, kính mo (Kính vòm), mạ vàng, cọc nổi, mặt tia (Chải xước tạo hiệu ứng tỏa sáng) hoặc mặt lụa (Tạo xước tạo hình vân lụa), dây da.

Về tính năng thì đại đa số Omega có mặt tại Việt Nam là: Ba kim, ba kim một lịch, hai kim rưỡi. Các sản phẩm Omega có tính năng lặn, thể thao,… thì không được chuộng.

Tất nhiên, do vấn đề giá cả, người sở hữu được Omega không hề nhiều, suy cho cùng, đồng hồ của thương hiệu này chỉ nổi tiếng nhất, được thích nhất chứ không phải phổ biến nhất.

Phần này cũng xin được nhắc vài dòng về “tứ đại thương hiệu Thụy Sĩ”: Omega, Longines, Wyler, Telda. Đây chính là bốn thương hiệu được yêu thích nhất Việt Nam thời xưa.

  • Omega, hạng sang, là biểu tượng của tầng lớp thượng lưu, quyền lực.
  • Longines, cao cấp, đứng giữa trung thượng lưu, sĩ quan, chức sắc.
  • Wyler, phổ thông, sử dụng bởi tầng lớp trung lưu (tiểu tự sản, trí thức).
  • Telda, phổ thông, ưa chuộng bởi tầng lớp trung lưu thập niên 60 về trước.

5. Rất mỏng và rất nhỏ so với đồng hồ (cơ) hiện nay

Ngay tại năm 2019, kích thước trung bình cho đồng hồ nam là 40mm, đồng hồ nữ 30mm, những con số cực kỳ lớn nếu đem so sánh với năm 1990 chứ đừng nói chi là năm 1970 trở về trước.

Chính xác thì đồng hồ đeo tay cổ xưa đều có kích thước rất bé đối với bây giờ và kích thước của nó gần như không thay đổi suốt từ thập niên 50-70. Đối với nam, đường kính mặt số thường không lớn hơn 36mm, đối với nữ, đường kính mặt số thường không lớn hơn 26mm.

Không chỉ vậy, thời đại này cũng là lúc mà đồng hồ cơ siêu mỏng đạt đến đỉnh cao nhất. Hầu như các sản phẩm của mọi thương hiệu Thụy Sĩ phổ thông hay sang trọng sẽ không dày hơn 11mm nếu là máy tự động, nếu là máy cơ, nó thường chỉ dày đâu đó tầm 9mm.

Ví dụ như dòng Wyler Incaflex Dynawind, (Incaflex là bánh lắc (Bánh xe cân bằng) chịu sốc, phát minh của Paul Wyler năm 1927, đây cũng là đặc trưng của thương hiệu này).

Wyler rất được ưa chuộng trong tầng lớp tiểu tư sản từ Nam ra Bắc, chỉ là hàng bình dân nhưng độ dày cũng tầm 10-11mm. Nếu là máy lên dây thì càng mỏng hơn.

Wyler Incaflex Dynawind 3880M-1162 thập niên 60, máy automatic, size xấp xỉ: 35 x 10.9mm

Ngày nay, đồng hồ cơ mỏng cỡ dưới 10mm rất ít và đắt tiền, thậm chí là không thể thấy trên thương hiệu tầm trung, bình dân của Thụy Sĩ, Nhật Bản. Trong khi đó, cũng những thương hiệu này, ngày xưa, họ có hàng tá thiết kế siêu mỏng, có thể thấy rằng đây không phải vấn đề về công nghệ.

Đơn cử như Seiko, họ vẫn có dòng sản phẩm máy tự động siêu mỏng đỉnh cao đó là các Lord Matic (LM), giới thiệu năm 1968. Với độ dày phầm lớn chỉ khoảng 9.4-10.5mm, đây thực sự là một trong số các Dress Watch nổi tiếng của hãng này (Đáng tiếc là chỉ bán trong nội địa Nhật).

Orient cũng chẳng kém cạnh với các Orient Fineness Ultra Matic, giới thiệu năm 1967, độ mỏng của Cal.3990 bên trong là 3.9mm, như thế, cả đồng hồ dày chỉ tầm 8mm mà thôi.

Bạn nghĩ hãng Nhật như Orient không có đồng hồ mỏng? Không đâu, chỉ là nó không phổ biến bên ngoài Nhật Bản mà thôi (Trong ảnh là Orient Fineness Ultra Matic 35J năm 1967, độ dày tổng thể chỉ 8mm)

Đi tìm nguyên nhân, có rất nhiều lý do để giải thích nhưng quan trọng nhất vẫn luôn là: Độ bền, thị hiếu. Mỏng thì không bền, song song, người ta ngày càng thích mặt to, nếu đồng hồ mặt to mà dáng quá mỏng thì bị mất cân đối. Lại nói, đối thủ trong giai đoạn 1970-1990 của đồng hồ cơ siêu mỏng chính là đồng hồ quartz.

Độ dày của máy quartz không ngừng giảm đi, đáng chú ý nhất là công nghệ Eco-Drive One của Citizen cho phép độ mỏng đạt 1.00mm đi kèm mặt 2.98mm (năm 2019).

Ngược lại, độ mỏng của máy cơ đã đạt đến đỉnh điểm vào cuối thập niên 80 (máy Lassale 1200 dày 1.2 mm, 1976), vào thập niên 70, Piaget 12P chỉ dày 2,3 mm là ví dụ đáng chú ý nhất.

Sau cuộc khủng hoảng thạch anh (Thập niên 90 trở về sau), hầu hết các thương hiệu lâu đời đã từ bỏ đồng hồ cơ mỏng và nhỏ của mình. Còn bám trụ thường là hãng lớn chuyên về cổ điển như Longines, Rado, Hamilton và mới đây là Frederique Constant, hay hàng xa xỉ như Chopard, Jaeger-Lecoultre, Patek Philippe, Piaget, Vacheron Constantin, Audemar Piguet.

Quay lại với đồng hồ đeo tay cổ xưa ở Việt Nam, bạn sẽ rất khó để tìm ra một chiếc đồng hồ (hàng dân dụng) dày hơn 11mm. Nếu có, nó sẽ là đồng hồ nhiều chức năng (chronograph, Moon Phase, nhiều lịch…) rất đắt tiền, đồng hồ thợ lặn, đồng hồ quân đội hoặc dành cho chuyên nghiệp nào đó, tất cả đều không phải là hàng đại chúng.

Số đo của một chiếc Seiko Lord Matic 5606-7070, máy automatic, sản xuất năm 1968

Tóm lại, kích thước tiêu chuẩn cho từng loại đồng hồ sẽ xấp xỉ con số sau:

Bảng số đo kích thước trung bình đồng hồ nam từ 1950 – 1970

Đồng hồ lên dây
Độ dày8-9.5mm
Đường kính32-36mm
Đồng hồ tự động
Độ dày8-11mm
Đường kính32-36mm

Bảng số đo kích thước trung bình đồng hồ nữ từ 1950 – 1970

Đồng hồ lên dây
Độ dày7-9mm
Đường kính20-26mm
Đồng hồ tự động
Độ dày8-10mm
Đường kính20-26mm

Thời xưa, đồng hồ Thụy Sĩ và đồng hồ Nhật là biểu trưng của 2 trường phái: Thẩm mỹ và độ bền. Nếu tính về tổng thể, đồng hồ Thụy Sĩ thường được thiết kế sao cho nó bền (cho sử dụng đúng mục đích), vừa chính xác và vừa có vẻ bề ngoài đẹp nhất. Còn đồng hồ Nhật sẽ được tối ưu cho để có độ bền cao nhất cho tầm giá.

Có nghĩa là, nếu cùng giá tiền, đồng hồ Nhật sẽ bền hơn, đồng hồ Thụy Sĩ sẽ đẹp hơn. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đồng hồ Thụy Sĩ kém bền hay đồng hồ Nhật không đẹp. Chúng chỉ không phổ biến ở Việt Nam mà thôi, chứ trên thế giới thì có đầy.

Ví dụ về đồng hồ Thụy Sĩ loại “trâu”, nào là Omega Ploprof, Omega Speedmaster, Rolex Submariner, Doxa Sub, Omega Seamaster 300, Zodiac Aerospace GMT, Nivada Grenchen Depthomatic,…

Zodiac Aerospace GMT (Thập niên 60 bên phải và bản 2019 bên trái), đồng hồ Thụy Sĩ yêu thích của lính Mỹ khi đóng quân tại Việt Nam

Nên nhớ, thập niên 50-70 chính là thời kỳ hoàng kim của đồng hồ lặn, đồng hồ chronograph, không lý nào mà cường quốc “nhứt” hạng về đồng hồ như Thụy Sĩ lại về nhì, nói chi là không có mẫu “trâu bò” nào cả.

Và đồng hồ Nhật loại “thanh” dĩ nhiên cũng sẽ có: Seiko Goldfeather, Lord Marvel, Seiko Crown, Grand Seiko, King Seiko, Seiko Fairway, Seiko Cronos, Orient Auto Calendar, Orient Star, Royal Orient, Grand Prix Orient,…

King Seiko, biểu tượng sang trọng và chất lượng cao nhất của Seiko trong thập niên 60-70 (Trong ảnh là King Seiko HI-BEAT 5625-711 – 28800 vph, sản xuất năm 1974)

Đến đây, hẳn nhiều người vẫn chưa đồng ý lắm với các câu trả lời ở trên về độ bền của đồng hồ Nhật và Thụy Sĩ. Vậy thì đây chính là chìa khóa bạn đang cần: Vật liệu chế tạo vỏ.

Thập niên 70 trở về trước, trong khi thế giới, bao gồm Thụy Sĩ vẫn còn mải mê dùng đồng thau (Một phần là vì khả năng không bị nhiễm từ, rất hợp lý cho bộ máy cơ) để chế tạo vỏ đồng hồ thì người Nhật sớm đã dùng thép không gỉ để chế tạo đồng hồ cho mình từ thập niên 60.

Đồng hồ Nhật thập niên 60-80 trông khá thô dày có thể cũng vì họ dùng thép không gỉ làm vỏ. Nên biết, trình độ gia công lúc bấy giờ chưa cao (mác thép không phải là loại 316L như bây giờ), nguyên liệu, chi phí sản xuất đắt đỏ.

Ngược lại, đồng thau thì rất dễ dàng tạo hình, không nhiễm từ, nguyên liệu giá rẻ, chi phí sản xuất vỏ đồng hồ rẻ. Đến tận thập niên 70, phần lớn thương hiệu Thụy Sĩ (tầm trung, thương hiệu nhỏ) vẫn làm đồng hồ vỏ bằng đồng thau.

Sự “ngủ quên”, chậm tiến với đồng thau kéo dài đến tận thập niên 80, đã làm đồng hồ Thụy Sĩ trở nên xơ xác. Còn người Nhật nhanh nhạy với thép không gỉ, sớm từ thập niên 60, họ đã đẩy mạnh quảng cáo khắp nơi về nó.

Và cái gì đến cũng sẽ đến, thau mềm mên dễ bị cấn móp, dễ bị mồ hôi ăn mòn hơn. Nếu vỏ bằng thau xi mạ chrome hoặc vàng thì sau này sẽ bị lộ ra, trông rất xấu xí, nham nhở. Vấn đề đồng hồ Thụy Sĩ kém bền cũng có thể đã đến từ đây, bên cạnh “gu” máy mỏng, “cố mà” trang trí cho đẹp.

So sánh: Đồng hồ cổ & đồng hồ mới nhưng hoài cổ?

Đây là câu hỏi không có câu trả lời. Bảng so sánh bên dưới sẽ giúp bạn phân định rõ ràng hơn nhu cầu:

Đồng hồ cổ xưa Đồng hồ mới nhưng hoài cổ?
Ngân sách không cao, bắt đầu từ 1 triệu (hoặc thấp hơn nếu biết “săn”) Ngân sách trung bình, bắt đầu từ 5 triệu
Nên có nhiều kinh nghiệm về đồng hồ nói chung Không cần có nhiều kinh nghiệm về đồng hồ
Muốn “chơi” hơn là muốn “đeo” Cân bằng giữa “đeo” và “sưu tầm”
Chất lượng bị suy giảm, thường mất khả năng chịu nước, không quá chính xác Chất lượng theo hãng, có bảo hành (sai số, lỗi kỹ thuật…)
Phần lớn có size nhỏ (33-36mm), mỏng Phần lớn có size trung bình (38-40mm), dày
Có thể trông khá cũ kỹ, lỗi thời, quái dị Thường rất bắt mắt do được phỏng theo những thiết kế đỉnh cao nhất, bán chạy nhất ngày xưa
Thường mất zin dây, núm, đáy, kính. Bộ máy có thể bị can thiệp sâu hoặc thay linh kiện nếu niên đại quá lâu Hàng nguyên zin, nguyên hộp, phụ kiện(nếu mua ở Đại lý phân phối)
Các mẫu màu vàng luôn chứa một lượng vàng thật nhất định (mạ vàng dày 3-200 micron) hoặc bằng vàng đặc Các mẫu màu vàng chứa cực kỳ ít vàng thật, mang tính tượng trưng là chính (độ dày thường chỉ 0.15-0.3 micron)

Một chiếc đồng hồ Omega cổ 1940 cơ chế “búa tự động” được lắc kê vàng dày 80 micron, quý cho sưu tập lẫn vật chất, các loại PVD bây giờ thì không có giá trị về mặt vật chất

Mách nhỏ:

Những sản phẩm đồng hồ đeo tay cổ sản xuất trước năm 1970 của Wyler, Telda, Bulova, Hamilton, Titoni, Benrus… Các thương hiệu bình dân-tầm trung nói chung thường không quá 5 triệu. 2-3 triệu cho màu bạc, 4-6 triệu cho đồng hồ lắc kê vàng, chức năng phức tạp dao động 5-10 triệu rất “đã”. Tầm giá này tương đương giá mua mới các thiết kế hoài cổ có chức năng đơn giản.

Và đó là chưa nói đến việc 20 triệu cho một chiếc Omega vàng đặc 14k chỉ tương đương với một chiếc Longines PVD vàng thời nay. Có thể nói, nếu không ngại vẻ ngoài cũ kỹ, chất lượng suy giảm, lỗi thời, có hiểu biết kha khá về đồng hồ thì đồng hồ đeo tay cổ xưa (đặc biệt là đồng hồ vàng, bọc vàng) sẽ có giá trị hơn đồng hồ hiện đại.

Kết luận

Sau tất cả, sưu tập đồng hồ đeo tay cổ xưa thường mang tính kỷ niệm hơn là sử dụng thực tế. Bởi lẽ, phần lớn trong số chúng đã sờn cũ, không cách nào phục hồi ngay cả khi đã tân trang hay đại tu, trừ phi thay thế linh kiện.

Tương tự như vậy, thời gian trôi đi thì không thể quay lại, nó sẽ làm nhòa đi mọi thứ, bao gồm những chiếc đồng hồ đeo tay và lịch sử của chúng. Và đó là lý do mà chúng ta cần phải đi góp nhặt lại những ký ức của thế hệ trước, tránh để mất đi quá nhiều, vĩnh viễn không tìm lại được.

Những câu chuyện xưa đều là lượm lặt, thu thập qua ký ức, bằng lời truyền miệng, người kể có nhớ có quên, người viết có nhầm có tỏ, nếu có sai sót, chân thành xin bạn đọc hãy góp ý bên dưới để bài viết thêm hoàn thiện.

Cuối bài, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến ông, cha, bác Khoa, bác Vũ, bác Tiến, chú Bảy và nhiều người khác đã giúp đỡ để viết nên bài này.

Tin tức liên quan:

Chia sẻ này có hữu ích cho bạn?
Hữu ích
Không hữu ích

THẢO LUẬN

15 thảo luận
  1. V
    Văn hùng

    Hải triều có thẩm định giúp xem sx năm bn ?tôi gửi ảnh có kt đc ko?

    2 năm trước
    • ĐỒNG HỒ HẢI TRIỀU

      Dạ chào anh,

      Dạ, Để phân biệt mẫu đồng hồ đó có phải chính hãng hay không hoặc năm sản xuất đồng hồ đó là năm bao nhiêu? thì chỉ có chuyên viên kỹ thuật của hãng đồng hồ đó mới kiểm tra và xác nhận được thôi ạ. ^^ Các bài viết trên mạng chỉ mang tính chất tham khảo thôi anh nhé.

      Khi mua hàng chính hãng, mình sẽ có phiếu bảo hành của hãng, mình dùng phiếu bảo hành đó đi bảo hành được tại các trung tâm hãng đó ở Việt Nam ạ.

      Hiện Hải Triều không hỗ trợ thẩm định thật giả. Chính vì vậy, mình có thể liên hệ hỏi hãng thử xem có nhận thẩm định không nhé.
      Em thông tin đến mình ạ,

      Chúc anh một ngày vui vẻ ạ !

      Em cảm ơn ạ
      -qs-

      2 năm trước
  2. N
    Nguyễn Nhân Sinh

    Bài viết rất hay, câu kết dễ thương “Những câu chuyện xưa đều là lượm lặt, thu thập qua ký ức, bằng lời truyền miệng, người kể có nhớ có quên, người viết có nhầm có tỏ”

    2 năm trước
    • ĐỒNG HỒ HẢI TRIỀU

      Chào anh/chị,

      Hải Triều cám ơn anh/chị rất nhiều!

      Chúc anh/chị buổi chiều vui vẻ nhé ^^!
      -hp-

      2 năm trước
  3. H
    Hùng

    Rất hay! Cám ơn Hải Triều !

    2 năm trước
    • ĐỒNG HỒ HẢI TRIỀU

      Chào anh Tuấn,

      Dạ cám ơn anh đã ghé thăm trang web ạ ^^

      Nếu cần thêm thông tin, Anh có thể liên hệ với Hải Triều qua Hotline: 1900.6777
      Hoặc Zalo: 01234567381
      Email: cskh@donghohaitrieu.com (Phòng Chăm sóc khách hàng).

      Chúc Anh cuối tuần thật nhiều niềm vui nhé

      Trân trọng!

      2 năm trước
  4. N
    Nguyễn Hữu Anh Tuấn

    Cảm ơn về những kiến thức về đồng hồ cổ nhé Hải Triều

    3 năm trước
    • ĐỒNG HỒ HẢI TRIỀU

      Chào anh Tuấn,

      Dạ cám ơn anh đã ghé thăm trang web ạ ^^

      Nếu cần thêm thông tin, Anh có thể liên hệ với Hải Triều qua Hotline: 1900.6777
      Hoặc Zalo: 01234567381
      Email: cskh@donghohaitrieu.com (Phòng Chăm sóc khách hàng).

      Chúc Anh cuối tuần thật nhiều niềm vui nhé

      Trân trọng!

      3 năm trước
  5. H
    Hoang The Viet

    Bài viết hay, hữu ích. Cám ơn!

    3 năm trước
    • Đồng Hồ Hải Triều

      Chào anh,

      Dạ cám ơn anh đã ghé thăm trang web và để lại lời khen dành cho Hải Triều ạ ^^

      Nếu cần thêm thông tin, Anh có thể liên hệ với Hải Triều qua Hotline: 1900.6777
      Hoặc Zalo: 01234567381
      Email: cskh@donghohaitrieu.com (Phòng Chăm sóc khách hàng).

      Chúc Anh một ngày tốt lành !

      Trân trọng!  
      -hp-

      3 năm trước
  6. P
    Phuonglae

    Cảm ơn tác giả! bài viết rất hay

    4 năm trước
    • Đồng Hồ Hải Triều

      Chào anh/chị,

      Hải Triều cám ơn anh/chị rất nhiều!

      Chúc anh/chị buổi chiều vui vẻ nhé ^^!
      _tt_

      4 năm trước
  7. t
    truong

    Tôi dân 8x, đọc bài này mới bổ sung thêm một số kiến thức khá hay. Tiếc là đồng hồ omega của ông tôi đã bị hỏng, nên những chiếc tôi có không phải đồ gia truyền để khoe với anh em chung đam mê

    4 năm trước
    • Đồng Hồ Hải Triều

      Chào anh,

      Rất cảm ơn anh đã để lại bình luận cho bài viết trên. Mong anh thường theo dõi thêm nhiều Video hay bài viết từ Hải Triều anh nhé .

      Cảm ơn anh và chúc anh buổi trưa vui.
      Trân trọng
      _nh_

      4 năm trước
  8. H
    Hainguyenthanh

    Tôi vẫn dùng cùng lúc 2 chiếc loai dồng hồ cổ đều vỏ inox của thuy sĩ một cái là omega simaste một lịch đáy ngựa biển chạy máy vàng hồng 562 size 34.3 kính meka móng ngựa và một cái nữa Longines đời 5 ngôi sao không lịch mặt số bạch kim chạy tia xoáy logo nổi thương hiệu nổi và cọc số cũng nổi toàn bộ trên mặt cái gì nổi đều mầu vàng hết đáy đúc đặc sáng soi gương không một vết xước chạy dòng máy răng cưa cực đẹp 342 và xize 34.2 cm tôi sử dụng mua lại và dã dùng được trên 30 năm vẫn chạy tốt chưa lau dầu vệ xinh lần nào đồ cổ thuỵ sĩ tốt thật

    4 năm trước
Thêm đánh giá

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *